I. Khái quát về hệ thống văn hóa, giáo dục, y tế ở địa phương và trách nhiệm của chính quyền cấp huyện, cấp xã trong quản lý nhà nước về văn
1. Khái quát về hệ thống văn hóa, giáo dục, y tế ở cấp huyện, cấp xã
a. Khái quát về văn hóa
- Khái niệm và vai trò của văn hóa + Khái niệm
Văn hóa là khái niệm mang nội hàm rộng với rất nhiều cách hiểu khác nhau tùy theo cách tiếp cận, tuy nhiên nói đến văn hóa bao gồm tất cả những giá trị vật chất, tinh thần do con người sáng tạo ra trong quá trình lao động, sinh sống thực tiễn trong suốt chiều dài lịch sử.
Theo quan niệm của Hồ Chí Minh: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa”57
.
Có thể hiểu một cách chung nhất, văn hóa là hệ thống các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội, các giá trị đó tạo ra bản sắc riêng của từng cộng đồng, từng dân tộc.
Văn hóa là của con người, do con người sáng tạo, giữ gìn, được cộng đồng truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, văn hóa phục vụ đời sống con người, vì lợi ích của con người và sự tiến bộ của xã hội.
+ Vai trò của văn hóa
Văn hóa bao gồm các giá trị, chuẩn mực để định hướng hành vi con người tới giá trị nhân văn, hướng tới chân, thiện, mĩ. Văn hóa có vị trí, vai trò quan trọng trong sự điều tiết, vận động mọi mặt của xã hội; là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững; kích thích sự sáng tạo và đánh thức những năng lực tiềm ẩn của con người. Văn hóa là cơ sở để xác lập các giá trị xã hội, lối sống xã hội, nền đạo đức xã hội thượng tôn pháp luật, nhân văn, nhân ái, tôn trọng quyền con người, quyền công dân; là cơ sở để tạo nên “sức mạnh mềm” của mỗi quốc gia, mỗi địa phương trong quá trình phát triển, phải “lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo
đảm sự phát triển bền vững”58. Đối với mỗi quốc gia, văn hóa được coi là mục
tiêu, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời góp phần làm ổn định chính trị - xã hội. Văn hóa được xác định vừa là phương tiện, vừa là mục tiêu hoạt động chính trị của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định quan điểm “phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần”, coi trọng văn hóa trong chính trị và trong kinh tế, coi trọng giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại. Văn hóa gắn với con người, do con người sáng tạo ra nên Đại hội XIII của Đảng khi đề cập đến quan điểm về văn hóa luôn nhấn mạnh việc phát huy vai trò con người, xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam.
- Quản lý nhà nước về văn hóa ở cấp huyện, cấp xã
Quản lý nhà nước về văn hoá là quá trình tác động có tổ chức và điều chỉnh bằng quyền lực nhà nước đối với các hoạt động văn hóa của con người, do các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa từ trung ương đến địa phương tiến hành, thông qua các công cụ pháp luật, chính sách, kế hoạch... Để quản lý các hoạt động văn hoá nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng, đảm bảo quyền tự do dân chủ trong hoạt động và sáng tạo văn hoá của nhân dân.