THÂN CHỦ TRỌNG TÂM TRỊ LIỆU VỚI ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH
LỘ TÌNH CẢM RA NHIỀU HƠN
Trước hết theo kinh nghiệm của chúng tôi thì thân chủ chúng tôi dần dần biểu lộ những tình cảm thực của mình cho các người trong gia đình cũng như những người khác thấy. Điều này đúng đối với những tình cảm gọi là tiêu cực – thù hận, nóng giận, tủi hổ, ghen tuông, ghét bỏ, khó chịu v.v…- cũng như những tình cảm gọi là tích cực – âu yếm, ngưỡng mộ, ưa thích, yêu thương. Làm như thân chủ trong trị liệu thấy rằng có thể gỡ tấm mặt nạ mà anh ta đang đeo, và trở thành thực sự chính mình. Ông chồng thấy mình trở nên nóng giận ghê gớm với bà vợ, và để lộ sự cuồng nộ này vào những trường hợp mà trước đây ông ta đã giữ – hay nghĩ là mình đã giữ một thái độ khách quan trước hành vi của bà. Dường như tấm họa đồ về sự biểu lộ tình cảm, phù hợp hơn với lãnh địa kinh nghiệm xúc động thực sự. Cha mẹ và con cái, vợ chồng, đi gần tới chỗ diễn đạt những tình cảm thực sự có trong họ, thay vì che dấu người khác, hoặc chính mình.
Có thể cần tới một hay ví dụ để làm sáng tỏ điểm này. Một người vợ trẻ, bà M., đến xin hướng dẫn. Bà ta phàn nàn Bill, chồng bà có vẻ lạnh lùng và dè dặt quá đáng với bà, rằng ông ta không nói hay không chia sẻ suy tư của ông với bà, xem thường bà, hai người không hợp nhau về tình dục và mau chóng trở nên xa cách. Trong lúc bà diễn tả thái độ của mình, thì bức tranh hoàn toàn đổi khác. Bà bộc lộ một mặc cảm tội lỗi khi nhìn lại cuộc đời mình trước ngày đám cưới. Khi bà bồ bịch với một số nam giới, phần lớn đã có vợ rồi. Bà nhận ra rằng đối với mọi người bà là một người đon đả, vui vẻ, còn đối với chồng thì lại cứng ngắt, e dè, thiếu tự nhiên. Bà cũng thấy mình đòi hỏi người chồng phải như bà mong muốn. Tới đó thì cuộc hướng dẫn bị gián đoạn vì nhà hướng dẫn vắng mặt khỏi thành phố. Bà ta tiếp tục viết thư cho nhà hướng dẫn nói về những cảm nghĩ của mình, bà viết: “Nếu tôi dám nói với ảnh (chồng bà) những điều này thì tôi có thể là
chính tôi khi ở nhà. Nhưng liệu điều này có tác động gì tới lòng tin người nơi ảnh không? Nếu ông là chồng tôi và biết được sự thật, ông thấy có tởm không? Tôi muốn được là một “cô gái đáng yêu” chứ không phải là một “con nhỏ cù lần” nên mới ra nông nổi này”. Sau thư này, bà gửi tiếp một thư khác lẽ ra phải trích thật dài mới đúng. Bà kể lại bà đã rất bực tức – rất khó chịu một buổi tối khi bạn bè ghé nhà. Sau khi họ ra về “Tôi cảm thấy hèn mạt vì đã hành động như vậy… Tôi vẫn còn cảm thấy buồn phiền, tội lỗi, tức giận về tôi và Bill – và vẫn còn rầu rĩ như lúc họ kéo đến”.
“Thế là tôi quyết định làm cái việc mà tôi rất muốn làm nhưng trì hoãn mãi vì tôi cảm thấy không thể trông mong gì nơi bất kỳ người đàn ông nào – nói cho Bill biết điều gì khiến tôi hành động cách đáng ghét đó. Nói cho anh ấy nghe còn khó hơn là nói với ông – nói với ông cũng khó khăn lắm. Tôi không thể kể lại từng chi tiết tỉ mỉ nhưng tôi đã tìm cách nói ra những cảm nghĩ ti tiện về cha mẹ tôi và nói nhiều hơn nữa về những thằng đàn ông “mắc dịch” ấy. Điều tử tế nhất mà tôi được nghe ảnh nói là: “Được, có lẽ anh có thể giúp em về việc này” – khi nói về cha mẹ tôi. Và anh chấp nhận cả những việc tôi đã làm. Tôi nói với anh là tôi đã cảm thấy không ổn thỏa trong nhiều trường hợp. Có nhiều điều tôi không được phép làm – ngay cả biết chơi bài nữa. Chúng tôi nói chuyện, bàn luận và đi sâu vào nhiều tình cảm của cả hai người. Tôi không nói hết về những thằng đàn ông – không nói tên chúng, nhưng tôi có gợi ý cho anh biết độ chừng bao nhiêu tên. Anh tỏ ra hiểu biết và vấn đề sáng tỏ đến nỗi TÔI TIN ANH. Tôi cũng không ngần ngại nói cho anh nghe về những tình cảm nhỏ phi lý, điên khùng còn đang ám ảnh đầu óc tôi. Và nếu như tôi không sợ, có lẽ chẳng bao lâu nữa những điều điên rồ này không còn ám ảnh nữa. Buổi tối trước đây, khi tôi viết cho ông, tôi còn tính bỏ chạy – Tôi nghĩ tới việc rời bỏ thành phố. (Chạy trốn toàn thể vấn đề). Nhưng tôi nhận thấy là như vậy mình tiếp tục chạy trốn và sẽ không hạnh phúc cho tới khi trực diện với nó. Chúng tôi bàn về con cái và mặc dù chúng tôi đã quyết định đợi tới khi Bill gần học xong đã, tôi sung sướng với sự sắp xếp này. Bill cũng nghĩ như tôi về những điều chúng tôi muốn làm cho các con – và quan trọng nhất là những điều chúng tôi không muốn làm cho chúng. Như vậy nếu ông không còn nhận được những bức thư có giọng tuyệt vọng nữa thì ông biết rằng mọi việc đều êm xuôi đều tốt đẹp như lòng mong muốn.
