Bên cạnh những công cụ chủ yếu nêu trên thì NHTW còn sử dụng các công cụ bổ trợ để thực hiện CSTT.
a) Lãi suất
Lãi suất được xem là một công cụ gián tiếp thực hiện CSTT trong điều khiển mức cung ứng tiền cho nền kinh tế, bởi lẽ lãi suất không trực tiếp làm tăng hay giảm khối lượng tiền tệ trong lưu thông. Sự biến động của lãi suất có thể kích thích hoặc kìm hãm sản xuất. Do vậy, lãi suất là một công cụ quan trọng của NHTW trong thực hiện CSTT.
Thông qua chính sách chiết khấu đối với các ngân hàng, NHTW thực hiện quản lý gián tiếp lãi suất cho vay của các ngân hàng đối với nền kinh tế. Khi muốn điều chỉnh lãi suất của các ngân hàng, NHTW điều chỉnh các lãi suất của mình, từ đó tác động đến lãi suất trên thị trường tiền tệ liên ngân
hàng, cuối cùng sẽ tác động đến lãi suất huy động, cho vay của các ngân hàng. Ngoài ra, NHTW có thể quản lý trực tiếp lãi suất của các TCTD đối với nền kinh tế thông qua quy định các mức lãi suất cụ thể về cho vay và huy động. Tuy nhiên, hình thức quản lý trực tiếp lãi suất này chỉ phù hợp tại các nước có hệ thống tài chính tiền tệ chưa phát triển và xu hướng chung là giảm dần sự quản lý trực tiếp này.
b) Hạn mức tín dụng
Hạn mức tín dụng là một trong những công cụ can thiệp trực tiếp của NHTW để khống chế mức tăng khối lượng tín dụng của hệ thống tổ chức tín dụng cung ứng cho nền kinh tế đảm bảo mức tăng trưởng của tổng phương tiện thanh toán theo mục tiêu đề ra. Hạn mức tín dụng là mức dư nợ tối đa mà NHTW buộc các ngân hàng phải tôn trọng khi cấp tín dụng cho nền kinh tế. Mức dư nợ quy định cho từng ngân hàng căn cứ vào đặc điểm kinh doanh của ngân hàng, trong định hướng cơ cấu kinh tế và trong giới hạn tổng dư nợ tín dụng dự tính của toàn bộ nền kinh tế trong một thời gian xác định.
Hạn mức tín dụng được sử dụng để khống chế tổng dư nợ tín dụng, qua đó khống chế tổng lượng tiền cung ứng cho nền kinh tế. Do vậy cơ chế tác động của nó mang tính áp đặt của NHTW đối với hệ thống ngân hàng.
c) Tỷ giá hối đoái
Tỷ giá hối đoái là tương quan giữa sức mua của đồng nội tệ và đồng ngoại tệ, hay có thể nói là giá cả của đồng tiền này đo bằng một đồng tiền khác. Tỷ giá vừa phản ánh sức mua của đồng nội tệ, vừa biểu hiện quan hệ cung cầu ngoại tệ. Đến lượt mình, tỷ giá hối đoái là công cụ, là đòn bẩy điều tiết cung cầu ngoại tệ, có tác động mạnh mẽ đến xuất nhập khẩu và hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước. Chính sách tỷ giá tác động nhạy bén và mạnh mẽ đến sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hoá, tình trạng tài chính tiền tệ, cán cân thanh toán quốc tế, vốn đầu tư và dự trữ của quốc gia.
Về thực chất thì tỷ giá không phải là công cụ CSTT bởi lẽ tỷ giá không làm tăng giảm khối lượng tiền trong lưu thông, mà chỉ góp phần thay đổi cơ cấu khối lượng tiền. Tuy nhiên tại nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia có nền kinh tế đang phát triển, có mức độ đôla hoá cao, thì tỷ giá được xem là một công cụ bổ trợ quan trọng cho điều hành CSTT.