VÀI CHIỀU HƯỚNG RÕ RỆT TRONG TRỊ LIỆU
KINH NGHIỆM ĐẦY ĐỦ VỀ MỐI LIÊN HỆ ĐẦY TÌNH THƯƠNG
Một trong những yếu tố của khoa trị liệu mà chúng mới ý thức được gần đây là tới mức nào đó sự trị liệu là một cuộc học hỏi đối với bệnh nhân, học chấp nhận toàn vẹn và tự do không chút sợ sệt những tình cảm tích cực từ người khác. Hiện tượng này không xảy ra một cách rõ rệt trong tất cả trường hợp. Nó đặc biệt đúng trong những trường hợp trị liệu lâu dài, nhưng không nhất thiết giống nhau trong mọi trường hợp. Nhưng đây là thứ kinh nghiệm sâu xa đến nổi chúng tôi bắt đầu tự hỏi phải chăng đây là chiều hướng mang nhiều ý nghĩa trong tiến trình trị liệu, có lẽ nó xảy ra tới mức độ nào đó mà không nói lên được, trong tất cả những trường hợp trị liệu thành công. Trước khi thảo luận về hiện tượng này, chúng ta hãy cho nó mộ hình hài bằng cách kể lại kinh nghiệm của bà Oak. Kinh nghiệm này đột ngột xảy đến cho bà giữa cuộc phỏng vấn thứ 29 và 30, và bà dành hầu hết buổi phỏng vấn sau để đề cập tới nó. Bà bắt đầu cuộc nói chuyện như sau:
BN: “À, tôi có một khám phá rất đáng chú ý. Tôi biết đó là – (cười thành tiếng) Tôi thấy là ông cũng quan tâm xem sự việc xảy ra như thế nào (cả hai cùng cười). Tôi có cảm tưởng như thế là – “Có lẽ tôi sẽ để ông bước vào trong hành trình.” Lần này trên một tờ khai bệnh, tôi sẽ có câu trả lời đúng. Đột nhiên tôi thấy lóe lên – trong mối liên hệ thầy thuốc và bệnh nhân, ông thực tình tha thiết với điều gì xảy ra trong việc này. Và đó là một sự khám phá – không hẳn thế. Nói thế không diễn tả hết. Điều gần nhất tôi tới được là một sự thảnh thơi, chứ không phải buông trôi, nhưng…(ngừng lời) đó là một sự giãn nở mà không căng thẳng nếu điều ấy có nghĩa gì. Tôi không biết.”
NTL: “Nghe như đó không phải là một ý tưởng lạ, nhưng đó là một thứ kinh nghiệm như thực sự cảm thấy là tôi thực tình lo lắng và nếu tôi nói đúng ý thì bà muốn để tôi lo lắng cho bà.”
BN: Dạ phải.
Việc để cho nhà trị liệu và mối lo lắng nhiệt tình của ông ta đến với cuộc đời của bà chắc chắn là một nét sâu thẳm nhất của sự trị liệu trong trường hợp này. Trong một cuộc nói chuyện sau khi đã kết thúc việc trị liệu bà đã hồn nhiên đề cập tới thứ kinh nghiệm này coi nó là một sự nổi bật. Thế có nghĩa là gì ?
Có điều chắc chắn là hiện tượng này không phải là một sự chuyển di (transference). Một vài tâm lý gia kinh nghiệm đã từng được phân tâm, có cơ hội quan sát về sự phát triển mối liên hệ trong một trường hợp khác hơn trường hợp này. Họ là những người đầu tiên phản đối việc sử dụng những từ chuyển di và phản chuyển di để mô tả hiện tượng này. Lý do chính để họ nhận xét như vậy là vì đây là một điều hỗ tương và tương xứng trong khi sự chuyển di và phản chuyển di là những hiện tượng đặc biệt chỉ có một chiều và không thích hợp với những thực tại của hoàn cảnh.
