Các hàng hoá được hoạt động mua - bán trên thị trường mở phải phù hợp với mục tiêu và yêu cầu hoạt động của NHTW trên thị trường đó. Có nghĩa là các hàng hoá đó phải có tính thanh khoản cao, sử dụng phổ biến và giao dịch phải hết sức thuận lợi, dễ dàng. Các loại hàng hóa thông thường giao dịch trên thị trường mở bao gồm:
a) Tín phiếu kho bạc (Treasury Bills)
Tín phiếu kho bạc do Kho bạc Nhà nước (cơ quan ngân khố của Chính phủ) phát hành, có thời hạn dưới 12 tháng, huy động vốn để bù đắp thiếu hụt tạm thời của ngân sách Nhà nước. Thực chất của tín phiếu kho bạc là giấy nhận nợ của Chính phủ đối với người mua tín phiếu kho bạc, với sự cam kết mặc định về việc hoàn trả vốn và lãi cho người sở hữu tín phiếu kho bạc.
Đặc điểm của tín phiếu kho bạc: - Có kỳ hạn dưới 1 năm.
- Có tính thanh khoản cao, dễ dàng chuyển từ giấy tờ có giá ngắn hạn thành tiền mặt.
- Tín phiếu kho bạc có thể được phát hành bằng hình thức chứng chỉ và ghi sổ.
- Tín phiếu kho bạc được phát hành phần lớn qua kênh đấu thầu qua NHTW.
b) Trái phiếu Chính phủ (Government Bonds)
Trái phiếu Chính phủ là một chứng chỉ hoặc bút toán ghi sổ, xác nhận số vốn cho vay của trái chủ (người mua trái phiếu) đối với tổ chức phát hành của Chính phủ (Bộ Tài chính - Kho bạc Nhà nước). Trái phiếu của Chính phủ được hưởng lợi tức hợp pháp, gọi là chứng khoán nợ với lãi suất cố định. Trái phiếu của Chính phủ có đặc điểm:
- Có thời hạn từ 1 năm trở lên. - Có độ rủi ro gần như bằng 0. - Có tính thanh khoản cao.
- Thường được phát hành theo hình thức đấu thầu.
c) Tín phiếu Ngân hàng Trung ương (Central Bank Bills)
Tín phiếu NHTW do NHTW phát hành, là giấy nhận nợ của NHTW đối với người mua tín phiếu. Tín phiếu của NHTW cũng có những đặc điểm tương tự như tín phiếu Kho bạc và là công cụ chủ động hơn cho NHTW để điều hành chính sách tiền tệ thông qua việc mua - bán tín phiếu này.
Tín phiếu NHTW được phát hành với nhiều thời hạn khác nhau, để đáp ứng các yêu cầu điều chỉnh tổng khối lượng tiền cung ứng. Các thời hạn của tín phiếu NHTW gồm có loại 91 ngày, 120 ngày, 182 ngày, 274 ngày và 365 ngày.
d) Chứng chỉ tiền gửi (Certificate of Deposit)
Chứng chỉ tiền gửi do các tổ chức tín dụng phát hành để huy động vốn có thời hạn xác định. Thực chất là giấy nhận nợ của NHTM hay TCTD đối với người mua chứng chỉ tiền gửi. Đây là công cụ quan trọng mà các NHTM và các TCTD huy động vốn trên thị trường. Đặc điểm của chứng chỉ tiền gửi:
- Thời hạn ngắn hạn và trung hạn. - Được thanh toán khi đáo hạn.
- Lãi suất thường cao hơn, hấp dẫn hơn các hình thức huy động vốn khác của NHTM.
- Được cầm cố, thế chấp để vay vốn.
Trên thực tế hàng hoá loại này ít được thực hiện làm hàng hóa thị trường mở.
e) Trái phiếu đô thị (Municipal Bonds)
Trái phiếu đô thị do chính quyền của đô thị lớn phát hành để vay nợ nhằm tập trung nguồn vốn đầu tư các công trình, dự án của các đô thị. Thực chất, trái phiếu đô thị là một dạng trái phiếu của Chính phủ, nhưng giao cho chính quyền địa phương phát hành để phục vụ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.