HAI CUỘC NGHIÊN CỨU GẦN ĐÂY

Một phần của tài liệu Tiến trình thành nhân doc (Trang 33 - 35)

NHỮNG ĐẶC TÍNH CỦA LIÊN HỆ TRỊ LIỆU

HAI CUỘC NGHIÊN CỨU GẦN ĐÂY

Tôi xin phép được kết thúc sự thăm dò rộng lớn những công trình nghiên cứu mà có thể làm bạn phân vân, bằng cách kể lại hai cuộc tìm tòi rất gần đây. Thứ nhất là cuộc thí nghiệm do Ends và Page (6) thực hiện. Làm việc với những người ghiền rượu kinh niên đã được tòa án gởi vào một bệnh viện công sáu mươi ngày, các ông dùng ba phương pháp tâm lý trị liệu nhóm. Phương pháp mà họ tin là hữu hiệu nhất là phép trị liệu dựa trên lý thuyết học với hai yếu tố (two-factor theory of learning); phương pháp thân chủ trọng tâm đứng thứ nhì; phương hướng có chiều hướng phân tâm có ít hữu hiệu nhất. Nhưng kết quả cho thấy rằng cách trị liệu dựa trên lý thuyết học không những là không giúp ích mà còn có hại phần nào. Kết quả còn tệ hại hơn cả kết quả của nhóm kiểm soát không được trị liệu. Phân tâm trị liệu đem lại vài kết quả, và thân chủ – trọng tâm – trị liệu đem lại luợng lớn nhất về thay đổi tích cực. Những kết quả được theo dõi sau đó, kéo dài hơn một năm rưỡi, đã xác định kết quả tại bệnh viện, với sự cải thiện lâu dài nhất là phương pháp thân chủ trọng tâm, kế tiếp là phương pháp phân tâm, kế nữa là nhóm kiểm soát, và cuối cùng là những người được trị liệu bằng cách lý thuyết học hỏi.

Vì thấy có điều khó hiểu về cuộc nghiên cứu này, có gì bất thường là phường pháp mà các tác giả đề cao lại tỏ ra ít hữu hiệu nhất, tôi đã suy nghĩ và tìm ra manh mối, theo chỗ tôi tin tưởng, trong sự mô tả phép trị liệu dựa trên lý thuyết học. Thiết yếu gồm có (a) nhận ra và đặt tên cho những cách cư xử đã tỏ ra không thỏa mãn (b) thám hiểm một cách khách quan cùng với thân chủ những lý do đằng sau những cách cư xử này, và (c) thiết lập qua sự giáo dục lại, những thói quen giải quyết vấn đề một cách hữu hiệu hơn. Nhưng trong tất cả sự tác động hỗ tương này thì mục đích theo như họ phát biểu, là phải vô cá tính (impersonal). Nhà trị liệu “cho phép cá tính của mình hiện ra càng ít càng nào tốt chừng nấy”, “ Nhà trị liệu nhấn mạnh tích cách vô danh của mình trong hoạt động, nghĩa là ông phải cẩn thận tránh ảnh hưởng bệnh nhân với những đặc tính của nhân cách riêng của mình. Đối với tôi điều này xem như manh mối khả dĩ gây thất bại cho phương pháp này, khi tôi cố gắng suy diễn sự kiện dưới ánh sáng những cuộc khảo cứu khác. Từ chối không hiện ra như một con người và đối xử với một người khác như một đồ vật, thì đừng hòng hữu ích cho ai.

Cuộc khảo sát sau cùng mà tôi muốn nhắc đến là cuộc khảo sát vừa được Halkides (7) hoàn tất gần đây. Bà bắt đầu bằng một quan điểm lý thuyết của tôi, liên quan đến những điều kiện cần và đủ cho sự thay đổi trị liệu. Bà đưa ra giả thiết là có liên hệ đầy ý nghĩa giữa mức thay đổi nhân cách có tính xây dựng nơi thân chủ, và bốn biến số thuộc người hướng dẫn: (a) độ cảm thông sâu xa đối với thân chủ do người hướng dẫn biểu lộ. (b) độ tình cảm tích cực (sự tôn trọng tích cực vô điều kiện) biểu lộ bởi nhà hướng dẫn, lời nói phù hợp với tình cảm nội tâm (d) mức độ tương xứng giữa sự đáp ứng của nhà hướng dẫn, với sự biểu lộ của thân chủ trong lúc diễn tả tình cảm sâu đậm.

