Những suy tư riêng
*****
Chương tiếp theo đây sẽ là chuơng ngắn nhất của quyển sách này, nhưng nếu tôi phải xét bằng kinh nghiệm của tôi, có cũng sẽ là chương cách mạng nhất. Nó được ra đời trong những hoàn cảnh, đối với tôi, rất thú vị.
Tôi có nhận lời trước đây rất lâu tham dự vào một cuộc hội thảo do Đại học Harvard tổ chức về một đề tài sau đây: “Sự giáo dục trong lớp học có thể ảnh hưởng đến thái độ con người như thế nào?”. Người ta yêu cầu tôi làm một chứng minh về “Giáo dục đặt trọng tâm vào học sinh”, nghĩa là một giáo dục được xây dựng trên những nguyên tắc tâm trị liệu mà tôi đã cố gắng áp dụng vào Sư Phạm. Lúc ấy, đối với tôi dường như thật là vô cùng giả tạo và không được hài lòng nếu phải, trải qua hai giờ với một nhóm người trí thức, để thử giúp họ khẳng định những mục tiêu riêng của họ và để giải đáp những nhu cầu họ biểu lộ.
Vào lúc ấy tôi đi Mexicô như chúng tôi đã có thói quen, trong Tam cá nguyệt mùa đông. Ở đây, tôi dùng thời gian để vẽ, để viết, để chụp ảnh và tôi say mê đọc sách của Soeren Kierkegaard. Tôi công nhận sự cố gắng thực sự mà tác giả này dùng để gọi các sự vật bằng tên của chúng, đã ảnh hưởng tôi nhiều hơn tôi tưởng.
Khi tựu trường gần đến, tôi không thể trốn tránh được nữa, trước bổn phận của tôi. Tôi trực nhớ đã thỉnh thoảng thành công, tháo mở được trong lớp học những trận bàn cãi ý nghĩa, bằng cách phát biểu trước một ý kiến rất riêng tư và sau đó thử hiểu và chấp nhận phản ứng, những xúc cảm thường rất khác biệt của các sinh viên. Phương pháp này đến với tôi như là một phương pháp có thể sử dụng để thực hiện công việc ở Harvard.
Do đó tôi bắt đầu ghi chép một cách chân thực những gì gọi là kinh nghiệm dạy dỗ của tôi (theo định nghĩa của chữ này trong tự điển), cùng những kinh nghiệm học hỏi của tôi, mà không kể gì đến những tâm lý gia, những nhà mô phạm, cũng như những đồng nghiệp quá thận trọng của tôi. Tôi chỉ ghi chú cái tôi cảm thấy, và nghĩ rằng nếu tôi có vài sai lầm nào thì sự bàn cãi sẽ giúp tôi thấy chân lý.
Có thể là tôi ngây thơ, nhưng tôi không có cảm tưởng đã sửa soạn một chất nổ. Sau hết tôi tự bảo, tham dự viên đều là những người có học, những giáo chức, quen thuộc với sự tự phê bình, liên kết với nhau bởi một lợi thú là những phương pháp bàn cãi trong lớp học.
Ở Harvard, tôi trình bày quan điểm của tôi trong cuộc hội thảo, y như tôi khai triển trong chương này – chỉ trong vòng vài phút – và tôi tuyên bố mở rộng cuộc bàn cãi. Tôi đã hy vọng một phản ứng, nhưng tôi không chờ sự ồn ào, đã tiếp liền sau đó. Xúc động thật cuồng nhiệt. Những người tham dự có cảm tưởng rằng, tôi kích bác họ trong nghề nghiệp của họ, rằng tôi nói những điều tôi không thể tin tưởng được, và còn nữa… Tuy nhiên, thỉnh thoảng cũng có lời ôn hòa tán thưởng của một giáo chức, có lẽ cùng cảm thấy như thế, nhưng chưa bao giờ dám bày tỏ ra.
Có lẽ không một nhóm viên nào còn nhớ chương trình của buổi họp mặt này, là một chứng minh về sự giảng dạy đặt trọng tâm vào học sinh, tuy nhiên, tôi muốn hy vọng là sau khi suy nghĩ, mỗi tham dự viên đều hiểu được là họ vừa sống một kinh nghiệm như thế đó. Tôi đã từ chối không đứng trong một thế phòng vệ, để trả lời những câu hỏi và những công kích mà tôi là đối tượng, đến từ khắp mọi góc phòng. Tôi cố gắng chấp nhận những lời phê bình và cảm thông với những tình cảm tức giận và thất vọng của tham dự viên. Tôi lưu ý họ rằng, tôi chỉ xác định một số ý kiến rất riêng tư. Tôi không có yêu cầu cũng như không có hy vọng họ đồng ý. Sau một cuộc bàn cãi náo động, những tham dự viên bắt đầu bày tỏ, với một sự thành thực tăng dần, những phản ứng riêng tư và thực sự của họ về vấn đề dạy dỗ – những phản ứng thường khác với của tôi cũng như khác với của những người khác. Thật là một buổi họp rất phong phú về phương diện suy tư. Tôi nghĩ rằng không một tham dự viên nào có thể quên nó được.
