SỰ ƯA THÍCH BẢN NGÃ

Một phần của tài liệu Tiến trình thành nhân doc (Trang 57 - 59)

VÀI CHIỀU HƯỚNG RÕ RỆT TRONG TRỊ LIỆU

SỰ ƯA THÍCH BẢN NGÃ

Trong nhiều bài viết và bài nghiên cứu đã được xuất bản liên quan tới thân chủ trọng tâm trị liệu có sự nhấn mạnh đến việc hội nhập bản ngã như một trong những hướng tiến tới và kết quả của việc trị liệu. Chúng ta đã xác định được sự kiện là khi tâm trị liệu thành công, những thái độ tiêu cực về bản thân giảm sút và những thái độ tích cực gia tăng. Chúng ta đã đo lường được sự gia tăng từng bước trong việc chấp nhận bản ngã và nghiên cứu sự gia tăng tương quan trong việc chấp nhận người khác. Nhưng trong khi tôi xem xét lại những lời khẳng định này và so sánh chúng với những ca gần đây, tôi cảm thấy chúng quá yếu đối với sự thật. Người bệnh không những chấp nhận chính mình – câu nói này có thể hàm chứa một sự chấp nhận ngại ngùng và miễn cưỡng điều không tránh được – sự thực là người đó đi tới yêu thích chính mình. Đây không phải loại ưa thích khoác lác và tự mãn, mà là một thú vị âm thầm được là mình.

Bà Oak làm nổi bật cái chiều hướng này một cách khả ái trong cuộc nói chuyện thứ 33. Cuộc phỏng vấn này xảy ra mười ngày sau cuộc phỏng vấn mà lần đầu tiên bà nhận với chính bà rằng người điều trị quan tâm đến mình. Đoạn trích này nói lên khá linh động niềm vui âm thầm được là chính mình, với thái độ như cáo lỗi, mà trong văn hóa của chúng ta, người ta cảm thấy cần phải có đối với loại kinh nghiệm đó. Trong ít phút cuối cùng của cuộc phỏng vấn, biết là sắp hết giờ của mình rồi bà nói:

BN: “Một điều làm tôi băn khoăn – và tôi sẽ nói nhanh bởi vì tôi có thể trở lại vấn đề này lần khác – một cảm giác mà đôi lúc tôi không xua đi được. Cảm thấy mãn nguyện lắm với chính mình. Trở lại kỹ thuật Q (8). Có lần tôi ở đây bước ra và như bị thôi thúc, tôi đặt tấm phiếu đầu lên “ Tôi có một nhân cách hấp dẫn”, nhìn nó tôi ngỡ ngàng nhưng cứ để nó ở đó, bởi vì tôi thành thật cảm thấy thế – và điều đó làm tôi bực bội và bây giờ thì tôi hiểu. Đôi khi có một cảm giác khoan khoái không có gì hơn được – Nhưng đó chỉ là – tôi không biết có phải là một thứ mãn nguyện không. Một lối rẽ ngang rõ rệt và điều đó làm tôi băn khoăn. Thế nhưng – Tôi ngạc nhiên – tôi ít khi nhớ lại những điều tôi nói ở đây. Tôi có ý nói là tôi tự hỏi tại sao đó lại là điều tôi xác tín. Tôi cảm thấy bị thương tổn khi tôi nghe có người nói với đứa trẻ “Đừng khóc”. Tôi có ý nói là tôi luôn luôn cảm thấy rằng như thế là không đúng; tôi thấy là nếu nó đau thì cứ để nó khóc. Và bây giờ đến cái cảm giác thú vị mà tôi có. Gần đây tôi đi tới chỗ cảm thấy – cũng có

cảm giác gần như vậy. Chúng ta không phản đối khi con trẻ cảm thấy khoan khoái – Tôi thấy ở đây không có gì là kiêu căng – Có lẽ đây là cách mà mọi người nên cảm thấy.”

NTL: “Hầu như bà có khuynh hướng nghi ngờ mình về cảm tưởng này, và nếu như bà cứ tiếp tục suy nghĩ, có thể sẽ đi đến hai mặt của một tấm ảnh, là nếu đứa trẻ muốn khóc, sao nó lại không nên khóc? Và nếu nó muốn cảm thấy mãn nguyện với chính nó, thì nó không có toàn quyền cảm thấy mãn nguyện sao? Và điều có liên hệ với vấn đề này, điều tôi thấy, là có sự đánh giá cao về chính mình mà nhiều lần bà đã kinh nghiệm.”

BN: “Có vậy.”

NTL: “Tôi thực sự thấy mình là một người phong phú và ý vị”.

BN: “Gần như thế. Và rồi tôi nói với chính mình “Xã hội chúng ta đẩy chúng ta chạy vòng tròn và chúng ta lạc lối”. Và tôi tiếp tục trở lại với những cảm tưởng của tôi về trẻ nhỏ. Vâng, có thể là chúng phong phú hơn chúng ta. Có thể là chúng ta đã mất mát trong quá trình trưởng thành.” NTL: “Có thể là chúng có sự khôn ngoan hiểu biết mà chúng ta đã mất.”

BN: “Đúng thế. Hết giờ của tôi rồi.”