Chắc chắn một trong những lý do khiến hiện tượng này thường xảy ra trong kinh nghiệm của chúng tôi là vì với tư thế của những người trị liệu chúng tôi dần dần ít sợ những thứ tình cảm tích cực (hay tiêu cực) đối với bệnh nhân. Trong khi cuộc trị liệu tiến hành, những tình cảm của nhà trị liệu về sự chấp nhận và tôn trọng đối với bệnh nhân chuyển thành gần như thán phục khi chứng kiến mộ cuộc tranh đấu sâu xa và dũng cảm của một người để được là chính mình. Tôi nghĩ trong nội tâm người trị liệu có một kinh nghiệm sâu xa của sự cùng chung số phận – chúng ta có nên gọi là tình huynh đệ – giữa con người. Kết quả là ông ta cảm thấy phản ứng yêu thương, tích cực và ấm áp đối với bệnh nhân. Điều này đặt ra một vấn đề cho bệnh nhân, như trong trường hợp này, thấy khó lòng tiếp nhận thứ tình cảm tích cực nơi người khác. Nhưng một khi đã tiếp nhận rồi, thì phản ứng không tránh khỏi nơi bệnh nhân là thư giãn để cho tình cảm ấm cúng yêu thương của người khác làm giảm bớt sự căng thẳng và sự sợ hãi trong khi phải giáp mặt với cuộc sống.
Nhưng chúng ta đang đi trước bệnh nhân của chúng ta. Chúng ta hãy xem xét một vài khía cạnh của thứ kinh nghiệm này đúng như nó xảy ra cho bà ta. Trong những buổi nói chuyện lúc ban đầu bà có đề cập tới sự kiện là bà không thương nhân loại, và một cách mơ hồ và bướng bỉnh bà cảm thấy mình là phải, mặc dù có những người cho là bà sai. Một lần nữa, bà đề cập tới vấn đề này khi thảo luận về các kinh nghiệm này đã làm sáng tỏ những thái độ của bà đối với người khác.
BN: “Điều kế tiếp xảy ra cho tôi làm tôi suy nghĩ và bây giờ còn suy nghĩ là – tôi cũng không hiểu tại sao – cái điều tôi băn khoăn khi mình nói rằng “Tôi không thương nhân loại”. Tôi luôn luôn đinh ninh là vậy. Tôi biết rằng đó là một điều tốt, thấy không? Và tôi nghĩ, tôi đã làm sáng tỏ điều đó trong tôi, việc đó liên can gì với tình trạng này, tôi không biết. Nhưng tôi thấy rằng tôi không thương nhưng tôi quan tâm kinh khủng.”
NTL: “Tôi hiểu.”
BN: “Có thể rõ nghĩa hơn khi nói rằng quan tâm kinh khủng đến điều gì xảy ra. Nhưng sự quan tâm – thành hình – cơ cấu của nó là chỗ hiểu biết nhưng không muốn bị lôi cuốn vào, hay là đóng góp vào những điều mà đối với tôi, coi như giả tạo và tôi coi là trong sự yêu thích có một loại yếu tố cuối cùng. Nếu bạn làm điều đó, thì coi như bạn đã làm đủ. Đó là…”
NTL: “Chính cái điều đó, gần như vậy.”
BN: “Phải. Đối với tôi điều khác này, sự quan tâm, không phải một từ ngữ tốt – Tôi có ý nói là, xem như chúng ta cần một từ khác hầu diễn tả sự kiện này. Nói rằng đó là một sự kiện không thuộc riêng ai thì không có nghĩa bởi vì nó không đúng. Tôi cảm thấy nó là thành phần của một
toàn khối. Nhưng đó là một cái gì sẽ không ngừng lại…Tôi thấy rằng người ta cáo thể có cái cảm giác yêu thương nhân loại, yêu thương người khác và đồng thời – tiếp tục hùa vào những yếu tố làm cho người khác bị loạn thần kinh, làm họ đau yếu – và tôi thấy muốn chống đối lại những điều này.”
NTL: “Bà khá quan tâm để muốn hiểu và để muốn tránh đóng góp vào bất kỳ điều gì có thể tạo thêm bệnh loạn thần kinh, hay thêm khía cạnh đó trong đời sống con người.”
BN: “Vâng, và đó là (ngừng nói). Vâng, có cái gì trong chiều hướng đó – À, một lần nữa, tôi phải trở lại vấn đề tôi cảm thấy về điều gì khác này như thế nào. Đó là – Thực sự tôi không được vời gọi để nhượng bộ trong một cuộc tranh luận – Không có gì là chung quyết…Nhiều lúc tôi bực mình khi tôi – tôi phải nói với chính mình “Tôi không yêu thích nhân loại”, nhưng tôi luôn luôn biết rằng có điều gì tích cực. Rằng có thể là tôi đúng. Và – có thể tôi hoàn toàn sai vào lúc này, nhưng đối với tôi hình như bằng cách nào đó giá trị trị liệu có thể hoàn thành. Tôi không thể nhận định nó rõ rệt được, à hay là tôi nói đó là quá trình học tập, sự theo dõi khi nhận thức rằng – Vâng, ông có sự quan tâm trong một hoàn cảnh nào đó. Đơn giản thế thôi. Và trước đây tôi chưa hề ý thức tới điểm này. Tôi có thể đóng cánh cửa này lại và bước ra ngoài, và trong lúc thảo luận về trị liệu, nói rằng nhà trị liệu có thể cảm thấy như thế – nhưng tôi muốn nói là mình không có thứ kinh nghiệm sống động về điều đó.”
Trong đoạn này, mặc dầu bà ta cố gắng diễn tả những tình cảm riêng của bà, xem như điều bà ta nói ra là thái độ đặc tính của người trị liệu. Thái độ này trong trường hợp tốt nhất, không có khía cạnh lẫn lộn của đa số kinh nghiệm mà chúng ta gọi là yêu thương. Đó chỉ là tình cảm cởi mở mộc mạc của con người đối với tha nhân, cái thứ tình cảm, theo tôi, còn căn bản hơn cả tình yêu dục tính hay tình cha mẹ. Đó là sự quan tâm đầy đủ đến một người nào đó khiến bạn không muốn gây trở ngại cho sự phát triển của y, mà cũng không muốn dùng người ấy vào mục tiêu nẩy nở của mình, bạn mãn nguyện khi để người đó tự do trưởng thành theo cung cách của y.
Bệnh nhân của chúng ta tiếp tục thảo luận về nỗi khó khăn khi bà ta trước đây phải phấn đấu để tiếp nhận sự giúp đỡ hay tình cảm tích cực từ những người khác, và thái độ này đang thay đổi như thế nào.
BN: “Tôi có cảm nghĩ… là chính ông cũng phải cố gắng nhiều, nhưng dầu sao ông cũng phải có khả năng ấy đối với người khác (Bà nói rằng đã có nhiều lần lẽ ra bà có thể đã tiếp nhận tình người ấm áp và sự dịu dàng từ những người khác). Tôi có cảm tưởng là mình sợ sẽ bị hủy hoại (Bà quay lại nói về chính việc chữa bệnh và cảm nghĩ của bà về nó). Tôi có ý nói về việc chính mình bị xâu xé. Tôi cảm thấy thế – Hầu như có lần tôi đã nói lên điều này – nhiều lần cái cảm tưởng mạnh mẽ nhất vẫn là việc riêng của tôi, của riêng tôi thôi. Tôi phải dẹp cái ý nghĩ ấy đi. Ông thấy không?”
NTL: “Đây là một thứ kinh nghiệm rất khó mà nói ra một cách chính xác, nhưng ở đây tôi nhận ra sự khác biệt trong mối tương quan này, đi từ cảm nghĩ “đây là vấn đề của riêng tôi”, “Tôi phải giải quyết lấy”, “Tôi đang giải quyết điều đó”.v.v…, đến cảm nghĩ đổi khác – “Tôi có thể để ông dự vào”.
BN: “Vâng. Bây giờ. Tôi có ý nói, chính thế, nó như là, vâng ta có thể gọi là quyển hai. Tôi vẫn còn đơn độc trong vấn đề, nhưng tôi không còn nữa – thấy chưa – Tôi…”
NTL: “Vâng, sự trái nghịch ấy đã tóm lược vấn đề có phải như vậy không?” BN: “Vâng.”
NTL: “Toàn thể câu chuyện là cái cảm tưởng – mọi khía cạnh của kinh nghiệm là của riêng tôi, điều này không tránh được và cần phải thế. Nhưng đấy chưa phải là tất cả vấn đề. Nó có thể được chia sẻ và sự quan tâm của người khác có thể dự vào – đó là điểm mới.”
BN: “Phải, và đó là – mặc dầu đó là, sự việc phải như thế. Tôi có ý nói – là phải vậy mới được – Có, có cảm tưởng “như thế là tốt đẹp”. Tôi có ý nói, điều đó nói lên cho tôi, giải tỏa cho tôi. Có cảm tưởng là trong sự quan tâm này, coi như ông đứng lùi về phía sau, đứng ngoài, và nếu tôi, tôi cắt ngang – tôi vạt xập những cây sậy cao, điều đó tôi làm được, và ông có thể – tôi có ý nói là ông sẽ không bối rối nếu phải lách qua những bụi ấy. Tôi không biết – Nói thế cũng không rõ nghĩa lắm.”
NTL: “Ngoại trừ bà cảm thấy rằng cái cảm nghĩ trên đây của bà thật đúng, phải không?” BN: “Vâng.”
Đoạn trích này há không nói lên cốt tủy của tiến trình xã hội hóa hay sao? Khám phá ra rằng không có gì là hủy hoại khi tiếp nhận tình cảm tích cực của một người khác, không nhất thiết phải kết thúc trong thương tổn, mà thực sự “cảm thấy sướng” khi có một người khác bên mình trong khi mình chiến đấu để đối phó với đời – đây có thể là một điều học hỏi sâu xa nhất đối với một cá nhân, dù trong trị liệu hay bên ngoài.
Một phần của sự mới lạ, ở mức độ không lời của kinh nghiệm này được bà Oak diễn tả trong những phút cuối của buổi nói chuyện thứ 30.
BN: “Tôi đang trải qua một thứ – có lẽ là thứ học hỏi đáng giá nhất – Tôi biết là tôi hay nói rằng những điều hiểu biết của tôi chẳng giúp gì cho tôi ở đây. Tôi có ý nói là thứ kiến thức thâu hoạch được chẳng giúp gì cho tôi. Nhưng đối với tôi quá trình học hỏi ở đây đầy động lực, tôi có ý nói là một phần của tôi – Tôi tự hỏi không biết tôi có thể dàn trải điều mà tôi kinh nghiệm ở đây, thành kiến thức thụ đắc không?”
NTL: “Nói khác đi, loại kiến thức ở đây thuộc một loại khác hẳn và có chiều sâu cũng khác, rất chủ yếu, rất thật. Và rất quý giá đối với bà, nhưng câu hỏi bà đặt ra là: Có bao giờ tôi sẽ có một cái mức độ sâu xa hơn cả mức hiểu biết không?”
BN: “Tương tự như thế.”
Những ai muốn áp dụng trong trị liệu những cái gọi là định luật học hỏi rút ra từ sự thuộc lòng những vần vô nghĩa sẽ có lợi khi nghiên cứu đoạn trích này một cách cẩn thận. Việc học hỏi khi nó diễn ra trong trị liệu là một sự kiện toàn thể, thuộc về con người toàn diện và thường là không
thành lời, nó có thể theo hoặc không theo những nguyên tắc trong sự học tập bằng trí năng những tư liệu tầm thường ít có liên quan tới bản ngã.
Dẫu sao điều này chỉ là nói ngoài đề.
Chúng ta hãy kết luận về đoạn này bằng cách nói lại tính chính yếu của nó. Rất có thể là một trong những đặc tính của cuộc trị liệu có ý nghĩa và sâu xa là bệnh nhân khám phá ra rằng không có gì tai hại khi tiếp nhận đầy đủ vào kinh nghiệm của mình, tình cảm tích cực mà người trị liệu dành cho họ. Có lẽ một trong những lý do tại sao điều này lại khó khăn như thế là vì nó liên quan mật thiết đến cảm tưởng “Tôi xứng đáng được yêu thích”. Điều này chúng ta sẽ xét tới trong phần sau. Hiện giờ ta có thể nêu lên điều này: một khía cạnh của trị liệu là sự kinh nghiệm đầy đủ và tự do một quan hệ thân tình, có thế nói cách chung như sau: “Tôi có thể cho phép người nào đó quan tâm về tôi, và trong thâm tâm tôi, có thể tiếp nhận sự săn sóc đó. Điều này cho phép tôi nhận ra là tôi lưu tâm, và lưu tâm rất nhiều về những người khác.”