T Chỉ tiêu Đ/v Năm 2007 Năm 2008 Năm 2009 Năm 2010 Năm 2011 Năm
4.2.2.3. Hoàn thiện hình thức tổ chức của đại lý thuế
Có thể nói, một trong các nguyên nhân khiến cho dịch vụ thuế tư ở Việt Nam chậm phát triển là hình thức được pháp luật cho phép thành lập, hoạt động còn quá ít (chỉ có một hình thức, đó là doanh nghiệp). Nên chăng mở rộng thêm một số hình thức nữa, các điều kiện thành lập không thay đổi, nhưng cho phép quy mô hoạt động, phạm vi cung cấp các dịch vụ thuế có
thể linh hoạt nhằm gần gũi hơn với người nộp thuế ở nhiều quy mô khác nhau, trình độ khác nhau.
Một là, về hình thức tổ chức, có thể nghiên cứu phát triển trong trường hợp hình thức đại lý thuế là: Doanh nghiệp; Cá nhân; Hiệp hội đại lý thuế và liên hiệp hiệp hội đại lý thuế.
- Đại lý thuế là doanh nghiệp (doanh nghiệp chỉ cung cấp dịch vụ làm thủ tục về thuế và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán, tài chính và dịch vụ thuế) hình thức, tên gọi, bộ máy tổ chức... của đại lý thuế theo quy định của Luật Doanh nghiệp và quy định điều kiện đối với tổ chức kinh doanh làm thủ tục về thuế. Trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh phải ghi rõ có hoạt động cung cấp các dịch vụ làm thủ tục về thuế, tư vấn thuế. Khi có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật, đối với đại lý thuế là doanh nghiệp sẽ được phép cung cấp cho người nộp thuế tất cả các dịch vụ liên quan đến thủ tục về thuế, như: đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, quyết toán thuế, khiếu nại về thuế, lập hồ sơ đề nghị miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế. Trong các quy định của pháp luật cần phân biệt rõ ràng trường hợp các đại lý thuế chỉ cung cấp các dịch vụ làm thủ tục về thuế hoặc đồng thời với việc cung cấp các dịch vụ tài chính, kế toán, kiểm toán cho người nộp thuế. Sự ràng buộc các điều kiện vật chất; cũng như khả năng chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng cho nhu cầu của khách hàng; trách nhiệm pháp lý và các trách nhiệm khác đối với mỗi nhóm đại lý thuế phải khác nhau. Ví dụ như, một công ty vừa cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán đồng thời cung cấp dịch vụ làm thủ tục về thuế có khả năng sẽ thuận lợi cho người nộp thuế bởi dịch vụ trọn gói, nhưng không thể không nghĩ tới khả năng công ty sẽ lợi dụng sự nắm vững thông tin về người nộp thuế để khai trốn thuế và tránh thuế. Vậy vấn đề đặt ra là có cho phép các đại lý thuế cung cấp cho người nộp thuế đồng thời cả dịch vụ kế toán, kiểm toán và dịch vụ thuế không; nếu có thì các điều kiện kinh doanh, trách nhiệm của đại lý thuế cần được quy định rõ ràng hơn. Nên chăng cho phép duy trì hình thức hoạt động này (vừa cung cấp các dịch
vụ kế toán vừa cung cấp các dịch vụ thuế), xuất phát từ ba lý do sau đây: Khó tách bạch một cách rõ ràng các dịch vụ này trên thực tế; Sự thuận tiện cho người nộp thuế khi yêu cầu cung cấp các dịch vụ này; Luật Doanh nghiệp không cấm các doanh nghiệp đồng thời cung cấp cả dịch vụ kế toán, kiểm toán và dịch vụ thuế.
- Đại lý thuế là cá nhân. Các cá nhân hành nghề độc lập cung cấp một số dịch vụ về thuế trong quá trình người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước. Trong một số trường hợp người nộp thuế chỉ yêu cầu cung cấp một hoặc một số dịch vụ làm thủ tục về thuế nào đó từ phía đại lý thuế, ví dụ kiểm tra lại hồ sơ khai thuế trước khi nộp cho cơ quan thuế; khai thuế thuê hoặc tư vấn thuế. Tính chất của các dịch vụ này là đơn giản, yêu cầu, đòi hỏi về chuyên môn, nghiệp vụ không cao và công việc được thực hiện dưới sự giám sát và sự chấp thuận của người nộp thuế, nên các cá nhân có trình độ nhất định về tài chính, kế toán đều có thể cung cấp được. Tất nhiên, đối với các cá nhân này phải có chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế. Theo quy định của pháp luật Việt Nam trong nhiều lĩnh vực đã cho phép cá nhân được cung cấp một số dịch vụ tài chính, như môi giới chứng khoán; môi giới mua, bán bất động sản; làm kế toán cho các hộ kinh doanh và các dịch vụ tài chính khác.
