TIẾN TRÌNH THÀNH NHÂN ĐẰNG SAU MẶT NẠ
KINH NGHIỆM VỀ TÌNH CẢM
Nói về kinh nghiệm tình cảm, tôi thấy nó tương tự như khám phá ra những yếu tố bí mật trong con người của ta. Hiện tượng mà tôi đang cố gắng mô tả là một cái gì thực khó có thể diễn tả một cách dễ hiểu. Trong đời sống hằng ngày của chúng ta, có hàng ngàn lẻ một lý do ngăn cản chúng ta có kinh nghiệm trọn vẹn về những thái độ của chúng ta. Dường như kinh nghiệm được những thái độ đó một cách tự do và đầy đủ cũng rất nguy hiểm và tai hại nữa. Nhưng trong không khí an toàn và tự do của tương giao trị liệu, những thái độ đó có thể được và thường được kinh nghiệm một cách trọn vẹn đến mức tôi nghĩ nó giúp con người nhận rõ rằng lúc đó mình là sự lo sợ, sự giận dữ, sự trìu mến đang diễn ra trong chính mình.
Có lẽ để làm sáng tỏ thêm về điểm này, tôi xin ghi lại dưới đây trường hợp của một thân chủ. Đây là một sinh viên đã tốt nghiệp,từng khắc khoải rất nhiều về một cảm nghỉ mơ hồ trong anh. Anh đã dần dần nhận ra đó là một thứ tình cảm hoảng sợ – sợ thi rớt không lấy được bằng tiến sĩ (Ph.D.). Sau đây mời độc giả nghe đoạn băng ghi âm những lời đối thoại giữa nhà trị liệu và thân chủ trên.
Thân chủ: Hình như có hai cảm quan đang giằng co trong tôi. Như hai “cái tôi”. Một cái thì sợ sệt, một cái muốn bám giữ lấy mọi thứ, cái tôi đó, tôi đang cảm thấy nó rõ rệt lúc này. Ông biết không, tôi cần một cái gì để bám lấy – và tôi cảm thấy hơi sợ…
Nhà trị liệu: Ừ, ừ… có lẽ đó là cái anh có thể cảm thấy đúng trong phút này, cũng như đã cảm thấy từ trước đến giờ trong tương giao của chúng ta…
Thân chủ: Liệu ông không thể để cho tôi có được cái đó hay sao, vì tôi cần nó lắm. Nếu không có được thì chắc tôi cô đơn và kinh sợ lắm.
NTL: Ừ, để tôi cố bám lấy nó xem sao, vì nếu không được thì tôi cũng thấy sợ hãi kinh khủng. Cứ để tôi thử bám lấy nhé… (ngừng một lúc).
TC: Nó là một thứ, liệu ông không thể giúp tôi có được luận án hay văn bằng tiến sĩ hay sao… Tôi cần nó ghê lắm… Tôi muốn nói…
NTL: Cả hai cái trên cũng chỉ là một điều van xin thôi phải không? Hãy để cho tôi có cái đó vì tôi cần nó ghê lắm. Không có nó thì thật khủng khiếp cho tôi… (Ngừng một lúc lâu).
TC: Tôi có cảm giác… Tôi không thể tiến xa hơn nữa… dù sao đây chỉ là một đứa bé đang van nài… Dáng điệu van xin này như thế nào? (Anh chắp hai tay lại như lúc cầu nguyện)… Trông thế có nực cười không? Bởi vì…
NTL: Anh chắp tay lại như để van nài điều gì…
TC: Dạ đúng! Liệu ông có thể cho tôi cái đó không? Khủng khiếp quá… Ai? Tôi? Mà lại van xin à?…
Những câu đối thoại trích trên có lẽ phản ảnh một ít điều mà tôi đã nói ở trên về vấn đề kinh nghiệm tình cảm cho tới tận cùng. Ở đây, người thân chủ trên – trong một lúc – thấy mình chỉ còn là một cậu bé đang van xin, nài nỉ, thế thôi. Nhưng sau đó cậu đã lập tức tỉnh ngộ bằng cách tự hỏi: Ai? Tôi? mà lại đi van xin? Tuy nhiên kinh nghiệm van xin kia vẫn để dấu vết lại. Sau này cậu đã nói: “Phát hiện được những sự kiện mới lạ có trong tôi là điều kỳ thú. Mỗi lần nghĩ lại, tôi thấy ngạc nhiên vì cái cảm giác sợ hãi đó đã chất chứa trong tôi từ lâu”. Cậu nhận ra tình cảm đó đã sôi sục từ lâu, lúc này cậu sống sự lệ thuộc, và lúc đó cậu rất đỗi ngạc nhiên khi thấy mình như vậy.
Không phải chỉ có tình cảm lệ thuộc được phát hiện bằng cách trên. Người ta có thể khám phá những tình cảm khác như đau đớn, buồn rầu, ghen tị, giận dữ, ước muốn sâu xa, tự tin, kiêu hãnh, điệu đàng và cả tình yêu đang dâng hiến. Tóm lại, bất cứ xúc động nào của con người. Điều mà tôi đã dần dần học hỏi được từ những kinh nghiệm trên là cá nhân – trong lúc phát hiện tình cảm của mình như vậy – đã trở nên chính con người thực của mình. Qua trị liệu, khi một người được kinh nghiệm lại tất cả những xúc động của mình một cách có ý thức và cởi mở, người đó đã kinh nghiệm con người thực của mình với tất cả sự phong phú của nó, và trở nên đúng là mình.