Mục tiêu phát triển dịch vụ thuế

Một phần của tài liệu phát triển dịch vụ thuế ở việt nam trong giai đoạn hiện nay (Trang 129 - 131)

T Chỉ tiêu Đ/v Năm 2007 Năm 2008 Năm 2009 Năm 2010 Năm 2011 Năm

4.1.2. Mục tiêu phát triển dịch vụ thuế

Xuất phát từ mục tiêu cơ bản của thuế nói chung và quản lý thuế nói riêng, đồng thời xuất phát từ mục tiêu của Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020, phát triển dịch vụ thuế ở Việt Nam cần đạt được các mục tiêu cơ bản sau:

Thứ nhất, phát triển dịch vụ thuế nhằm nâng cao hiệu quả của công tác quản lý thuế, trong đó đảm bảo nguồn lực cho ngân sách nhà nước, góp phần thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước là mục tiêu quan trọng. Dịch vụ thuế ở cả giác độ công hay tư đều liên quan đến công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế - đây được xem như là một trong những chức năng quản lý thuế cơ bản theo cơ chế quản lý tự tính, tự khai, tự nộp thuế. Việc thực hiện các chức năng quản lý thuế cũng như tất cả các nhiệm vụ mà cơ quan thuế thực hiện, một trong những kết quả cuối cùng đều thể hiện là số thu ngân sách, đó là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhất của ngành Thuế. Số thu thuế nhiều hay ít có tác động trực tiếp và chủ yếu đến quy mô ngân sách, từ đó ảnh hưởng đến việc bố trí các nguồn lực để đầu tư cho phát triển kinh tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng. Do đó, một trong những mục tiêu quan trọng của phát triển dịch vụ thuế đó là đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Thứ hai, phát triển dịch vụ thuế nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức pháp luật thuế cho người nộp thuế. Với cơ quan thuế, hiển nhiên hoạt động đầu tiên nhằm đạt được mục tiêu nâng cao nhận thức pháp luật cho người nộp thuế là công tác tuyên truyền. Song có thể nói, nâng cao nhận thức pháp luật không chỉ là mục tiêu của công tác tuyên truyền mà còn là mục tiêu của việc phát

triển dịch vụ thuế, cả dịch vụ công và dịch vụ tư. Việc đặt mục tiêu nâng cao nhận thức pháp luật thuế cho việc phát triển dịch vụ thuế có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định các cách thức cung cấp dịch vụ hỗ trợ người nộp thuế. Mục tiêu này cũng chi phối nhất định đến việc lựa chọn mô hình tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ người nộp thuế của cơ quan thuế.

Thứ ba, phát triển dịch vụ thuế nhằm mục tiêu nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật thuế. Mọi hoạt động quản lý của cơ quan thuế phải hướng tới việc nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý. Nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật thuế hướng đến việc đạt được cả hai tiêu chí quan trọng bậc nhất này của quản lý. Bởi vậy, với tư cách là một chức năng quan trọng của quản lý thuế, hoạt động cung cấp dịch vụ hỗ trợ người nộp thuế phải hướng tới đạt được mục tiêu này. Tất nhiên, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật thuế không chỉ được thực hiện qua hoạt động cung cấp dịch vụ thuế của cơ quan thuế mà còn được thực hiện bởi nhiều chức năng quản lý khác của cơ quan thuế như: tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra, cưỡng chế thuế. Thậm chí ý thức tuân thủ pháp luật thuế còn đạt được bởi các hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước và bảo vệ pháp luật khác.

Cũng cần lưu ý rằng, cho dù người nộp thuế có sử dụng dịch vụ thuế tư với mục tiêu giảm bớt số thuế phải nộp thì mục tiêu nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật vẫn phải đặt ra đối với dịch vụ thuế tư. Đặt mục tiêu như vậy sẽ chi phối đến các giải pháp về pháp lý và quản lý với các tổ chức và cá nhân kinh doanh dịch vụ thuế.

Thứ tư, phát triển dịch vụ thuế nhằm tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi cho các tổ chức và cá nhân trong xã hội. Bản thân các dịch vụ thuế công và tư nếu phát triển mạnh mẽ, đúng hướng và đảm bảo chất lượng sẽ có vai trò quan trọng trong việc tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi cho các tổ chức và cá nhân trong xã hội. Tuy vậy, khi nghiên cứu các giải pháp phát triển dịch vụ thuế vẫn cần lưu ý mục tiêu này để đảm bảo các giải pháp sẽ

phải hướng tới phục vụ mục tiêu quan trọng là góp phần cải thiện môi trường kinh doanh.

Thứ năm, phát triển dịch vụ thuế tư phải đảm bảo thực hiện được một trong những mục tiêu của Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2020, cụ thể phấn đấu đến năm 2020 cả nước có 8.000 đại lý thuế (giai đoạn 2011 - 2015 là 3.000 đại lý thuế và giai đoạn 2016 – 2020 là 5.000 đại lý thuế). [10]. Đẩy mạnh việc xã hội hoá hoạt động hỗ trợ người nộp thuế, gắn với từng bước nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của đại lý thuế. Đồng thời, đảm bảo tính tuân thủ pháp luật trong cung cấp dịch vụ thuế của các đại lý thuế nói trên. Như đã trình bày trên, dịch vụ thuế tư có liên quan mật thiết đến lợi ích của nhiều chủ thể khác nhau trong nền kinh tế – xã hội nên phải được coi là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Công tác kiểm soát và quản lý hoạt động cung cấp dịch vụ thuế tư phải đảm bảo tính tuân thủ pháp luật của lĩnh vực này. Các giải pháp phát triển dịch vụ thuế tư cũng cần hướng đến việc đạt được yêu cầu này.

Một phần của tài liệu phát triển dịch vụ thuế ở việt nam trong giai đoạn hiện nay (Trang 129 - 131)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(169 trang)
w