Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ - Bank of Japan) thực hiện thị trường mở với mục tiêu để bơm/hút vốn khả dụng vào thị trường mở một cách chủ động và linh hoạt theo hai hình thức can thiệp hoặc ngắn hoặc dài hạn. Hoạt động thị trường mở được BOJ sử dụng từ lâu, ban đầu thị trường mở được thực hiện rất hạn chế trong những trường hợp ngoại lệ để hỗ trợ cho hoạt động tái cấp vốn của BOJ. Đến tháng 11/1962, BOJ bắt đầu thực hiện mua, bán GTCG một cách linh hoạt hơn nhằm đa dạng hoá các công cụ của CSTT, đồng thời ổn định thị trường tiền tệ. Kể từ đó, thị trường mở dần được sử dụng nhiều hơn và trở thành công cụ được sử dụng thường xuyên và ngày càng quan trọng trong việc thực thi CSTT. Thành viên tham gia thị trường mở là các NHTM và thị trường mở được BOJ tổ chức thông qua nối mạng vi tính
với các thành viên tham gia.
Hàng hoá giao dịch trên thị trường mở là trái phiếu Chính phủ, trái
phiếu của doanh nghiệp Nhà nước và được phát hành dưới dạng chứng chỉ hoặc ghi sổ. Tuy nhiên, cho đến nay, tín phiếu kho bạc vẫn là cơ sở quan trọng cho các hoạt động của thị trường mở Nhật Bản.
Phương thức giao dịch, được áp dụng trong thị trường mở của BOJ ban
đầu là giao dịch mua, bán có kỳ hạn thông qua hợp đồng mua lại theo lãi suất cố định, sau đó phương thức giao dịch được chuyển sang thực hiện trên cơ sở mua, bán GTCG theo giá thị trường thông qua hình thức đấu thầu nhằm nâng cao khả năng điều chỉnh lãi suất trên thị trường. BOJ tổ chức đấu thầu không chỉ thực hiện theo định kỳ mà còn tổ chức đấu thầu nhanh trong đó khối lượng GTCG mà BOJ cần được xác định và thực hiện ngay trong ngày. Điều này góp phần nâng cao tính linh hoạt của thị trường mở.
Việc thanh toán được thực hiện như sau: trong trường hợp mua hẳn, bán hẳn, tiền mua trái phiếu Chính phủ được thanh toán ngay trong ngày T+0 hoặc trong ngày T+1,2,3 đối với trái phiếu của doanh nghiệp Nhà nước. Trong trường hợp mua, bán có kỳ hạn, thời gian thanh toán là T+0,1,2 đối với trái phiếu Chính phủ và T+1,2 đối với trái phiếu của doanh nghiệp Nhà nước.