- Hiệp hội đại lý thuế: Được thành lập tương ứng với mỗi Cục Thuế ở địa phương, hiệp hội đại lý thuế cũng phải đăng ký hoạt động và phải có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh làm thủ tục về thuế. Trong tổ chức của hiệp hội đại lý thuế bao gồm cả các đại lý thuế đang hoạt động trong phạm vi tỉnh/Thành phố trực thuộc trung ương, hoạt động theo nguyên tắc được quy định trong Luật Quản lý thuế và các văn bản pháp luật có liên quan, mọi sự thay đổi đều phải được sự đồng ý chấp thuận của Tổng cục Thuế - Bộ Tài chính. Ngoài hoạt động giống như đại lý thuế, hiệp hội đại lý thuế kết nối tất cả các đại lý thuế ở địa phương, thông báo các yêu cầu, các quy định đối với hoạt động đại lý của cơ quan thuế, chịu sự quản lý trực tiếp của Liên hiệp
hiệp hội đại lý thuế. Đồng thời, cũng là một kênh để các đại lý thuế đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền các vấn đề có liên quan tới chính sách thuế và quản lý thuế.
- Liên hiệp hiệp hội đại lý thuế: Là tổ chức cao nhất, liên kết các hiệp hội đại lý thuế trên toàn quốc với mục đích thực hiện chỉ đạo, liên lạc và giám sát hiệp hội đại lý thuế cũng như các thành viên của hiệp hội; giúp các đại lý thuế hoàn thành trách nhiệm và nghĩa vụ, từng bước cải tiến và nâng cao nghiệp vụ của đại lý thuế. Sự hình thành liên hiệp hội đại lý thuế cũng giống như hình thành và hoạt động của một số hiệp hội khác có quy mô trên phạm vi cả nước ở nước ta hiện nay. Trong quá trình hoạt động sẽ hoàn thiện dần quy chế đối với mô hình Hiệp hội đại lý thuế và Liên hiệp hội đại lý thuế ở Việt Nam.
Với 04 hình thức đại lý thuế nêu trên, trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam, 02 hình thức sau (Hiệp hội đại lý thuế và Liên hiệp hiệp hội đại lý thuế) nếu thành lập cần phải được xem xét kỹ càng, bởi vì hiện nay ở nước ta có Hội tư vấn thuế Việt Nam, Hội là một tổ chức xã hội nghề nghiệp, trong đó thành viên của Hội là các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thủ tục về thuế và các cá nhân có chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế. Với địa vị pháp lý và chức năng như hiện nay, có thể cân nhắc, xem xét để tiến tới thành lập các Chi hội ở từng địa phương hoặc vùng địa lý (tùy thuộc vào từng địa bàn cụ thể). Do đó, trong trường hợp này, Hội tư vấn thuế trong một chừng mực nhất định sẽ đóng vai trò là Liên hiệp hiệp hội đại lý thuế và Chi hội ở các địa phương chính là Hiệp hội đại lý thuế. Tuy nhiên, để thực hiện đúng chức năng được giao, Hội Tư vấn thuế cần nâng cao hơn nữa vai trò của mình trong việc thu hút sự tham gia, góp phần cùng với Tổng cục Thuế định hướng và giám sát hoạt động của các đại lý thuế (kể cả là cá nhân hay thể nhân). Trên cơ sở đó, trong tương lai sẽ cân nhắc để tiến tới chuyển giao việc quản lý, giám sát hoạt động của đại lý thuế từ cơ quan thuế sang Hội tư vấn thuế.
Hai là, quy định rõ phạm vi các dịch vụ được cung cấp cho xã hội của các tổ chức kinh doanh dịch vụ thuế. Để đáp ứng cho yêu cầu quản lý của nhà
nước, nhu cầu của xã hội về các dịch vụ thuế và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức cung cấp dịch vụ thuế chủ động trong hoạt động kinh doanh, linh hoạt đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường, phù hợp với xu thế quản lý kinh tế bằng pháp luật trong điều kiện hiện nay thì nội dung của văn bản pháp luật cần nêu rõ những dịch vụ thuế nào các doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ thuế không được cung cấp cho người nộp thuế. Chẳng hạn như, khai thuế không đúng thực tế phát sinh; móc nối với người nộp thuế sử dụng hoặc tự sử dụng hoá đơn, chứng từ không đúng quy định để khai thuế; thông đồng với người nộp thuế khai giảm số thuế phải nộp; giả mạo hoặc cùng với người nộp thuế, cán bộ thuế giả mạo hồ sơ đề nghị miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế…