NHỮNG KHẢO SÁT VỀ THÁI ĐỘ

Một phần của tài liệu Tiến trình thành nhân doc (Trang 30 - 32)

NHỮNG ĐẶC TÍNH CỦA LIÊN HỆ TRỊ LIỆU

NHỮNG KHẢO SÁT VỀ THÁI ĐỘ

Hầu hết các bài nghiên cứu soi sáng những thái độ về phía người trợ lực, những thái độ làm cho người ta trưởng thành (growth – promoting) hay cản trở sự trưởng thành (growth – inhibiting). Chúng ta hãy cùng xem xét một vài bài.

Một cuộc nghiên cứu thận trọng về những liên hệ cha mẹ – con cái được Baldwin và những người khác thực hiện vài năm trước đây tại Viện Fels chứa đựng những dữ kiện rất hay. Trong những phân loại về thái độ của cha mẹ đối với con cái thì loại “chấp nhận dân chủ” (acceptant democrative) có vẻ giúp tăng trưởng nhất. Khi cha mẹ có những thái độ âu yếm và dân chủ đối với con thì chúng thấy có sự phát triển trí năng mau lẹ (I.Q. gia tăng), nhiều độc đáo, nhiều an ninh tình cảm và tự chủ, ít bị khích động hơn những đứa trẻ thuộc loại gia đình khác. Mặc dầu lúc đầu sự phát triển xã hội tính có phần chậm, chúng là những thủ lãnh thân thiện và không hung hãn khi đến tuổi đi học.

Khi những thái độ của cha mẹ được xếp loại là “hất hủi ra mặt” (actively rejectant) thì những đứa con phát triển trí năng chậm, ít sử dụng những tài năng chúng có, và thiếu tính độc đáo. Chúng bất ổn trong tình cảm, chống đối, hung hãn và ưa cãi lộn. Những đứa con của cha mẹ có những triệu chứng thái độ khác, được xếp vào giữa những thái cực này.

Tôi chắc chắn là những khám phá liên quan đến sự phát triển trẻ em này không làm chúng ta ngạc nhiên. Tôi muốn gợi ý rằng chúng ta cũng áp dụng đúng đối với những liên hệ khác, và người hướng dẫn hoặc bác sĩ hay người điều hành nếu có tình cảm nồng hậu và cởi mở, biết tôn trọng cá tính của người khác, thường biết thương yêu mà không chiếm hữu, thì họ sẽ giúp cho sự triển nở được dễ dàng giống như cha mẹ với những thái độ ấy.

Tôi xin sang một cuộc nghiên cứu thận trọng trong một lãnh vực rất khác. Whitehorn và Betz

(1) điều tra về sự thành công của một nhóm bác sĩ thường trú trong khi làm việc với những bệnh nhân tâm thần phân liệt (schizophrenic) trong một trại tâm thần. Họ chọn cho cuộc khảo sát đặc biệt này bảy người đắc lực nhất và bảy người có thân chủ với độ cải biến thấp nhất. Mỗi nhóm trị khoảng năm muơi bệnh nhân. Các nhà điều tra cứu xét tất cả dữ kiện cho thấy nhóm A (nhóm thành công) khác với nhóm B chỗ nào. Họ tìm thấy một số khác biệt đầy ý nghĩa. Các bác sĩ trong nhóm A có khuynh hướng hiểu người bệnh trong ý nghĩa đặc biệt mà một số hành vi hiện ra với bệnh nhân thay vì coi họ như một ca bệnh hay một đối tượng chẩn bệnh. Hơn nữa mục tiêu của họ nhằm vào nhân cách của bệnh nhân, thay vì nhằm giảm bớt những triệu chứng hay chữa bệnh. Người ta thấy rằng những bác sĩ đắc lực, trong tác động hàng ngày, chủ yếu đem đến một sự tham gia tích cực – liên hệ người-với-người. (Họ ít dùng đến những phương pháp gọi là thụ động buông lỏng (passive permissive). Họ lại càng ít dùng những phương pháp như suy diễn, dạy bảo hay khuyên lơn, hay nhấn mạnh đến sự chăm sóc cụ thể bệnh nhân. Sau hết, họ tỏ ra có khả năng hơn nhóm B để gây dựng một mối liên hệ trong đó bệnh nhân cảm thấy tin tưởng nơi bác sĩ.

Mặc dầu các tác giả thận trọng nhấn mạnh rằng những điều tìm thấy ở đây chỉ liên quan tới những người bị tâm thần phân liệt mà thôi, tôi có khuynh hướng không đồng ý. Tôi nghi là những sự kiện tương tự sẽ được tìm thấy trong một cuộc nghiên cứu về bất kỳ loại liên hệ trợ lực nào.

