5. Bố cục của luận văn
4.2.5. Hoàn thiện công tác đánh giá công chức viên chức
Đánh giá CCVC là khâu rất quan trọng để nâng cao chất lượng CCVC, đây là công việc xem xét thực trạng trình độ dựa trên việc so sánh với tiêu chuẩn chức danh, từ đó đánh giá mức độ đạt tiêu chuẩn hiện nay và thống kê lượng CCVC không đạt tiêu chuẩn để xây dựng và thực hiện các biện pháp tác động. Đổi mới công tác đánh giá CCVC theo hướng kết hợp chặt chẽ việc mở rộng dân chủ nội bộ và trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu, người trực tiếp phân công, giao nhiệm vụ cho CCVC; đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan, toàn diện, công tâm; lấy chất lượng, hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ làm thước đo chính. Khắc phục tình trạng đánh giá CCVC một cách chung chung, cảm tỉnh, chủ quan, hoặc nể nang, né tránh. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của CCVC và các thành viên để đánh giá CCVC một cách chính xác, chất lượng, thiết thực.
Xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá CCVC theo tiêu chuẩn chức danh đảm bảo chi tiết, cụ thể gắn với từng vị trí công việc và kết quả thực thi công vụ, nhiệm vụ của CCVC và đối với từng chức danh lãnh đạo, quản lý (số lượng công việc mà CCVC thực hiện; số lượng công việc hoàn thành; số lượng công việc hoàn thành có chất lượng, đúng tiến độ; khả năng nắm vững kiến thức, năng động, sáng tạo, tiết kiệm...; tinh thần thái độ phục vụ xã hội, mối quan hệ với đồng nghiệp trong cơ quan, tổ chức, đơn vị). Để công tác này đạt hiệu quả cao, lãnh đạo Sở cần thực hiện các yêu cầu sau:
Thứ nhất, công tác đánh giá CCVC phải được thực hiện một cách nghiêm túc theo định kỳ hàng năm, tránh tình trạng làm lấy lệ, làm cho đủ thủ tục. Đánh giá CCVC dựa trên những cơ sở, điều kiện và tiêu chuẩn đánh giá rõ ràng, phù hợp với từng chức danh, yêu cầu công việc và các nội dung này phải được công khai với toàn thể CCVC để họ nắm được và thực hiện tốt.
Thứ hai, để công tác đánh giá có hiệu quả thì việc rà soát luôn phải gắn với tiêu chuẩn chức danh vì có gắn với tiêu chuẩn chức danh mới có một cơ sở đúng đắn để đánh giá CCVC. Đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ cả về số lượng, chất
lượng và thời gian. Những sai sót, khuyết điểm cần được quan tâm từ đó có những giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng CCVC. Đánh giá mức độ uy tín của từng cá nhân CCVC đối với tập thể đơn vị. Đây là nội dung đánh giá phản ánh tổng hợp kết quả phấn đấu của mỗi CCVC. Mức độ uy tín hay không uy tín được tập thể khẳng định nhìn nhận.
Đánh giá xem CCVC đó có phù hợp với vị trí công tác, yêu cầu nghề nghiệp hay không. Ở đây phải xem xét xem kết quả đạt được trong quá trình CCVC thực hiện nhiệm vụ của mình, đánh giá sự phấn đấu về chuyên môn qua thái độ học hỏi và các bằng cấp có được. Những ưu điểm thiếu sót cần được làm rõ trong quá trình đánh giá này, đánh giá tinh thần hòa nhập, trách nhiệm với tập thể xem ở vị trí công tác đó người CCVC có phù hợp không, từ đó có những phương hướng cụ thể phù hợp với yêu cầu nghề nghiệp. Việc đánh giá nên được thực hiện thông qua các cuộc họp, việc đánh giá phải công khai, thủ trưởng đơn vị có vai trò quan trọng trong việc đánh giá lại chất lượng CCVC.
Thứ ba, cần có các mức độ đánh giá đi liền với các hình thức xử lý, khen thưởng phù hợp đủ để mang tính khích lệ và răn đe. Trong các mức độ để đánh giá này thì trình độ và chất lượng thực thi công vụ là hai tiêu chí quan trọng nhất đối với đội ngũ CCVC Sở giao thông Vận tải tỉnh Bắc Kạn.
Mở rộng đối tượng và phạm vi trong việc lấy ý kiến đánh giá, nhận xét về đội ngũ CCVC nhất là người đứng đầu các phòng, ban, đơn vị. Lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị phải thực hiện phân công, phân nhiệm rõ ràng, cụ thể cho từng CCVC, đồng thời đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và xác định việc đánh giá CCVC thuộc về trách nhiệm của lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng CCVC. Mỗi CCVC xây dựng kế hoạch công tác cá nhân trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình và kế hoạch công tác hằng năm của đơn vị.