B i= x 100% W
2.3.2.2. Kinh nghiệm quản lý hoạt động của các đại lý thuế
Các nước đều có quy định khá rõ ràng và chặt chẽ để quản lý hoạt động của các đại lý thuế, từ việc quy định điều kiện để được hành nghề cung cấp dịch vụ thuế, giám sát, kiểm tra hoạt động của các đại lý thuế, xử lý vi phạm cũng như hỗ trợ hoạt động cho các đại lý thuế
* Về vấn đề cấp phép hoạt động
Đại lý thuế với tư cách là một tổ chức kinh doanh nên mọi thủ tục hành chính bao gồm cả thủ tục hành chính về thuế tương tự như đối với một doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, do đó, tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ thuế phải có chứng chỉ đảm bảo các điều kiện đã quy định về trình độ yêu cầu, ngoài ra, phải được đảm bảo rằng có đủ tư cách đạo đức nghề nghiệp. Nếu vi phạm một trong hai điều kiện này đều bị đình chỉ hoạt động. Tuỳ theo quy định của từng nước, việc phân công cho cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động cho ngành nghề kinh doanh là dịch vụ thuế có thể khác nhau.
Ở Úc, để được hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế, các tổ chức, cá nhân phải có giấy phép kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế do Ban cấp
phép cấp. [47]. Thời hạn sử dụng giấy phép là 3 năm. Thời điểm trước năm 2009, ở mỗi bang được thành lập một Ban cấp phép thuế, gồm 03 thành viên: 01 đại diện cho cơ quan thuế, 01 đại diện Hiệp hội ngành nghề kế toán, kiểm toán; 01 luật sư. Từ năm 2009 đến nay, sau khi Đạo Luật dịch vụ đại lý thuế ra đời (26/3/2009), việc quản lý, giám sát, cấp giấy phép kinh doanh đối với các đại lý thuế được thực hiện thông qua một Hội đồng quốc gia về thuế. Đối với cá nhân muốn hành nghề độc lập thì phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định (18 tuổi trở lên, có năng lực trí tuệ, có đạo đức liêm khiết, không có tiền án, tiền sự, có bằng cử nhân tài chính kế toán hoặc tương đương, đã tham gia khoá bồi dưỡng về Luật thuế Úc và được cơ quan thuế Úc (ATO) cấp chứng chỉ, có kinh nghiệm làm kế toán, thông thạo kê khai các loại thuế. Ở Nhật Bản, cơ quan cấp phép hoạt động cho các đại lý thuế là Liên hiệp Hiệp hội đại lý thuế.
Việc quy định cấp chứng chỉ hành nghề đại lý thuế ở các nước cũng rất được coi trọng. Ở Nhật Bản, một người muốn hành nghề dịch vụ thuế phải trải qua kỳ thi để được cấp chứng chỉ hoặc đủ điều kiện miễn thi để trở thành nhân viên đại lý thuế. Hai điều kiện chủ yếu phải trải qua kỳ thi và đạt yêu cầu là: pháp luật thuế và kế toán. Kỳ thi này rất khó, tỷ lệ đỗ chỉ khoảng 2% (năm 2006 có 54.203 người dự thi nhưng chỉ có 1.126 người thi đỗ tất cả các môn và 8.726 người đỗ một môn. Ngoài ra, còn phải đảm bảo các yêu cầu liên quan đến tư cách đạo đức nghề nghiệp (như tính trung thực, không vi phạm pháp luật khác...). Hội đồng kiểm tra đại lý thuế do Tổng cục Thuế thành lập là đơn vị được trao thẩm quyền tổ chức các kỳ thi này và cấp chứng chỉ cho người có đủ điều kiện hoặc đạt yêu cầu qua các kỳ thi. Cá nhân có chứng chỉ thì được hành nghề suốt đời và yêu cầu bắt buộc hàng năm phải tham gia các khoá đào tạo do Hiệp hội đại lý thuế Nhật Bản tổ chức.