Một cuộc khảo sát hay khác nhắm vào cách thức người được giúp đỡ nhìn mối liên hệ. Heine (2)

quan sát những cá nhân đã trải qua trị liệu tâm lý và trường phái Adler. Bất cứ với hình thức trị liệu nào, những thân chủ này nhận thấy những thay đổi giống nhau trong bản thân họ. Khi được hỏi về điều gì đã góp công vào những thay đổi đã xảy ra, họ đưa ra những lời giải nghĩa khác nhau, tùy thuộc vào hướng đi của nhà trị liệu. Nhưng sự đồng ý của họ về những yếu tố chính mà họ thấy đã giúp ích còn có ý nghĩa hơn nữa. Họ nêu ra là những yếu tố sau đây liên quan đến thái độ trong mối tương giao, đã góp công vào những thay đổi nơi họ, đó là: lòng tín nhiệm nơi nhà

trị liệu, cảm giác được hiểu biết bởi nhà trị liệu; cảm tưởng độc lập để lựa chọn và quyết định. Phương pháp trị liệu mà họ cảm thấy giúp ích họ nhất là trị liệu làm sáng tỏ và khẳng định rõ ràng những cảm nghĩ mà thân chủ đề cập đến cách mờ ảo và ngập ngừng. Mặt khác, cũng có một sự đồng ý cao độ giữa những thân chủ, bất luận hướng đi nào của các nhà trị liệu, về những yếu tố vô bổ trong liên hệ. Những thái độ về phía nhà trị liệu như thiếu thích thú, xa cách hay cách biệt, và quá nhiều cảm tình, được thấy là vô bổ. Còn về phương pháp, họ thấy là vô bổ khi các nhà trị liệu đưa ra lời khuyên trực tiếp và chi tiết liên quan tới những quyết định hay là quá chú trọng tới việc đã qua thay vì những vấn đề hiện tại. Những lời gợi ý hướng dẫn đưa ra một cách nhẹ nhàng được coi là trung bình – vô thưởng vô phạt.

Fielder (3), trong một công trình khảo sát được trích nhiều thấy rằng các nhà trị liệu thành thạo thuộc những trường phái khác nhau đều thình thành những mối liên hệ giống nhau, với thân chủ. Những yếu tố tạo thành đặc tính những liên hệ này, làm cho chúng khác hẳn những liên hệ tạo dựng bởi các nhà trị liệu kém thành thạo thì ít được biết đến. Những yếu tố này là: khả năng hiểu biết ý nghĩa và tình cảm của thân chủ; tính nhạy cảm đối với những thái độ của thân chủ; sự quan tâm đây nhiệt tình nhưng không dính líu quá đáng về tình cảm.

Cuộc khảo sát của Quinn cho thấy điều gì liên quan với sự hiểu biết những ý nghĩa và tình cảm của thân chủ. Cuộc khảo sát của ông gây ngạc nhiên ở chỗ là nó cho thấy “sự hiểu biết” những ý nghĩa và tình cảm của thân chủ, cốt yếu là thái độ khao khát muốn hiểu. Quinn chỉ trình bày cho các chuyên viên những câu khẳng định ghi băng của các nhà trị liệu rút ra từ những cuộc phỏng vấn. Những chuyên viên này không biết nhà trị liệu trả lời cho câu hỏi nào hay là thân chủ phản ứng ra sao trước lời đáp ứng của ông. Ấy vậy mà mức độ hiểu biết vẫn có thể thẩm định được qua tài liệu này như thể là nghe lời đáp trong lúc đối thoại. Điều này xem như một bằng chứng có tính kết luận rằng chính thái độ muốn hiểu biết đã được truyền đạt.

Về phẩm chất tình cảm của mối tương giao, Seeman thấy rằng sự thành công trong tâm lý trị liệu liên hệ mật thiết đến sự quý trọng lẫn nhau sâu đậm và tăng dần giữa thân chủ và nhà trị liệu. Một cuộc khảo sát khá hay của Dittes (4) cho thấy liên hệ này rất tinh tế. Dùng phép đo sinh lý, phản xạ tâm lý điện đồ (Psychogalvanic) để đo lường những phản ứng lo âu hay sợ sệt hay báo động của thân chủ, Dittes so sánh những xiên lệch của sự đo lường này với sự đánh giá của các chuyên viên về độ chấp nhận hay dễ dãi của nhà trị liệu. Thấy rằng khi nào thái độ của nhà trị liệu thay đổi, dù chỉ một chút, theo chiều hướng giảm độ chấp nhận thì những xiên lệch đột ngột gia tăng đáng kể. Hiển nhiên là khi liên hệ được kinh nghiệm như là ít chấp nhận thì cơ thể tổ chức chống đe dọa, ngay cả trên bình diện sinh lý.

Mặc dù không thu thập đầy đủ tất cả những khám phá của những công trình nghiên cứu trên, ít ra chúng ta cũng thấy nổi bật một vài điểm. Một là sự kiện những thái độ và tình cảm của nhà trị

liệu quan trọng hơn là đường hướng lý thuyết của ông ta. Những phương thức và kỹ thuật của ông ta không quan trọng bằng thái độ của ông. Cũng nên lưu ý là chính cái cách mà thân chủ nhận thức được những thái độ và những phương thức của ông mới đáng kể đối với thân chủ, và sự nhận thức này là điểm then chốt.

Một phần của tài liệu Tiến trình thành nhân doc (Trang 30 - 32)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(152 trang)
w