VÀI CHIỀU HƯỚNG RÕ RỆT TRONG TRỊ LIỆU
LÀ SỨC SỐNG CỦA CHÍNH MÌNH, KINH NGHIỆM CỦA CHÍNH MÌNH
Sợi chỉ xuyên suốt phần nội dung bên trên của chương này là tâm lý trị liệu (ít nhất là thân chủ trọng tâm trị liệu) là một quá trình, qua đó người ta trở thành sức sống của mình – không tự lừa dối, không bóp méo. Như thế có nghĩa là gì?
Ở đây chúng ta đang nói đến một điều trên bình diện kinh nghiệm – một hiện tượng không dễ nói ra thành lời, và điều đó nếu chỉ hiểu trên bình diện ngôn ngữ, thì nó đã bị lệch lạc rồi. Có lẽ nếu chúng ta sử dụng nhiều cách thức mô tả, thì trong kinh nghiệm của độc giả như có tiếng chuông reo, dù là tiếng reo yếu ớt khiến người đó cảm thấy “Ồ, tôi biết rồi, theo kinh nghiệm của riêng tôi cũng có cái gì đó như ông nói”.
Trị liệu dường như là một sự trở lại với thứ kinh nghiệm thuộc giác quan và nội tạng. Trước khi được trị người bệnh có khuynh hướng tự hỏi: “Không biết người khác nghĩ là trong trường hợp này tôi nên làm gì?”, “Không biết cha mẹ hay nền văn hóa của tôi muốn tôi làm gì?”, “Tôi nghĩ mình phải làm gì nhỉ?” Như thế là người đó liên tiếp hành động theo một thể thức được áp đặt trên hành vi của mình. Điều đó không nhất thiết có nghĩa là người ấy luôn luôn hành động phù hợp với ý kiến của người khác. Thực ra anh ta có thể cố gắng hành động sao cho trái nghịch với sự mong muốn của người khác. Dầu sao anh ta cũng hành động tùy thuộc vào những điều mong muốn (thường là những mong muốn được nội tâm hóa) của người khác. Trong quá trình trị liệu, cá nhân đi tới chỗ tự hỏi, liên quan đến những lãnh vực mỗi lúc một mở rộng của môi trường sống của anh ta, “Tôi kinh nghiệm về điều này như thế nào?” “Điều này có nghĩa gì đối với tôi?”, “Nếu tôi xử sự theo cách nào đó, tôi tưởng tượng ý nghĩa mà hành động ấy sẽ có đối với tôi như thế nào?”, “Anh ta sẽ đi tới chỗ hành động trên căn bản gọi là hiện thực – một sự cân nhắc thực tế về những điều hài lòng và bất mãn mà bất cứ hành động nào sẽ đem lại cho anh ta. Có lẽ để giúp ích cho những người, như tôi, có khuynh hướng suy nghĩ bằng những từ ngữ cụ thể và với mục đích trị liệu, tôi nên tóm lược những ý tưởng này thành những sơ đồ diễn tả cái quá trình mà nhiều người bệnh trải qua. Đối với bệnh nhân này, nó có nghĩa là “Tôi vẫn tưởng là mình chỉ nên yêu mến cha mẹ thôi, nhưng tôi thấy là tôi kinh nghiệm cả yêu mến lẫn oán ghét cay đắng. Có lẽ tôi là con người được tự do kinh nghiệm cả yeấu mến lẫn oán ghét”. Đối với một bệnh nhân khác điều học hỏi là “Tôi vẫn nghĩ tôi chỉ là kẻ tồi tệ và vô tích sự. Bây giờ có lúc tôi thấy mình có nhiều giá trị, lúc khác lại thấy mình có ít giá trị và vô dụng. Có lẽ tôi là người có kinh nghiệm về những mức độ giá trị khác nhau”. Đối với người khác “Tôi đã có quan niệm là không ai có thể thật tình thương tôi vì tôi. Bây giờ tôi thấy sự thương yêu đầm ấm của người khác khá ái đối với người khác. Có lẽ tôi là con người như thế”. Lại còn người khác “Tôi đã được dạy bảo là không được thích thú chính mình – nhưng tôi tự quý trọng mình. Tôi có thể khóc thương tôi, nhưng tôi cũng có thể hưởng thụ được. Có lẽ tôi là một người rất phong phú mà tôi có thể ưa thích và cũng là người mà tôi cảm thấy buồn phiền”. Hay là, nêu ví dụ sau cùng về bà Oak “Tôi đã nghĩ rằng mình tồi tệ về phương diện sâu xa nào đó, rằng những yếu tố căn bản nhất trong tôi thật là ghê tởm và đáng sợ. Tôi không cảm thấy sự tồi tệ ấy, nhưng chỉ cảm thấy sự khao khát muốn sống và để người khác sống. Có lẽ tôi có thể là con người trong thâm tâm rất tích cực”.
