VÀI VẤN ĐỀ CÓ TÍNH KẾT LUẬN

Một phần của tài liệu Tiến trình thành nhân doc (Trang 118 - 120)

TRONG TRỊ LIỆU VÀ TRONG GIÁO DỤC

VÀI VẤN ĐỀ CÓ TÍNH KẾT LUẬN

Tôi đã cố gắng phác họa một nền giáo dục mang ý nghĩa mà chúng ta đã học được trong lãnh vực tâm lý trị liệu. Tôi cũng đã cố gắng một cách rất vắn tắt nói lên nó có nghĩa gì nếu tiêu điểm của cố gắng nơi ông thầy là tạo nên một mối quan hệ, một bầu không khí thuận lợi cho việc học tập có ý nghĩa, do chính mình phát động và thực hiện bản ngã của mình. Nhung cái hướng này lại xa vời đối với những tập tục giáo dục và những chiều hướng giáo dục hiện hành. Tôi xin phép đề cập tới những vấn đề và những câu hỏi rất khác mà chúng ta phải đối phó nếu chúng ta suy nghĩ một cách xây dựng về một phương pháp như vậy.

Trước hết chúng ta phải quan niệm những mục tiêu giáo dục như thế nào? Thể thức giáo dục mà tôi phác họa, tôi tin là có những ưu điểm để đạt được những mục tiêu nào đó, nhưng lại không giúp đạt những mục tiêu khác. Chúng ta cần phải rõ ràng về cách mà chúng ta nhìn những mục tiêu giáo dục.

Đâu là những kết quả thực của nền giáo dục mà tôi mô tả? Chúng ta còn cần nhiều công trình nghiên cứu chặt chẽ và vô tư để biết những kết quả thực sự của loại giáo dục này so với giáo dục thông thường. Khi đó chúng ta có thể lựa chọn trên căn bản sự kiện.

Ngay khi chúng ta phải thử nghiệm cái phương thức làm cho việc học được dễ dàng, cũng có nhiều vấn đề khó khăn. Liệu chúng ta có thể cho sinh viên đương đầu với những vấn đề thực tế không? Nền văn hóa của chúng ta qua phong tục, qua pháp luật, qua những cố gắng của các nghiệp đoàn lao động và quản trị, qua những thái độ của phụ huynh và giáo giới đã đi sâu vào việc giữ gìn không để cho giới trẻ va chạm tới những vấn đề thực tế. Họ không phải làm việc, họ không nên lãnh trách nhiệm. Họ không phải liên can tới những vấn đề chính trị hay công dân, họ không có chỗ trong những mối quan tâm quốc tế, họ đơn giản bị gìn giữ không được trực tiếp, tiếp xúc với những vấn đề thực tế liên quan đến đời sống cá nhân và tập thể. Người ta không chờ họ giúp đỡ công việc nhà, mưu sinh, đóng góp cho khoa học và giải quyết những vấn đề luân lý. Đây là một trào lưu bắt rễ sâu rồi, đã tồn tại từ bao thế hệ. Liệu có thể đảo ngược nó hay không? Một vấn đề khác là liệu chúng ta có để cho kiến thức được tổ chức trong và bởi một cá nhân, hay phải tổ chức cho cá nhân. Ở đây giáo giới và các nhà giáo dục liên kết với phụ huynh và các lãnh tụ quốc gia nhấn mạnh rằng học sinh phải được hướng dẫn. Nó phải được dạy những kiến thức mà chúng ta sắp xếp cho nó. Nó không thể được tín nhiệm để sắp xếp kiến thức phù hợp với chức năng của nó. Như Herbert Hoover nói về học sinh trung học: “đơn thuần chúng ta không thể trông chờ những đứa trẻ vào những tuổi ấy có thể quyết định thứ giáo dục chúng cần, trừ khi chúng được một sự hướng dẫn nào đó”. Điều này có vẻ hiển nhiên với hầu hết mọi người, đến nỗi chỉ việc đặt câu hỏi về vấn đề này đã bị coi như là mất thăng bằng. Ngay một vị chưởng ấn của một viện đại học đặt vấn đề là liệu sự tự do có thực sự cần thiết trong giáo dục hay không, và nói rằng có lẽ chúng ta đã quá đề cao sự tự do.

