VUI LÒNG CHẤP NHẬN CHO NGƯỜI KHÁC ĐƯỢC ĐỘC LẬP

Một phần của tài liệu Tiến trình thành nhân doc (Trang 127 - 128)

THÂN CHỦ TRỌNG TÂM TRỊ LIỆU VỚI ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH

VUI LÒNG CHẤP NHẬN CHO NGƯỜI KHÁC ĐƯỢC ĐỘC LẬP

Còn một khuynh hướng chót mà chúng tôi nhận thấy và tôi muốn mô tả. Điều đáng lưu ý là thân chủ chúng tôi ngã về hướng cho phép mỗi người trong gia đình được có những tình cảm riêng của mình và được là một người riêng biệt. Điều này có vẻ là một lời khẳng định kỳ lạ, nhưng chính lại là một bước căn bản. Có lẽ nhiều người trong chúng ta không lưu ý tới áp lực khủng khiếp mà chúng ta thường áp đặt lên vợ, chồng, con chúng ta, bắt họ cũng phải có những tình cảm như chúng ta. Dường như chúng ta muốn nói: “Nếu như con muốn ba thương con, con phải có những tình cảm như ba. Nếu ba cảm thấy cách ăn ở của con là xấu, thì con cũng phải cảm thấy là xấu. Nếu ba thấy một mục tiêu nào đó đáng mong ước, thì con cũng phải cảm thấy thế”. Nhưng khuynh hướng mà chúng tôi thấy nơi thân chủ thì ngược hẳn. Có sự vui lòng để người khác có những tình cảm khác biệt, những giá trị khác biệt, những mục tiêu khác biệt. Nói tóm lại là có sự ưng thuận để người ta được là một người riêng biệt.

Tôi tin rằng cái khuynh hướng này phát triển khi người ấy khám phá ra rằng mình có thể tín nhiệm chính tình cảm và phản ứng của mình – rằng những thôi thúc sâu xa của mình thì không phá hoại, hay gây thảm họa, và rằng chính anh ta không cần phải được canh chừng, nhưng có thể sống trên căn bản thực. Trong khi anh học được rằng anh có thể tự tin nơi mình, với sự độc đáo của riêng mình, anh ta trở nên sẵn sàng hơn để tín nhiệm người vợ, hay đứa con, và chấp nhận những tình cảm, những giá trị độc đáo nơi người khác ấy.

Điều mà tôi muốn nói nằm trong những lá thư của một bà và chồng bà. Những người này là bạn của tôi và họ đọc một cuốn sách tôi viết, vì họ chú ý tới công việc tôi đang làm. Nhưng ảnh hưởng của cuốn sách ấy tương tự như sự trị liệu. Bà vợ viết cho tôi, và kèm theo một đoạn trong thư nói về phản ứng của bà: “Sợ rằng anh nghĩ là chúng tôi chỉ thích những chuyện tầm phào, chúng tôi đã đọc cuốn Thân Chủ Trọng Tâm Trị Liệu. Tôi đọc gần xong rồi. Phần lớn những điều anh thường nói về các sách không còn đúng, ít nhất là với tôi. Thực vậy nó gần giống như là một kinh nghiệm trị liệu. Nó bắt tôi phải suy nghĩ về vài liên hệ không thỏa đáng trong gia đình chúng tôi, nhất là thái độ của tôi với Phillip (đứa con trai 14 tuổi của bà). Tôi nhận thấy là từ lâu tôi không biểu lộ lòng yêu thương thật đối với nó, bởi vì tôi ghét cái vẻ thờ ơ ra mặt của nó, không chịu nỗ lực vươn lên theo bất kỳ một tiêu chuẩn nào mà tôi nghĩ là quan trọng. Từ khi tôi ngừng lấy gần hết trách nhiệm về những mục tiêu của nó, và đối xử với nó như một con người, như tôi luôn luôn đối xử với Nancy chẳng hạn, thật lạ lùng nhìn thấy những thay đổi xuất hiện trong những thái độ của nó. Không long trởi lở đất – nhưng là một khởi đầu nức lòng. Chúng tôi không còn thẩm vấn nó về việc học ở trường nữa, và một hôm nó khoe là nó được điểm ưu cho bài thi toán. Lần đầu tiên trong ba năm nay.”

Ít tháng sau tôi nghe chồng bà kể “Anh không nhận ra thằng Phil đâu. Mặc dầu nó không nhiều lời, nó không còn là một tên lầm lì khó hiểu. Lúc này nó học hành khá hơn trước, mặc dầu chúng tôi không mong nó tốt nghiệp ưu hạng. Anh là người có công lớn trong sự cải thiện của nó vì nó bắt đầu triển nở từ khi tôi bắt đầu tin tưởng nơi nó, cho nó được là chính nó, và thôi không nắn khuôn nó trở thành tượng hình vinh quang của cha nó khi ở tuổi ấy. Ôi, phải chi mình có thể xóa bỏ những lỗi lầm trong quá khứ”.

Cái quan niệm tín nhiệm cho cá nhân được là chính họ, đối với tôi thật đầy ý nghĩa. Đôi khi tôi mường tượng nếu một đứa trẻ được đối xử theo cung cách ấy ngay từ đầu thì kết quả sẽ như thế nào? Giả thử đứa trẻ được phép có những tình cảm cá biệt của nó – giả thử nó không bao giờ phải phủ nhận những tình cảm của mình để được yêu thường. Giả thử cha mẹ nó được tự do có và diễn tả những tình cảm cá biệt của chính họ, thường là khác với tình cảm của nó và thường cũng khác giữa hai người. Tôi thích nghĩ tới tất cả những ý nghĩa mà một kinh nghiệm như vậy sẽ có. Sẽ có nghĩa là đứa trẻ sẽ lớn lên tự kính trọng như một người độc nhất. Sẽ có nghĩa là ngay cả khi hành vi của nó cần được ngăn cản, nó vẫn giữ lại được “sự sở hữu” công khai của những tình cảm của nó. Sẽ có nghĩa là hành vi của nó sẽ là một sự thăng bằng thực tế, dung hòa được tình cảm của chính nó và những tình cảm của người khác. Tôi tin là nó sẽ là một cá nhân có trách nhiệm và tự chủ, chẳng khi nào cần tự dối lòng về những tình cảm của mình. Nó sẽ tương đối thoát khỏi những sự thích nghi lệch lạc đã từng làm què quặt nhiều người trong chúng ta.

Một phần của tài liệu Tiến trình thành nhân doc (Trang 127 - 128)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(152 trang)
w