Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030.

Một phần của tài liệu 4. TL Ban Kinh te - xa hoi HDND xa nhiem ky 2021-2026 (Trang 129 - 134)

I. Khái quát về hệ thống văn hóa, giáo dục, y tế ở địa phương và trách nhiệm của chính quyền cấp huyện, cấp xã trong quản lý nhà nước về văn

58 Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2021-2030.

Quản lý nhà nước về văn hóa đóng vai trò rất quan trọng trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp 4.0. Hoạt động quản lý nhà nước về văn hóa sẽ góp phần định hướng, điều chỉnh sự phát triển của văn hóa quốc gia, giúp hiện thực hóa các chủ trương, đường lối văn hóa của Đảng cầm quyền, từ đó tác động đến mục tiêu, bản chất của văn hóa dân tộc. Hoạt động quản lý nhà nước đối với từng lĩnh vực văn hóa, trong từng nhóm cộng đồng cụ thể sẽ giúp giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của từng cộng đồng, đồng thời kiểm soát sự tùy tiện, sai lệch trong thực thi các cơ chế, chính sách của Nhà nước về văn hóa, đảm bảo văn hóa phát triển đúng mục tiêu, góp phần xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh trong mỗi cộng đồng dân cư.

Hoạt động văn hóa rất đa dạng, phong phú. Ở cấp huyện, cấp xã tập trung chủ yếu vào các hoạt động như: Xây dựng lối sống văn hoá, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; hoạt động lễ hội, thực hiện phong trào văn hoá, văn nghệ; xây dựng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”; xây dựng gia đình văn hoá, làng văn hoá, khu phố văn hoá, đơn vị văn hoá; bảo vệ các di tích lịch sử - văn hoá và danh lam thắng cảnh; hoạt động của các thiết chế văn hoá thuộc thẩm quyền quản lý (Thư viện, Trung tâm Văn hóa- Thể thao..., các cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hoá). Do đó, muốn giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trên địa bàn cấp huyện, cấp xã cần phải tăng cường quản lý nhà nước về văn hóa, chính quyền cấp huyện, cấp xã phải luôn chú trọng xây dựng và thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của văn hóa đối với phát triển, quan tâm xây dựng các thiết chế văn hoá, tổ chức thực thi các chính sách nhằm bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc và của từng cộng đồng. Các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa ở cấp huyện, cấp xã đóng vai trò chủ đạo trong quản lý và phát triển các hoạt động văn hoá trên địa bàn, tăng cường trách nhiệm của UBND cấp huyện, cấp xã trong việc thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về văn hóa.

b. Khái quát về hệ thống giáo dục - Khái niệm và vai trò của giáo dục

+ Khái niệm:

Giáo dục là hoạt động nhằm tác động một cách có mục đích, có kế hoạch đến sự phát triển tinh thần, thể chất của đối tượng được giáo dục, làm cho đối tượng ấy phát triển những phẩm chất và năng lực cần thiết của mình để tham gia vào cuộc sống lao động xã hội.

Theo nghĩa chung nhất, giáo dục là quá trình trang bị và nâng cao kiến thức, hiểu biết về thế giới quan, khoa học, kỹ thuật, kỹ năng, kỹ xảo cũng như hình thành và phát triển phẩm chất, nhân cách con người để con người tham gia hoạt động lao động sản xuất và đời sống xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

+ Vai trò của giáo dục:

Giáo dục, đào tạo nhằm phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất của con người, tạo cơ sở nền tảng cho con người tham gia vào cuộc sống xã hội và lao động thực tiễn; là điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững, đặc biệt giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp là yếu tố trực tiếp góp phần tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế.

Phát triển giáo dục, đào tạo sẽ nâng cao mặt bằng dân trí tạo ra đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, có đạo đức, có ý thức và trách nhiệm công dân; có tri thức và kỹ năng lao động, mà tri thức liên quan mật thiết đến tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội, nó phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nó quyết định sự tăng trưởng kinh tế, sự tiến bộ khoa học công nghệ, phát triển bền vững.

Trong quá trình hội nhập vào nền kinh tế thế giới hiện nay, giáo dục đào tạo ngày càng có vai trò to lớn, nó thúc đẩy sự hình thành và phát triển nền kinh tế tri thức, là phương thức đặc biệt để giữ gìn, sáng tạo và phát triển văn hoá, giáo dục đóng góp vào tăng trưởng kinh tế thông qua ứng dụng và thúc đẩy tiến bộ công nghệ; giáo dục và đào tạo được coi là chìa khoá của sự phát triển, là trụ cột của mỗi quốc gia để tạo dựng, giữ gìn và phát triển hệ giá trị xã hội.

- Hệ thống giáo dục Việt Nam: hệ thống giáo dục quốc dân ở Việt Nam hiện nay được thiết kế theo hướng mở, liên thông gồm giáo dục chính quy và giáo dục

thường xuyên. Các cấp học và trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân được phân định như sau:

+ Giáo dục mầm non là bậc học đầu tiên của hệ thống giáo dục, bao gồm giáo dục nhà trẻ và giáo dục mẫu giáo. Giáo dục nhà trẻ được thực hiện đối với trẻ từ 3 tháng tuổi đến 3 tuổi, giáo dục mẫu giáo được thực hiện đối với trẻ em từ 3 tuổi đến 6 tuổi.