Ở Malaysia, để được làm đơn đăng ký hành nghề, cá nhân phải hội tụ các điều kiện sau: (i) cử nhân kinh tế hoặc cử nhân luật (có Bằng đại học thuộc các trường được Chính phủ công nhận hoặc có chứng chỉ (hay bằng) do
trường Nghiệp vụ thuế cấp; (ii) Là thành viên của Hiệp hội kế toán, Hội luật sư (theo danh sách Hiệp hội được Chính phủ công nhận); (iii) Có kinh nghiệm trong lĩnh vực thuế; (iv) Đủ số điểm về đăng ký thi cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế. Hằng năm, Bộ Tài chính Malaysia có tổ chức các cuộc hội thảo về NSNN. Các tổ chức, cá nhân tham gia hội thảo được cộng điểm (có quy định riêng về mức điểm được cộng). Hồ sơ dự thi cấp chứng chỉ được gửi tới Phòng Phân tích thuế - Bộ Tài chính để kiểm tra, nếu hợp lệ thì sẽ được chuyển cho Cục Thu nội địa Malaysia (IRBM) xem xét rồi chuyển xuống chi nhánh thuế vùng để phỏng vấn (Hình thức thi cấp chứng chỉ là phỏng vấn). Nội dung phỏng vấn là kiến thức pháp luật về thuế. Chi nhánh thuế vùng sẽ thành lập Hội đồng phỏng vấn và đánh giá kết quả dựa trên các tiêu chí lựa chọn. Chứng chỉ hành nghề đại lý thuế được cấp có thời hạn 2 năm. Trong thời gian 04 tháng trước khi chứng chỉ hết thời hạn, nếu muốn tiếp tục hoạt động thì người làm đại lý thuế phải nộp đơn xin đăng ký thi lại. Một số trường hợp có thể được cấp lại chứng chỉ mà không cần qua phỏng vấn (dựa trên thông tin qua kiểm tra hồ sơ đại lý thuế: kết quả công việc đã làm qua các năm, chất lượng dịch vụ cung cấp, kỹ năng kê khai điện tử, hiểu biết về chính sách pháp luật thuế, thái độ của đại lý thuế với cơ quan thuế,...)
Về quyền và nghĩa vụ của đại lý thuế cũng được quy định rõ trong các văn bản pháp luật của các nước. Chẳng hạn ở Nhật Bản, trong Luật Kế toán thuế công có chứng chỉ (còn được gọi là Luật Đại lý thuế) có quy định quyền và nghĩa vụ của đại lý thuế bao gồm:
- Xuất trình giấy tờ chứng minh đủ điều kiện đại lý thuế và là đại diện uỷ quyền cho người nộp thuế khi làm việc với cơ quan thuế.
- Ký xác nhận vào các hồ sơ thuế cùng với người nộp thuế và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung hồ sơ thuế đó.
- Tiếp nhận các yêu cầu của cơ quan thuế về việc điều chỉnh, bổ sung hồ sơ thuế của cơ quan thuế và tham gia với người nộp thuế để giải trình các nội dung liên quan đến điều chỉnh, bổ sung hồ sơ thuế của người nộp thuế.
- Tham gia giải trình, làm việc với cơ quan thuế về các hồ sơ thuế liên quan theo nội dung thông báo thanh tra người nộp thuế mà đại lý thuế thực hiện việc chuẩn bị các hồ sơ thuế đó.
- Chuẩn bị sổ sách, ghi chép, hạch toán và lập các báo cáo tài chính doanh nghiệp cho người nộp thuế.
- Có trách nhiệm bảo mật các thông tin liên quan đến hồ sơ thuế và các bí mật của người nộp thuế.
- Cấm tư vấn người nộp thuế trốn thuế, tránh thuế. Khi phát hiện người nộp thuế có hành vi trốn thuế, tránh thuế hoặc vi phạm pháp luật thuế phải có ý kiến tư vấn cho người nộp thuế để ngăn chặn, sửa chữa.
Đại lý thuế vi phạm các quy định sẽ phải chịu các hình thức kỷ luật cảnh cáo; đình chỉ nghiệp vụ đại lý thuế trong khoảng thời gian 1 năm; cấm thi hành nghiệp vụ đại lý thuế đối với các đại lý thuế vi phạm. Ngoài việc bị phạt cảnh cáo, đình chỉ nghiệp vụ đại lý thuế, cấm thi hành nghiệp vụ đại lý thuế, có thể còn bị phạt tiền theo mức độ vi phạm và bị phạt tù nếu vi phạm nặng đến mức hình sự. Thủ tục thi hành kỷ luật do Bộ Tài chính quyết định theo đề nghị của cơ quan thuế hoặc Hiệp hội đại lý thuế. Đại lý thuế bị kỷ luật được thông báo công khai trên công báo và nêu rõ lý do thi hành kỷ luật.
* Giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm
Ngoài việc được cơ quan thuế giám sát kiểm tra hoạt động của chính đại lý thuế như những người nộp thuế khác, đại lý thuế còn phải chịu những hình thức giám sát kiểm tra đặc biệt khác để đảm bảo tính trung thực, chính xác, đầy đủ của đại lý thuế đó đối với các hồ sơ kê khai của các khách hàng. Đồng thời, cơ quan thuế cũng áp dụng nhiều biện pháp để đảm bảo mọi tư vấn đối với người nộp thuế của đại lý thuế là đúng pháp luật, không nhằm để người nộp thuế tránh thuế hoặc trốn thuế. Nếu phát hiện vi phạm, sẽ thực hiện xử lý nghiêm khắc như cảnh cáo, phạt tiền, đình chỉ hoạt động, cấm hoạt động theo cấp độ vi phạm về tính trung thực, chính xác của đại lý thuế.
Bên cạnh đó, đại lý thuế có thể được coi như khách hàng “VIP” của cơ quan thuế, được hưởng các dịch vụ về thuế đặc biệt của cơ quan thuế như: được dự các lớp tập huấn miễn phí do các chuyên gia cao cấp ngành thuế thực hiện, được lấy ý kiến về các chủ trương, chính sách mới của ngành thuế, được cơ quan thuế cung cấp, truy cập các thông tin một cách nhanh chóng, đầy đủ của tất cả các khách hàng của đại lý thuế…
Ở Nhật Bản, cơ quan thuế có trách nhiệm tổ chức bộ máy quản lý đại lý thuế để thực hiện nhiệm vụ giám sát, kiểm tra các hoạt động của các cấp đại lý thuế. Cụ thể là:
- Tại Tổng cục Thuế: có bộ phận đặc biệt trực tiếp phụ trách Liên hiệp hiệp hội đại lý thuế, thường xuyên theo dõi các hoạt động và tổ chức trao đổi cụ thể các vấn đề liên quan đến hoạt động của Liên hiệp.
- Tại cục thuế vùng: có bộ phận phụ trách Hiệp hội đại lý thuế.
- Tại chi cục thuế: có bộ phận phụ trách chi hội đại lý thuế và các đại lý thuế trên địa bàn. Việc giám sát của cơ quan thuế là để đảm bảo sự tin tưởng của nhân dân đối với chế độ đại lý thuế.
Các hình thức giám sát có thể đa dạng, như:
- Tổ chức các cuộc họp quán triệt, yêu cầu đại lý thuế đảm bảo thực hiện nghiệp vụ đại lý thuế một cách chính xác hợp lý, đúng pháp luật và ngăn ngừa những hành vi vi phạm của đại lý thuế.
- Thu thập, tổng hợp thông tin liên quan đến hoạt động của đại lý thuế và phát hiện các hành vi vi phạm của đại lý thuế.
- Tiến hành kiểm tra trực tiếp thông qua phỏng vấn, kiểm tra sổ sách nghiệp vụ để phát hiện những vi phạm của đại lý thuế.
- Tổ chức thanh tra kỹ nếu phát hiện đại lý thuế có vi phạm để tiến hành xử phạt theo quy định của pháp luật.
- Xử lý sau thanh tra bao gồm nhắc nhở, xử phạt bằng các hình thức cảnh cáo, đình chỉ tiến hành nghiệp vụ đại lý thuế trong vòng 1 năm hoặc cấm thực hiện nghiệp vụ đại lý thuế.
Ở Úc, Ban cấp phép thuế có quyền rút giấy phép hành nghề, cho ngừng hoạt động, đóng cửa khi thấy rằng các tổ chức, cá nhân làm thủ tục thuế không đủ năng lực hoặc cố tình hay vô tình kê khai thuế không đúng với quy định của luật thuế. Nếu người nộp thuế (kê khai thuế qua dịch vụ) bị xử phạt thuế, người nộp thuế có quyền khiếu nại qua toà dân sự. Mọi tổn hại thuộc trách nhiệm của tổ chức, cá nhân làm dịch vụ do làm sai theo phân xử của toà đều phải bồi hoàn cho người nộp thuế [47], [48].