NHỮNG HIỂU BIẾT KHÁCH QUAN

Một phần của tài liệu Tiến trình thành nhân doc (Trang 41 - 42)

DƯỚI KHÍA CẠNH KHÁCH QUAN VÀ CHỦ QUAN?

NHỮNG HIỂU BIẾT KHÁCH QUAN

Ngay phần đầu của bài nói chuyện này, tôi muốn tóm tắt những gì tôi biết về các điều kiện đã giúp cho sự trưởng thành tâm lý được dễ dàng, và những gì tôi biết về diễn trình và các đặc tính của sự trưởng thành này. Tôi xin giải thích rõ, tôi muốn nói gì, khi tôi nói rằng tôi sẽ tóm tắt những điều tôi “biết”. Tôi có ý nói, tôi sẽ giới hạn những lời phát biểu của tôi trong những điều tôi đã có bằng chứng thực nghiệm khách quan. Chẳng hạn, tôi sẽ nói về các điều kiện của sự trưởng thành tâm lý. Sau mỗi nhận xét tôi có thể kể một hoặc hai khảo cứu, trong đó, người ta nhận thấy cá nhân đã không thay đổi khi thiếu chúng, hoặc chúng chỉ có một quá mức thấp. Như một nhà nghiên cứu tuyên bố, điều chúng tôi đã thực hiện được là tìm ra những yếu tố đầu tiên tạo nên sự thay đổi, giúp cho việc cải thiện nhân cách và hành vi được dễ dàng, theo chiều hướng phát triển con người. Có lẽ, tôi phải thêm rằng, sự hiểu biết này, cũng như mọi kiến thức khoa học khác, chỉ có tính cách thí nghiệm, chắc chắn là không đầy đủ, và phải được sửa đổi, được đính chính lại từng phần, được bổ túc bằng những công việc cục nhọc khác trong tương lai. Tuy nhiên chẳng có một lý do nào để phải biện hộ cho cái kiến thức tuy nhỏ, nhưng rất dầy công thu lượm, mà chúng tôi hiện có.

Tôi muốn chia sẻ kiến thức chúng tôi đã thâu thập được này, thật vắn tắt, rõ ràng, và bằng một ngôn ngữ thường ngày. Người ta nhận thấy rằng cá nhân sẽ thay đổi dễ dàng khi người trị liệu hiện ra bên ngoài y như bên trong khi trong mối tương giao với thân chủ, người trị liệu hết sức chân thật, không làm bộ, hoặc đeo mặt nạ, sống công khai những cảm quan, thái độ đang diễn ra ở trong mình ngay lúc ấy. Chúng tôi đã dùng tiếng “congruence” để cố gắng mô tả điều kiện này. Dùng tiếng này, chúng tôi có ý muốn nói rằng các cảm quan mà người trị liệu đang kinh nghiệm đều sáng tỏ đối với mình, đối với ý thức của mình, người trị liệu có thể sống các cảm quan đó, là các cảm quan đó, và có thể truyền thông các cảm quan đó nếu thích hợp. Không một ai thực hiện được đầy đủ điều kiện này, nhưng người trị liệu càng có thể lắng nghe và chấp nhận điều gì đang diễn ra trong chính mình, càng có thể sống tất cả những cảm quan phức tạp của mình, không sợ hãi, thì người ấy càng “congruence” cao độ.

Một trong các điều làm cho chúng ta không ưa những buổi phát thanh và phát hình thương mại là do giọng nói của xướng ngôn viên, do người đó đóng một vai trò, đang nói những điều mình không cảm thấy. Đó là một ví dụ về sự không trung thực (“incongruence”).

Mặt khác, chúng ta biết, những người chúng ta tin cậy được phần nào, là những người chúng ta cảm thấy họ đang thành thật, chúng ta đang giao tiếp với chính con người của họ, chứ không phải với một cái bề ngoài lễ độ hay nghề nghiệp. Chính đặc tính mà chúng ta cảm được này, các cuộc khảo cứu đã nhận thấy nó gắn liền với việc trị liệu có hiệu quả. Người trị liệu càng chân thật, càng hợp nhất trong tương giao, thì càng có nhiều phần chắc là sự thay đổi về nhân cách của thân chủ sẽ xảy ra.