Một vấn đề nữa là liệu chúng ta có muốn chống lại cái trào lưu mạnh mẽ hiện hành coi giáo dục là sự tập dượt để thuộc kiến thức về sự kiện. Tất cả phải học cùng những sự kiện theo cùng một thể thức. Đô đốc Rickover khẳng định như một niềm tin của ông rằng: “theo thể thức nào đó chúng ta phải nghĩ ra phương pháp để đưa vào giáo dục Hoa Kỳ những định chuẩn đồng bộ… Lần đầu tiên cha mẹ có cây thước thật để đo những trường của họ. Nếu trường địa phương tiếp tục dạy những môn học thích thú về thích nghi với đời… thay vì dạy pháp ngữ và vật lý, thì bằng cấp của trường ấy ai cũng thấy là kém giá trị”. Đây là câu khẳng định thuộc khuynh hướng rất

thắng thế. Ngay cả một thân hữu của những quan niệm tiến bộ trong giáo dục như Max Lerner cũng có lúc nói: “Tất cả điều mà một trường có thể hy vọng là trang bị cho học sinh với những dụng cụ mà về sau chúng có thể dùng trở nên một người có giáo dục”. Rõ ràng là ông thất vọng về một nền học vấn có ý nghĩa có thể diễn ra trong hệ thống giáo dục của chúng ta, và cảm thấy rằng nó phải diễn ra ở bên ngoài. Tất cả công việc mà trường học có thể làm là rèn đúc dụng cụ. Một trong những phương pháp ít vất vả nhất để in sâu kiến thức dụng cụ thuộc sự kiện là loại “máy dạy học” đang được B.F, Skinner và những cộng sự viên của ông sáng chế. Nhóm này đang chứng minh thầy giáo là thứ công cụ lỗi thời và không hữu hiệu để dạy toán học, lượng giác, pháp văn, giảng văn, địa lý và những môn học khác. Trong óc tôi không có một mảy may nghi ngờ rằng những chiếc máy này, cho ngay những phần thưởng cho những câu trả lời “đúng”, cần được phát triển thêm nữa và cần được sử dụng rộng rãi. Đây là một sự đóng góp mới của nó có thay thế cho phương pháp mà tôi mô tả, hay nó sẽ bổ sung cho phương pháp ấy? Đây là một trong những vấn đề chúng ta phải cứu xét khi chúng ta hướng về tương lai.

Tôi hy vọng rằng bằng cách đặt những vấn đề này ra, tôi đã làm sáng tỏ câu hỏi hai nòng: điều gì tạo được sự học hỏi có ý nghĩa và phải đạt được nó như thế nào, nó đặt ra những vấn đề sâu xa và nghiêm trọng cho mọi người chúng ta. Không còn là lúc mà những câu trả lời rụt rè có thể đủ nữa. Tôi đã cố gắng đưa ra một định nghĩa của một nền học hỏi có ý nghĩa như thấy trong tâm lý trị liệu, và mô tả những điều kiện trợ lực cho một nền học như vậy. Tôi đã cố gắng nêu lên sự ứng dụng của những điều kiện ấy đối với giáo dục. Nói cách khác, tôi đã đề nghị một câu trả lời cho những câu hỏi này. Có lẽ chúng ta có thể sử dụng những điều tôi đã nói để đối kháng với những bức màn của dư luận và kiến thức hiện hành của khoa học hành vi, như một điểm để tìm ra một câu trả lời riêng cho chúng ta.

Chương 11:

Một phần của tài liệu Tiến trình thành nhân doc (Trang 118 - 120)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(152 trang)
w