Điều gì đã làm nảy nở ra cái phần tiếp theo những câu đầu của những lời phát biểu này? Đó là sự ý thức đạt được. Trong trị liệu người bệnh thêm vào kinh nghiệm thường tình, sự ý thức đầy đủ và không bị bóp méo về kinh nghiệm, nhờ ý thức được. Người ấy có thể ý thức điều thực cảm thụ chứ không phải là điều người ấy tự cho phép mình kinh nghiệm sau khi đã lọc kỹ qua lý trí của mình. Trong chiều hướng đó lần đầu tiên người ấy trở thành một cơ thể với tiềm năng trọn vẹn, với yếu tố dồi dào của ý thức thêm vào sắc thái căn bản của phản ứng giác quan và nội tạng. Người đó trở thành con người mà người ấy là, như lối nói quen thuộc của bệnh nhân khi được
điều trị. Lời đó hình như có nghĩa là cá nhân ấy trở thành – trong ý thức – điều mà người ấy là – trong kinh nghiệm. Nói khác đi người ấy là một cơ cấu toàn vẹn và sống tràn đầy.
Tôi có thể thấy phản ứng của một số độc giả “ông định nói rằng kết quả của sự trị liệu là người ta sẽ trở thành không gì khác hơn là một cơ cấu nhân sinh (human organism), một thú vật nhân tính (a human animal)? Ai sẽ kiểm soát nó? Ai sẽ xã hội hóa nó? Lúc đó liệu nó có quẳng hết mọi cấm đoán đi không? Có phải ông chỉ thả lỏng cho con thú, cho dục tính (the id) trong con người phải không? Câu trả lời thích đáng nhất cho những câu hỏi này sẽ là “Trong trị liệu cá nhân thực sự trở thành một cơ cấu nhân sinh với tất cả sự phong phú của nó. Người ấy thực tế có khả năng tự kiềm chế, và nhất thiết được xã hội hóa trong mọi khát vọng của mình. Không có dã thú nào trong con người. Chỉ có con người trong con người, và chúng ta có thể phóng thích nó”. Như vậy theo tôi, khám phá cơ bản của khoa tâm lý trị liệu, nếu những nhận xét của chúng ta có một giá trị nào đó, là chúng ta biết cộng thêm vào thứ kinh nghiệm giác quan và nội tạng đặc trưng của toàn thể thế giới loài vật, cái ý thức tự do và không méo mó mà chỉ con người mới có, thì chúng ta sẽ được một cơ cấu mang tính thực tiễn rất đẹp và rất xây dựng. Lúc đó chúng ta sẽ có một cơ cấu có ý thức về những đòi hỏi văn hóa cũng như về những nhu cầu sinh lý về thức ăn hay dục tính – nó cũng ý thức về ước muốn được liên hệ thân thiết cũng như ước muốn được phát huy nhân cách – nó cũng ý thức về sự trìu mến nhạy cảm và tế nhị đối với người khác cũng như sự thù địch đối với kẻ khác. Khi khả năng đặc thù của con người là ý thức, được hoạt động tự do và đầy đủ như vậy, chúng ta thấy không phải con thú mà chúng ta phải sợ, không phải con vật cần được kiểm soát, nhưng là một cơ cấu có thể thực hiện, qua khả năng phối trí kỳ diệu của hệ não, một thái độ quân bình thực tiễn, nâng cao giá trị bản thân và tha nhân; thái độ này là kết quả của tất cả những yếu tố được ý thức. Nói khác đi, khi con người không được đầy đủ là người – khi người ấy khước từ không nhận vào ý thức những sắc thái khác nhau của kinh nghiệm – thì ta có lý do để sợ anh ta và hành vi của anh ta, như hiện tình thế giới chứng minh. Nhưng khi anh ta là người một cách thật đầy đủ, khi anh ta là cơ cấu toàn vẹn của mình, khi sự ý thức về kinh nghiệm, cái đặc tính chỉ có nơi con người, được hoạt động triệt để, thì anh ta đáng tin cậy, và hành vi của anh ta là xây dựng. Nó sẽ không luôn luôn phù hợp với lề lối chung. Nó sẽ được cá nhân hóa. Nhưng nó cũng sẽ được xã hội hóa.