Để thử nghiệm những giả thuyết này bà tuyển lựa theo nhiều tiêu chuẩn, một nhóm gần mười ca có thể xếp loại như là “thành công nhất” và một nhóm muời ca “ít thành công nhất”. Rồi bà chọn một đoạn phỏng vấn thâu băng trong giai đoạn đầu và cuối của mỗi ca này. Từ mỗi cuộc phỏng vấn này, bà nhặt ra một cách ngẫu nhiên chín đơn vị tác động hỗ tương: một câu của thân chủ và đáp ứng của người hướng dẫn. Như vậy bà được chín tác động hỗ tương lúc đầu, và chín tác động hỗ tương lúc kết thúc, từ mỗi ca. Việc làm này cho bà mấy trăm đơn vị được sắp xếp một cách ngẫu nhiên. Những đơn vị từ một cuộc phỏng vấn lúc ban đầu của một ca không thành công có thể nằm bên cạnh những đơn vị từ một cuộc phỏng vấn về sau của một ca thành công, v.v… Ba chuyên viên không biết về những ca này, hay độ thành công của chúng, hay là nguồn gốc của bất kỳ đơn vị nào, giờ đây lắng nghe tài liệu này bốn lần. Họ đánh giá mỗi đơn vị dựa trên một thang điểm, trước hết về mức độ cộng cảm (empathy) thứ đến về thái độ tích cực của nhà hướng dẫn đối với thân chủ., thứ ba là sự trung thực hay là hồn nhiên, thứ tư là mức độ theo đó sự đáp ứng của người hướng dẫn tương xứng với cường độ xúc cảm trong sự diễn tả của thân chủ.

Tôi nghĩ là tất cả chúng ta ai được biết cuộc khảo cứu này cũng coi đó là một cuộc mạo hiểm táo bạo. Liệu những chuyên viên lắng nghe những đơn vị đơn độc của tác động hỗ tương có thể thẩm định đúng đắn về những đức tính tinh vi như tôi đã đề cập đến không? Và ngay cả khi sự phê phán ấy đáng tin cậy đi nữa, thì mười tám câu trao đổi giữa người hướng dẫn và thân chủ rút ra từ mỗi ca – một mẫu rất nhỏ của hàng trăm hàng nghìn trao đổi như thế có thể xảy ra trong mỗi ca – liệu có mang lại một tương quan nào với kết quả trị liệu hay không? Hy vọng có vẻ mong manh.

Những điều tìm thấy thật đáng ngạc nhiên. Thấy có thể đạt được độ chính xác cao giữa các chuyên viên, phần lớn những tương quan giữa các chuyên viên nằm giữa khoảng 0.80 và 0.90 ngoài trừ biến số cuối cùng. Cũng tìm thấy mức độ cộng cảm liên quan một cách đáng kể ở mức 0.01 đến những trường hợp thành công. Độ cao về sự kính trọng tích cực vô điều kiện cũng liên quan đến những ca thành công, ở mức 0.01. Ngay cả sự thẩm định về sự chân thật hay trung thực của người hướng dẫn – tầm mức theo đó những lời nó của ông phù hợp với tình cảm của mình – thì liên quan đến kết quả thành công của ca, và một lần nữa ở độ 0.01. Chỉ có trong cuộc thăm dò về mức độ tương xứng của sự diễn đạt tình cảm là kết quả không phân mình.

Cũng đáng chú ý là những điềm cao của những biến số này, không liên quan một cách có ý nghĩa hơn đến những đơn vị lúc sau cùng, so với những đơn vị lúc ban đầu. Điều này có nghĩa là những thái độ của nhà hướng dẫn hoàn toàn không thay đổi từ đầu đến cuối. Nếu ông có khả năng cộng cảm thì ông sẽ như vậy từ đầu đến cuối. Nếu ông thiếu chân thật, thì điều này sẽ hiện ra trong những buổi gặp gỡ đầu cũng như những buổi gặp gỡ sau.

Như bất kỳ cuộc nghiên cứu nào, công trình này có những hạn chế của nó. Nó liên quan đến một loại liên hệ trợ lực: tâm lý trị liệu. Nó mới áp dụng có bốn biến số xem như có ý nghĩa. Có lẽ còn nhiều biến số khác nữa. Dầu sao nó cũng đánh dấu một bước tiến có ý nghĩa trong việc nghiên cứu những mối liên hệ trợ lực. Tôi xin phép xác định những kết quả một cách đơn giản nhất có thể được. Nó dường như cho thấy rằng phẩm chất của tác động hỗ tương giữa nhà hướng dẫn và thân chủ có thể được phán đoán một cách thỏa đáng trên căn bản một mẫu rất nhỏ của cách ứng xử của ông. Nó cũng có nghĩa là nếu nhà hướng dẫn trung thực hay trong suốt – những lời của ông phù hợp với những tình cảm của ông thay vì mâu thuẫn – nếu nhà hướng dẫn yêu thích thân

chủ một cách vô điều kiện; và nếu nhà hướng dẫn hiểu những tình cảm thiết yếu của thân chủ như chúng hiện ra cho thân chủ – thì có nhiều cơ may là liên hệ đó sẽ hữu hiệu.

Một phần của tài liệu Tiến trình thành nhân doc (Trang 33 - 35)