“Bây giờ tôi tự hỏi – không biết suốt thời gian qua ông có nghĩ rằng đó là điều duy nhất mà tôi có thể làm để đưa Bill và tôi lại gần nhau hơn không? Đó là cái điều mà tôi cứ tự nói với mình là không tốt cho Bill. Tôi nghĩ nó sẽ khiến anh ta mất hết niềm tin ở tôi và ở mọi người. Tôi thấy có một bức rào to lớn giữa Bill và tôi, đến nỗi tôi thấy anh hầu như là một người xa lạ. Cách duy nhất khiến tôi tự ép mình phải có hành động, là nhận thấy rằng nếu tôi không thử xem phản ứng của anh đối với những việc gây phiền hà cho tôi, thì thật là bất công đối với anh – bỏ mặc anh ấy, không cho cơ hội để chứng minh rằng anh là người khả tín. Anh ấy còn tỏ ra thông cảm hơn thế nữa – anh cũng bị ray rứt về tình cảm – đối với cha mẹ anh, và nhiều người khác nói chung”. Tôi nghĩ rằng bức thư này không cần có lời bàn. Đối với tôi nó có nghĩa là: bởi vì trong trị liệu bà cảm thấy mãn nguyện được là chính mình, được nói lên những tình cảm sâu xa của mình, thì bà không còn cách xử trí khác với chồng nữa. Bà thấy là mình phải là chính mình và phải diễn đạt những tình cảm sâu thẳm nhất của mình, ngay cả khi điều đó có thể gây đổ vỡ trong hôn nhân.
Một yếu tố khác trong kinh nghiệm của thân chủ chúng tôi là một điều khá tinh tế. Họ thấy rằng, như trong trường hợp này, bộc lộ tình cảm là một việc thoải mái sâu xa, trong khi trước đó hầu
như chỉ có tính cách phá hoại và gây tai họa. Sự khác nhau là do sự kiện này. Khi một người sống đằng sau một mặt nạ thì những tình cảm không được thổ lộ của anh ta chồng chất lên tới mức phát nổ, chỉ cần một biến cố đặc biệt bóp cò là nổ liền. Nhưng những tình cảm xâm chiếm cả người và được bộc lộ vào lúc đó – thành cơn giận, thành cơn buồn, thành cơ tủi cực, và những gì tương tự – thường gây ảnh hưởng bất hạnh cho những người liên hệ, bởi vì những cơn ấy không tương xứng với trường hợp đặc biệt đó, vì thế xem ra vô lý. Sự phát khùng về một điều bực bội trong giao tế, có thể thực sự là những tình cảm bị dồn nén và chối bỏ, tích tụ từ mấy chục hoàn cảnh như vậy. Nhưng đặt vào bối cảnh bộc phát của nó thì thấy là vô lý, do đó không sao hiểu nổi.
Ở đây trị liệu có thể giúp bẻ gãy cái vòng lẩn quẩn. Vì thân chủ có thể trút ra, trong những cơn quằn quại, phẫn nộ hay tuyệt vọng, những xúc động mà anh ta cảm thấy, và vì anh ta nhận những tình cảm này là của mình, nên chúng mất đi sức nổ. Do đó anh ta có khả năng hơn để biểu lộ, trong bất kỳ mối liên hệ gia đình riêng biệt nào đó, những tình cảm phát xuất từ mối liên hệ này. Vì những tình cảm này không còn tải theo trọng lượng quá nặng từ quá khứ, nên chúng thích hợp hơn, và xem chừng như dễ hiểu hơn. Dần dần cá nhân ấy biểu lộ tình cảm của mình khi nó xảy ra, chứ không đợi tới về sau, khi chúng đã nung nấu và cháy âm ỉ trong mình.