+ Giáo dục phổ thông gồm giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và giáo dục trung học phổ thông:

+ Giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho người lao động, đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, được thực hiện theo hai hình thức là đào tạo chính quy và đào tạo thường xuyên

+ Giáo dục đại học đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ, trình độ tiến sĩ. Ngoài hệ thống giáo dục chính quy còn có giáo dục thường xuyên nhằm giúp mọi người vừa làm vừa học, học liên tục, học suốt đời nhằm hoàn thiện nhân cách, mở rộng hiểu biết, nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ để cải thiện chất lượng cuộc sống, tìm việc làm, tự tạo việc làm và thích nghi với đời sống xã hội.

- Quản lý nhà nước về giáo dục ở cấp huyện, cấp xã

Quản lý nhà nước về giáo dục ở cấp huyện, cấp xã là sự tác động có tổ chức và điều chỉnh bằng quyền lực nhà nước của các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục ở cấp huyện, cấp xã trên cơ sở pháp luật đối với các hoạt động giáo dục trên địa bàn nhằm phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo; duy trì trật tự, kỉ cương, thoả mãn nhu cầu giáo dục của nhân dân và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Đối với cấp huyện, cấp xã hoạt động quản lý nhà nước về giáo dục chủ yếu tập trung vào các nội dung sau: triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục đối với các cơ sở giáo dục theo phân cấp quản lý; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giáo dục của cơ sở giáo dục trên địa bàn; bảo đảm các điều kiện về đội ngũ nhà giáo, tài chính, cơ sở vật chất, thư viện và thiết bị dạy học của

trường công lập thuộc phạm vi quản lý; phát triển các loại hình nhà trường, chỉ đạo thực hiện xã hội hóa giáo dục; bảo đảm đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục tại địa phương; chỉ đạo thực hiện chủ trương, chính sách của Nhà nước và chính sách của địa phương về bảo đảm quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình về thực hiện nhiệm vụ và chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý.

c. Khái quát về hệ thống y tế - Khái niệm và vai trò của y tế + Khái niệm

Sức khỏe là nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững, muốn có sức khỏe tốt cần có hệ thống y tế phát triển, hiện đại. Y tế giữ vai trò quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng, điều trị bệnh, bảo đảm cuộc sống sức khỏe cho con người để học tập và lao động.

Y tế là hệ thống tổ chức các hoạt động để giải quyết các vấn đề về sức khỏe, bệnh tật cho con người hay nhằm chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho con người.

Hoạt động của ngành y tế với nhiệm vụ trọng tâm là chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho con người, do đó có vai trò quan trọng đối với việc xây dựng nguồn lực con người - yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

+ Vai trò:

Y tế là công cụ để ngăn ngừa các dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe, điều trị để tái phục hồi sức khỏe cá nhân, duy trì sự bền vững của cộng đồng. Lịch sử phát triển của nhân loại cho thấy những dịch bệnh sẽ không thể bị kiểm soát, đẩy lùi nếu thiếu vắng hệ thống y tế.

Đảng và Nhà nước ta đã nhấn mạnh sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người và của xã hội, do đó chính sách y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân có vị trí hàng đầu trong hệ thống các chính sách kinh tế - xã hội của quốc gia.

- Hệ thống y tế Việt Nam:hệ thống y tế của Việt Nam được tổ chức theo các tuyến từ trung ương đến địa phương, bao gồm:

+ Tuyến y tế trung ương: Là tuyến y tế cao nhất trong hệ thống tổ chức ngành y tế Việt Nam, tuyến này gồm có các cơ sở y tế như bệnh viện đa khoa, các bệnh viện chuyên khoa, các viện nghiên cứu, các cơ sở điều dưỡng, các tổng công ty dược, thiết bị y tế trực thuộc Bộ Y tế.

+ Tuyến y tế địa phương:

Tuyến y tế cấp tỉnh: Gồm có các bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên, các cơ sở điều dưỡng, trung tâm kiểm soát bệnh tật,… có chức năng cung cấp dịch vụ chuyên môn, kỹ thuật về y tế dự phòng; khám bệnh, chữa bệnh; phục hồi chức năng và các dịch vụ y tế khác theo quy định của pháp luật.

Tuyến y tế cấp huyện: Gồm bệnh viện, phòng khám, trung tâm y tế huyện cung cấp các dịch vụ chuyên môn, kỹ thuật để chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn.

Tuyến y tế cấp xã: Gồm có các trạm y tế xã, phường; các cơ sở y tế thuộc cơ quan, xí nghiệp, nhà máy, trường học đóng trên địa bàn xã, phường.

Ngoài các cơ sở y tế của Nhà nước, còn có các cơ sở y tế do tư nhân thành lập nhằm phục vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho nhân dân.

- Quản lý nhà nước về y tế ở cấp huyện, cấp xã do các cơ quan quản lý nhà nước về y tế ở cấp huyện, cấp xã thực hiện, chủ yếu là do UBND cấp huyện, UBND cấp xã chịu trách nhiệm với sự tham mưu quản lý nhà nước về y tế của các cơ quan chuyên môn như Phòng Y tế, trạm y tế. Các cơ quan này có chức năng tham mưu, giúp UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện quản lý nhà nước về y tế, bao gồm các lĩnh vực hoạt động: Y tế dự phòng; khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng; y dược cổ truyền; sức khỏe sinh sản; trang thiết bị y tế; dược; mỹ phẩm; an toàn thực phẩm; bảo hiểm y tế; dân số - kế hoạch hóa gia đình, cung ứng thuốc thiết yếu; quản lý sức khỏe cộng đồng; truyền thông giáo dục sức khỏe trên địa bàn theo hướng dẫn của cơ quan quản lý cấp trên và quy định của pháp luật.

Một phần của tài liệu 4. TL Ban Kinh te - xa hoi HDND xa nhiem ky 2021-2026 (Trang 129 - 134)