Ở đây, cũng như đối với nhiều bệnh nhân khác, bà muốn tự biện hộ khi nhận định ra là mình đã đi đến chỗ yêu mến, thích thú và trân trọng bản thân mình. Người ta có cảm tưởng như đó là một sự vui thích thoải mái và hồn nhiên, một thứ vui sống nguyên thủy có lẽ tương tự như con cừu tung tăng trên đồng cỏ, như loài cá duyên dáng bay lên lặn xuống trong những làn sóng. Bà Oak cảm thấy đó là một điều bẩm sinh đối với cơ thể hài nhi, một điều chúng ta đã đánh mất trong quá trình trưởng thành.

Từ lúc đầu trong trường hợp này người ta đã thấy có gì báo hiệu tình cảm này, có một đoạn có lẽ làm sáng tỏ bản chất nền tảng của nó. Trong cuộc phỏng vấn thứ 9, bà Oak một cách lúng túng biểu lộ một cái gì đó bà luôn luôn giữ kín cho mình. Ta thấy bà tiết lộ một cách khó khăn vì bà ngừng lại rất lâu trước khi lên tiếng.

BN: “Ông biết rằng như vậy là ngu, nhưng tôi chưa bao giờ nói với ai điều này (cười luống cuống) và chắc là nói ra thì tốt cho tôi. Đã nhiều năm, ồ, có lẽ từ hồi còn niên thiếu, từ mười bảy tuổi đến nay tôi đã có cái mà tôi đặt tên lấy là “những tia lóe của sự lành mạnh”. Tôi chưa nói cho ai biết điều này (lại bối rối cười) trong những thoáng ấy tôi thực sự đã đi lạc và đi xa tới mức nào rồi. Đó chính là cái cảm giác đôi lúc thấy mình là một con người đồng nhất sống trong một thế giới hỗn độn kinh khủng.”

NTL: “Chỉ là thoảng qua và ít khi, nhưng có những lần mà bà thấy hình như toàn thể con người bà hành động và cảm xúc trong một thế giới hỗn độn.”

BN: “Đúng vậy. Và tôi biết rằng chúng ta đã thực sự đi lạc quá xa con đường trở thành lành mạnh. Và dĩ nhiên người ta không dùng những từ này.”

NTL: “Cảm giác là không an toàn khi nói đến con người đang ca hát của bà” (9)

BN: “Người đó sống ở đâu?”

NTL: “Hầu như không có chỗ nào cho thứ người ấy sống cả.”

BN: “Lẽ dĩ nhiên, ông biết, đó là lý do khiến cho tôi – xin đợi một chút- khiến tôi ở đây đặc biệt chú trọng đến cảm xúc. Có lẽ là tại thế.”

NTL: “Bởi vì toàn thể con người bà chỉ hiện hữu với tất cả tình cảm của bà. Phải chăng vì thế mà bà ý thức nhiều về các mối cảm xúc?”

BN: “Thật thế. Nó không, nó không chối bỏ cảm xúc, đúng vậy.”

NTL: “Toàn thể con người bà sống mọi cảm xúc thay bì gạt chúng sang một bên.”

BN: “Đúng thế” (ngừng) “Tôi cho rằng về phương diện thực tế có thể nói rằng điều tôi phải thực hiện là giải quyết một vài vấn đề, những vấn đề từng ngày. Ấy vậy mà tôi lại đi cố gắng giải quyết, giải quyết cái gì khác thật lớn lao, trọng đại hơn những vấn đề nhỏ mọn từng ngày. Có lẽ điều đó tóm tắt được toàn thể sự việc.”

NTL: “Tôi không biết nói thế này có sai với ý bà không, là theo quan điểm cố hữu của bà thì bà phải để thời giờ suy nghĩ về những vấn đề đặc biệt. Nhưng bà băn khoăn là làm như thế có thể bà không đi tìm kiếm toàn thể con người bà và có thể điều này còn quan trọng hơn việc giải quyết những vấn đề hàng ngày.”

BN: “Tôi nghĩ chính là như thế. Chính thế đấy. Đúng với điều tôi muốn nói.”

Nếu chúng ta có lý khi gộp hai thứ kinh nghiệm lại với nhau, và chúng ta có lý khi coi chúng là đặc thù, thì chúng ta có thế nói là cả hai trường hợp trong trị liệu cũng như trong kinh nghiệm thoảng qua trong thời gian trước đó của bà, bà đã từng hưởng được một sự trân trọng thích thú, lành mạnh và mãn nguyện với chính bản thân bà như một con người linh động và toàn vẹn, và kinh nghiệm này xảy đến khi bà không gạt bỏ cảm xúc của mình mà sống với chúng.

Tôi thấy đây là một sự thực quan trọng và thường bị lãng quên trong tiến trình trị liệu. Nó hữu hiệu trong chiều hướng cho phép người bệnh cảm thấy trọn vẹn, và ý thức được tất cả phản ứng của y kể cả những tình cảm và xúc động. Trong lúc xảy ra như vậy, cá nhân cảm thấy một sự yêu thích tích cực đối với chính mình, một sự trân trọng thành thật với bản thân như một đơn vị hoạt động toàn vẹn, đó là một kết quả quan trọng trong việc trị liệu.

Một phần của tài liệu Tiến trình thành nhân doc (Trang 57 - 59)