Bây giờ đến điều kiện thứ hai. Khi người trị liệu kinh nghiệm được thái độ nồng nhiệt, tích cực, và chấp nhận, đối với những gì trong con người của thân chủ, thì thái độ này sẽ tạo ra sự thay đổi. Điều này hàm ý là người trị liệu chân thành mong muốn thân chủ sống bất cứ một cảm quan nào đang diễn ra trong lòng thân chủ lúc đó. Sợ hãi, bối rối, đau đớn, kiêu hãnh, giận dữ, thù ghét, yêu thương, can đảm, hay kinh hoàng. Có nghĩa là người trị liệu quan tâm đến thân chủ, theo cách không chiếm hữu. Có nghĩa là người trị liệu tôn trọng thân chủ một cách toàn diện, không có điều kiện. Qua điều này, tôi có ý nói người trị liệu không chỉ chấp nhận thân chủ khi thân chủ hành động cách này, và không chấp nhận khi thân chủ hành động cách kia. Nó có nghĩa là một tình cảm tích cực, không dè dặt, không phê phán. Từ ngữ tôi thường dùng để chỉ điều này là một sự “tôn trọng tích cực”, vô điều kiện. Các công trình khảo cứu cũng chứng tỏ rằng người trị liệu càng kinh nghiệm được thái độ trên, thì sự trị liệu càng dễ thành công.

Điều kiện thứ ba chúng tôi gọi là sự cảm thông trọn vẹn. Khi người trị liệu cảm các cảm quan và ý nghĩa cá nhân mà thân chủ đang kinh nghiệm trong mỗi lúc, khi người trị liệu có thể tri giác chúng từ “bên trong”, như thân chủ tri giác, và khi người ấy có thể thông đạt những điều mình cảm thông đó cho thân chủ, thì điều kiện thứ ba được thỏa mãn. Tôi nghĩ, mỗi người trong chúng ta đều thấy rằng loại cảm thông trên hết sức hiếm hoi. Chúng ta chẳng nhận được mà cũng chẳng cảm thông một cách hoàn toàn khác hẳn. “Tôi hiểu điều gì không tốt đã xảy đến cho bạn.”, “Tôi hiểu cái gì đã làm cho bạn hành động cách đó”, hoặc “Tôi cũng đã kinh nghiệm sự bối rối của bạn và tôi phản ứng hoàn toàn khác hẳn”, đó là những loại cảm thông mà chúng ta thường cho và nhận, một loại cảm thông có tính cách thẩm định, phê phán từ bên ngoài. Nhưng khi có người hiểu được tôi và cảm thấy như thế nào, mà không muốn phân tích tôi, hoặc phê phán tôi, thì tôi có thể triển nở và trưởng thành trong không khí đó. Công cuộc khảo cứu cũng xác nhận nhân xét chung này.

Khi người trị liệu có thể nắm được kinh nghiệm từng phút, từng phút, đang diễn ra trong thế giới nội tâm của thân chủ y như thân chủ thấy và cảm kinh nghiệm đó, mà không để mất chính mình trong diễn trình cảm thông ấy, thì sự thay đổi thế nào cũng xảy ra.

Các cuộc nghiên cứu nhiều thân chủ khác đều chứng tỏ rằng, khi người trị liệu có đủ ba điều kiện trên, và khi thân chủ tri giác được chúng tới một mức độ nào đó, thì thân chủ thấy mình đau đớn, nhưng nhất định là học hỏi được nhiều và trưởng thành, và cả thân chủ lẫn người trị liệu đều coi kết quả là một sự thành công. Theo các nghiên cứu của chúng tôi thì dường như chính những thái độ như thế, hơn là kiến thức, kỹ thuật, và sự khéo léo của người trị liệu, chịu trách nhiệm trước hết về sự thay đổi trong việc trị liệu.

Một phần của tài liệu Tiến trình thành nhân doc (Trang 41 - 42)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(152 trang)
w