Chính sang ngày hôm sau, vào lúc sửa soạn để rời thành phố, tôi nghe được một lời phê bình ý nghĩa. Một trong những tham dự viên nói với tôi:”Ông đã làm nhiều người mất ngủ đêm qua”. Tôi không tìm cách đăng tải bài thuyết trình ngắn ngủi ấy. Dưới mặt các nhà Tâm lý học và các nhà Phân tâm học, những ý kiến của tôi về Tâm trị liệu đã làm tôi thành một “nhân vật được
đem ra bàn cãi”. Tôi không có một ước muốn nào để thêm những nhà mô phạm vào cái danh sách này. Tuy nhiên cái bài thuyết trình đó cũng được phân phát rộng rãi cho những người trong buổi hội thảo và vài năm sau, hai tờ báo yêu cầu tôi cho phép được đăng nó.
Sau phần lịch sử dài dòng này, bài văn có thể hơi làm thất vọng. Về phần tôi, tôi không bao giờ xem nó như là nẩy lửa. Nó còn biểu lộ được những tình cảm sâu xa nhất của tôi về khoa Sư Phạm.
*****
Tôi muốn trình bày vài nhận xét ngắn ngủi mà tôi hy vọng rằng, nếu chúng khêu gợi những phản ứng về phía quí vị, những phản ứng ấy, sẽ giúp tôi xác định lại tư tưởng của tôi.
Tôi cảm thấy rất bất an, khi cố gắng khai triển một tư tưởng, nhất là khi mình suy tưởng trên kinh nghiệm cá nhân để tìm rút ra một ý nghĩa thực thuộc về nó. Ban đầu những suy tưởng làm mình hài lòng, vì chúng dường như khám phá ra một ý nghĩa và một liên hệ cho một loạt sự kiện rời rạc. Nhưng thường chúng cùng đưa đến thất vọng khi tôi nhận thấy rằng những nhận xét ấy đối với tôi quan trọng biết bao, lại dường như lố bịch với nhiều người khác. Tôi có cảm tưởng rằng hầu hết mỗi lúc tôi tìm cách phân tích kinh nghiệm riêng của tôi, tôi đề đi đến những kết luận xem như là phi lý.
Trong vài phút tiếp theo đây, tôi sẽ cố gắng đúc kết những tư tưởng tôi đã rút từ kinh nghiệm dạy học và từ sự thực hành tâm trị liệu cá nhân hay tập thể. Tôi không có ý định đưa chúng ra như những kết luận cho người khác, cũng không phải như một kiểu mẫu về cái gì phải làm. Đây chỉ là những sự giải thích trong hiện tại, về kinh nghiệm của tôi, kèm theo vài câu hỏi bối rối do sự phi lý của những giải thích này đặt ra. Tôi sẽ trình bày mỗi ý tưởng hay mỗi giải thích trong một đoạn riêng, không phải vì chúng kế tiếp nhau theo một trật tự thuần lý, nhưng vì đối với tôi mỗi giải thích có một tầm quan trọng riêng cho nó.
a – Tôi xin khởi điểm bằng ý tưởng sau đây, vì nó liên hệ đến mục tiêu của buổi họp này: Kinh nghiệm cho tôi thấy rằng tôi không dạy một người khác cách dạy. Kết quả dài hạn của việc làm đó đối với tôi là vô hiệu.
b – Đối với tôi dường như tất cả cái gì có thể dạy cho người khác đều tương đối không ích lợi và chỉ có ít hay không có ảnh hưởng nào trên thái độ của người đó. Điều này có vẻ thật là lố bịch cho đến đổi, tôi không thể không hoài nghi ngay lúc phát biểu nó.
c – Tôi nhận thấy càng lúc càng rõ là tôi chỉ chú ý đến những học hỏi có thể gây ảnh hưởng có ý nghĩa trên thái độ của một cá nhân. Có lẽ đây là một khuynh hướng thuần túy riêng tư của tôi. d – Tôi đi đến chỗ tin tưởng rằng những học hỏi duy nhất có thể ảnh hưởng đến thái độ của một cá nhân chính là những học hỏi cá nhân ấy khám phá ra và chiếm hữu được.
e – Những nhận thức được cá nhân khám phá ra – những chân lý được riêng tư chiếm hữu và hấp thụ qua kinh nghiệm, không thể được trực tiếp truyền thông cho người khác.
