II. Một số kỹ năng giám sát quản lý nhà nước về văn hóa, giáo dục, y tế ở cấp huyện, cấp xã
1. Giám sát quản lý nhà nước về văn hóa ở cấp huyện, cấp xã
Nội dung giám sát hoạt động quản lý nhà nước về văn hóa ở cấp huyện, xã nên tập trung vào những vấn đề sau:
a. Giám sát việc chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa trên địa bàn
Hệ thống các thiết chế văn hóa ở cấp huyện, cấp xã như trung tâm văn hóa - thể thao, nhà văn hóa, khu thể thao, sân chơi thể thao, thư viện, nhà truyền thống, sân vận động,… đã được các cấp, các ngành quan tâm, xây dựng để triển khai tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng, nơi tổ chức các hội thi, hội diễn, giải thể thao, là nơi để tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, tổ chức sinh hoạt văn hóa cộng đồng góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân; bảo tồn, quảng bá, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa địa phương. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa trên địa bàn cần phải tăng cường hoạt động giám sát.
Giám sát hoạt động chỉ đạo, triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách liên quan tới xây dựng, quản lý, sử dụng và tổ chức các hoạt động hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao: cơ chế quản lý, chính sách về sử dụng đất, tạo quỹ đất xây dựng thiết chế văn hóa, chính sách về tài chính, chế độ đãi ngộ…
Giám sát việc chỉ đạo tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức của nhân dân về vị trí, vai trò và trách nhiệm xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; công tác quy hoạch hệ thống thiết
chế văn hóa, thể thao; công tác thanh tra, kiểm tra về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao.
Giám sát kết quả đầu tư và tổ chức hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở như: xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị; thực trạng cơ sở vật chất hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao các cấp (huyện, xã, thôn) trên địa bàn về số lượng, chủng loại, quy mô, tiêu chí, tỷ lệ đạt so với quy định; việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị.
Giám sát về tổ chức bộ máy vận hành các thiết chế văn hóa: công tác tuyển dụng, sắp xếp, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên; tổ chức và hoạt động của đội ngũ cộng tác viên.
Giám sát tổ chức các hoạt động gắn với các thiết chế văn hóa: Từ hoạt động xây dựng quy chế và kế hoạch hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; tổ chức hoạt động tuyên truyền, phổ biến về chính sách, pháp luật; tổ chức các hoạt động phong trào văn hóa, thể thao quần chúng; vui chơi giải trí; tổ chức phối hợp, liên kết các hoạt động với tổ chức, cá nhân, trong hoạt động văn hóa, thể thao. Xem xét tần suất các hoạt động hàng năm; kết quả thu hút sự tham gia của nhân dân với các hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao.
Giám sát quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị; kinh phí tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao; thực hiện các chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên và các nguồn kinh phí từ xã hội hóa trong xây dựng và hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cấp huyện, cấp xã.
Thông qua giám sát nhằm đánh giá những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế trong công tác tổ chức, quản lý và hiệu quả sử dụng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn để đề xuất các biện pháp nâng cao hiệu quả đầu tư và sử dụng hợp lý, đúng mục đích các thiết chế văn hóa đó; các biện pháp tăng cường vận động xã hội hóa, huy động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa
bàn và nhân dân tự nguyện đóng góp kinh phí, tham gia quản lý, xây dựng và khai thác có hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao ở địa phương.
b. Giám sát việc chỉ đạo thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"
Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, có ý nghĩa bao hàm nhiều lĩnh vực trong đời sống văn hóa - xã hội. Do đó HĐND cấp huyện, cấp xã cần giám sát việc ban hành các văn bản, xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.
Giám sát việc chỉ đạo thực hiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa của phong trào và huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện phong trào; gắn với cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; gắn với xây dựng và phát huy hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, bảo đảm tính thiết thực và bền vững, gắn thực hiện phong trào với các mục tiêu phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội của địa phương.
Giám sát việc triển khai thực hiện các quy trình đăng ký, bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa, đảm bảo dân chủ, khách quan, đúng quy định của pháp luật nhằm nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa đạt được ở từng gia đình, thôn, khu phố, cộng đồng dân cư, xã, phường, cơ quan, doanh nghiệp; ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.
c. Giám sát thực hiện quản lý nhà nước đối với di sản văn hóa trên địa bàn Giám sát việc xây dựng và thực hiện các văn bản pháp luật về quản lý di tích lịch sử văn hóa, triển khai thực hiện các biện pháp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống của dân tộc nói chung, giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số nói riêng trên địa bàn. Giám sát việc chỉ đạo thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.
Giám sát việc quản lý, trùng tu, tôn tạo, chống xuống cấp các di tích lịch sử văn hóa, quản lý, bảo vệ di tích, xây dựng cảnh quan môi trường xung quanh di
tích, bố trí người có trách nhiệm trông coi di tích, đảm bảo không để xảy ra tình trạng mất cắp di vật, cổ vật tại các di tích. Giám sát việc tổ chức, khai thác phát huy các giá trị của di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn.
Giám sát việc kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Ban quản lý di tích trên địa bàn; kinh phí trùng tu, tôn tạo di tích trên địa bàn bằng nguồn kinh phí Nhà nước, nguồn xã hội hóa; quy trình tu bổ công trình di tích; công tác bảo vệ di tích, đặc biệt là các di tích cấp gia được thực hiện như thế nào; việc quản lý nguồn công đức thu được như thế nào…
Giám sát kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại các điểm di tích, việc phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật các hành vi vi phạm, đưa hoạt động kinh doanh dịch vụ tại các điểm di tích vào kỷ cương nề nếp.
Giám sát việc xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích; giám sát công tác bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn cho đội ngũ quản lý, bảo vệ và tổ chức hoạt động trực tiếp tại các di tích.
Giám sát việc thực hiện các chính sách về chế độ đãi ngộ đối với những người trực tiếp làm công tác quản lý và bảo vệ di tích, những người có công truyền dạy và phổ biến di sản văn hóa phi vật thể; giám sát việc tuyển chọn, xây dựng, đào tạo đội ngũ thuyết minh viên tại các di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng, các địa điểm di tích đang được khai thác phục vụ du lịch.
d. Giám sát việc thực hiện quản lý nhà nước về các hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng trên địa bàn
Giám sát việc chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng bao gồm: Lưu hành, kinh doanh băng, đĩa ca nhạc, sân khấu; biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; triển lãm văn hóa, nghệ thuật; tổ chức lễ hội; viết, đặt biển hiệu; hoạt động vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử, các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa và các hình thức vui chơi giải trí khác;
Giám sát việc cấp phép kinh doanh, cho phép đủ điều kiện hoạt động, việc tuân thủ quy định pháp luật đối với các cơ sở, nơi tổ chức hoạt động văn hóa và
kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng bao gồm nhà hát, nhà văn hóa, nhà triển lãm, trung tâm văn hóa, câu lạc bộ, cơ sở lưu trú du lịch, nhà khách, nhà nghỉ, nhà hàng ăn uống, giải khát, cửa hàng, cửa hiệu, sân vận động, nhà thi đấu thể thao, quảng trường, phương tiện vận tải hành khách công cộng và các phương tiện, địa điểm khác phù hợp.
Giám sát việc kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cháy nổ tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng như karaoke, vũ trường, cơ sở lưu trú du lịch, nhà khách, nhà nghỉ…