I. Khái quát về an sinh xã hội và trách nhiệm của chính quyền cấp huyện, cấp xã trong quản lý nhà nước về an sinh xã hộ
1. Khái niệm, cấu trúc, đối tượng, vai trò an sinh xã hộ
a. Khái niệm an sinh xã hội
An sinh xã hội cũng được hiểu theo các nghĩa thông thường hay rộng, hẹp khác nhau.
- Theo nghĩa thông thường,an sinh xã hội được hiểu là việc đảm bảo đời
sống cho các tầng lớp dân cư trong xã hội đạt được những tiêu chuẩn nhất định để đảm bảo ổn định kinh tế - xã hội.
- Theo nghĩa rộng,an sinh xã hội bao gồm toàn bộ các hoạt động đảm bảo
đời sống nhân dân. Đó là sự đảm bảo thực hiện các quyền của con người được sống trong hòa bình, được tự do làm ăn, cư trú, di chuyển, phát biểu chính kiến trong khuôn khổ luật pháp; được bảo vệ và bình đẳng trước pháp luật; được học tập, được có việc làm, có nhà ở; được đảm bảo thu nhập để thoả mãn những nhu cầu sinh sống thiết yếu khi bị rủi ro, tai nạn, tuổi già.
- Theo nghĩa hẹp, an sinh xã hội được hiểu là sự bảo đảm thu nhập và một
số điều kiện sinh sống thiết yếu khác cho người lao động và gia đình họ khi bị giảm hoặc mất thu nhập do bị giảm hoặc mất khả năng lao động hoặc mất việc làm; cho những người già cả, cô đơn, trẻ em mồ côi, người tàn tật, những người nghèo đói và những người bị thiên tai, địch hoạ.
Như vậy, do sự đa dạng về nội dung, phương thức và góc độ tiếp cận, nên các nhà nghiên cứu lý luận, cũng như những nhà chỉ đạo thực tiễn hiện có nhiều cách hiểu về an sinh xã hội, song nhìn chung an sinh xã hội thường được đề cập đến với các góc độ sau:
- Là sự bảo vệ của xã hội đối với các thành viên của mình, là lưới an toàn cho mọi thành viên trong xã hội.
Đó là, sự bảo đảm an toàn thu nhập ở mức tối thiểu cho những đối tượng gặp rủi ro liên quan đến nhu cầu cơ bản nhất của con người bao gồm các rủi ro về sức khỏe, thiếu hoặc mất việc làm, tuổi già, trẻ em, tàn tật, dẫn đến không có thu nhập tạm thời hoặc vĩnh viễn so với mức tối thiểu đủ sống.
- Đối tượng và phạm vi của sự bảo vệ này hướng tới là bao phủ toàn dân và toàn diện.
Hệ thống an sinh xã hội hướng đến mọi thành viên trong xã hội, đặc biệt là nhóm đối tượng yếu thế, đảm bảo an toàn thu nhập ở mức tối thiểu cho nhóm đối tượng này.
- Phương thức hoạt động của sự bảo vệ này được thực hiện thông qua các biện pháp công cộng.
Đó là, các chính sách do nhà nước tổ chức thực hiện là chính, ngoài ra còn có sự tham gia của các tổ chức xã hội, cộng đồng và thị trường trong việc tổ chức thực hiện và cung cấp dịch vụ an sinh xã hội.
- Mục đích của sự bảo vệ này nhằm giúp đỡ các thành viên của xã hội trước những biến cố, những rủi ro xã hội dẫn đến bị giảm hoặc mất thu nhập.
b. Đối tượng của an sinh xã hội
An sinh xã hội là một hệ thống nhiều chính sách khác nhau nhằm hướng tới các nhóm đối tượng cụ thể khác nhau. Tuy nhiên, xét từ nguồn gốc sự ra đời của an sinh xã hội, từ bản chất của an sinh xã hội cho thấy, về cơ bản, an sinh xã hội hướng tới những cá nhân, nhóm người, cộng đồng dân cư sau:
- Nhóm dễ bị tổn thương: người nghèo và cận nghèo, người cao tuổi không nơi nương tựa, trẻ em mồ côi không có nguồn nuôi dưỡng, người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS thuộc diện hộ nghèo;
- Nhóm người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng;
- Nhóm người gặp hoàn cảnh khó khăn do tác động của thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, môi trường và những sự kiện bất khả kháng khác.