II. Một số kỹ năng giám sát quản lý nhà nước về đất đai ở cấp huyện, cấp xã
4. Thu thập, xử lý thông tin
Thông tin là một trong những yếu tố đóng vai trò quan trọng nhất mang lại hiệu quả cho hoạt động giám sát của đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã. Đại biểu HĐND cần lưu ý hai loại thông tin sau:
- Thông tin chính thức: Là các thông tin mang tính chính thống, có giá trị pháp lý, do các cơ quan chức năng ban hành, cung cấp cho đại biểu HĐND theo luật định hoặc do đại biểu HĐND tự mình thu thập được như: chủ trương, chính
sách, văn bản pháp luật, tờ trình, báo cáo, giám sát, chất vấn, giải trình,…về công tác quản lý đất đai.
- Thông tin tham khảo: Xuất phát từ các cơ quan truyền thông, báo chí, là kết quả nghiên cứu, khảo sát, hội nghị, hội thảo, thông tin từ các chuyên gia, từ internet. Thông tin tham khảo có thể được cung cấp bởi các cơ quan chức năng, bộ phận phục vụ thông tin của HĐND hoặc là các thông tin do chính đại biểu HĐND tích lũy trong hoạt động thực tiễn. Thông tin tham khảo là yếu tố quan trọng, quyết định sự thành công trong hoạt động giám sát quản lý nhà nước về đất đai của đại biểu HĐND.
Để hoạt động giám sát đạt hiệu quả, các đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã cần lưu ý một số vấn đề trong công tác thu thập, phân tích và xử lý thông tin như:
- Trước hết, các đại biểu HĐND cần tự nghiên cứu những kiến thức cơ bản của các văn bản hiện hành liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai như Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015, Luật Đất đai năm 2013, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và các văn bản hướng dẫn thi hành,…
- Đại biểu HĐND có thể sử dụng các nguồn thông tin chính từ các báo cáo thường kỳ của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền bị chất vấn; các báo cáo cung cấp thông tin độc lập của HĐND (báo cáo giám sát của các Đoàn giám sát, báo cáo cung cấp thông tin về kinh tế - xã hội, điều tra dư luận xã hội, báo cáo điểm báo, kinh nghiệm quốc tế,… của HĐND) thông tin từ tiếp xúc cử tri; các thông tin từ Biên bản các phiên chất vấn và các hoạt động giám sát khác trước của HĐND về quản lý đất đai,… đây là những nguồn thông tin cụ thể và hữu ích giúp đại biểu HĐND sử dụng hiệu quả phục vụ công tác giám sát.
- Nguồn thông tin tham khảo phục vụ cho hoạt động giám sát quản lý nhà nước về đất đai được tiếp cận từ nhiều kênh, rất phong phú, đa dạng. Trong bối cảnh hiện nay, việc sử dụng thành thạo và ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập và xử lý thông tin giúp đại biểu cập nhật được tình hình, tiết kiệm
được thời gian, công sức và tăng hiệu quả sử dụng thông tin. Các thông tin tham khảo cần đa chiều và kiểm chứng được, đảm bảo tính độc lập, khách quan, phân tích từ nhiều góc độ, nhiều khía cạnh để đánh giá một cách toàn diện về vấn đề, tránh các góc nhìn phiến diện một chiều.
Hoạt động thu thập và xử lý thông tin cũng được thực hiện thông hình thức chất vấn. Để đặt được các câu hỏi chất vấn phù hợp, các đại biểu HĐND cần phải có kỹ năng khái quát vấn đề: Từ nhiều nguồn thông tin, những vấn đề cụ thể khác nhau, đại biểu HĐND cần khái quát thành câu hỏi chất vấn không chỉ gắn với những vấn đề cụ thể mà còn mang tính chính sách trong quản lý đất đai.
Khi đặt câu hỏi chất vấn cần phải có sự phân biệt với câu hỏi để nắm bắt thông tin. Ngoài ra, câu hỏi chất vấn cần phải đi đúng trọng tâm vấn đề, lĩnh vực mà người chịu chất vấn đảm đương, cần phải có thông điệp và phải đi thẳng vào vấn đề yếu kém, vấn đề xử lý trách nhiệm và giải pháp khắc phục,…