Ngay khi một cá nhân cố gắng truyền thông trực tiếp một loại kinh nghiệm như thế, thường với một sự nhiệt thành tự nhiên, tức thì việc đó trở thành giảng dạy và những kết quả do đó trở nên vô ích. Mới đây tôi được nhẹ người khi thấy triết gia Soeren Kierkegaad, người Đan Mạch cũng đã đi đến cùng một kết luận, và đã bày tỏ rõ ràng được một thế kỷ rồi. Như thế điều này dường như bớt phi lý.
f – Như vậy kết luận tiếp theo trên là cái nghề dạy học, đối với tôi không còn hấp dẫn nữa.
g – Khi tôi cố gắng giảng dạy, như đã từng làm, tôi lấy làm kinh ngạc trước những kết quả – những kết quả dường như khá hơn là vô hiệu – vì thỉnh thoảng, sự giảng dạy xem như đạt được mục đích của nó. Trong trường hợp đó, tôi nhận thấy rằng kết quả có hại. Thực tế, cá nhân mất tin tưởng ở kinh nghiệm riêng tư và bóp chết sự học hỏi đáng giá. Từ đó tôi kết luận rằng những kết quả của giảng dạy thành vô nghĩa hoặc có hại.
h – Khi tôi hồi tưởng đến những kết quả về sự giảng dạy của tôi, những kết quả đó thật sự như vậy: hoặc là nó đã làm hại hoặc là nó không đem lại gì cả. Điều này làm tôi lo lắng.
i – Vì thế, tôi nhận thấy tôi chỉ thích thú học tập, nhất là học những điều quan trọng có một ảnh hưởng trên thái độ của tôi.
j – Tôi thấy thỏa mãn được học tập dù trong một nhóm, hay trong sự tương giao với một cá nhân như trong tâm trị liệu, hay học một mình.
k – Tôi khám phá ra được cách học tốt nhất – dù rằng khó nhất – đối với tôi là bỏ rơi thái độ phòng vệ của mình – ít nhất là tạm thời – để cố gắng hiểu xem người khác nhận lãnh và cảm thấy kinh nghiệm riêng tư của họ như thế nào.
l – Một cách học tập khác nữa, cho tôi là phát biểu những điều không chắc chắn của mình, cố gắng làm sáng tỏ những điều thắc mắc để hiểu được rõ ý nghĩa thực sự của kinh nghiệm hiện tại. m – Tất cả các chuỗi kinh nghiệm và ý nghĩa mà tôi khám phá được cho đến bây giờ ném tôi vào trong một tiến trình phấn khởi nhưng thỉnh thoảng cũng hơi đáng sợ. Nó đưa tôi đến chỗ để mặc cho kinh nghiệm của tôi hướng dẫn mình vào một chiều hướng, đối với tôi như tích cực, đến những mục đích mà tôi chỉ nhận thấy lờ mờ, trong khi tôi cố gắng tìm hiểu xem nó có ý nghĩa gì. Tôi sống trong cái cảm giác nhấp nhô trên một dòng sông, lôi cuốn trong hy vọng thấu hiểu được sự phức tạp của những thay đổi không ngừng của nó.
Tôi sợ đi hơi xa vấn đề không những của người học mà cả của người dạy. Để trở về với những khái niệm thực tiễn hơn, tôi xin thêm rằng những lối chú giải về kinh nghiệm của tôi có vẻ lạ lùng và bất thường, nhưng không đặc biệt chướng tai lắm. Chỉ khi nào tôi nhận thức được những hàm ý của chúng, tôi mới sợ hãi thấy rằng tôi đã đi quá xa những khái niệm của lương tri mà mọi người chấp nhận như là đứng đắn. Để chú giải những gì tôi vừa phát biểu, tôi xin nói rằng nếu người khác có cùng một kinh nghiệm và đã khám phá được cùng một ý nghĩa, từ đó sẽ có thể đi đến một số hậu quả sau:
a – Kinh nghiệm ấy ám chỉ rằng ta sẽ từ bỏ sự giảng dạy. Nếu có những người muốn học tập, họ sẽ tự họp nhau lại.
b – Ta có thể loại bỏ những cuộc thi cử vì chúng chỉ đo lường được những trí thức không hậu quả.
c – Cùng một lý do, phải loại bỏ tất cả mọi bằng cấp và thứ hạng.
d – Cùng với lý do đó, chúng ta loại bỏ những bằng cấp khi nó được xem như đo lường sự thông thạo. Hơn nữa, một bằng cấp chỉ định cái điểm cuối hay đoạn kết quả của một sự việc nào đó, nhưng người ham học chỉ chú tâm ở tiến trình liên tục của sự học mà thôi.
e – Một tình trạng liên hệ khác là phải từ bỏ việc trình bày những kết luận, và không một ai lãnh hội được giá trị từ những kết luận.
Có lẽ không nên đi xa hơn nữa. Tôi không muốn tự ném mình vào trong một thế giới quá huyền hoặc. Điều mà tôi muốn biết trước hết là: có một phần nào trong những tư tưởng của tôi trùng hợp với kinh nghiệm dạy dỗ của quí vị không, và nếu có thì ý nghĩa của kinh nghiệm riêng tư đó đối với quí vị là như thế nào ?
Chương 10: