Phần 1 Mở đầu
2.2. Cơ sở thực tiễn
2.2.2. Kinh nghiệm nâng cao chất lượng cán bộ công chức ở Việt Nam
2.2.2.1. Kinh nghiệm của huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa
Lang Chánh là huyện miền núi đặc biệt khó khăn, nằm ở phía tây của tỉnh Thanh Hóa, có hơn 7km đường biên giới giáp với nước bạn Lào. Huyện có 11 xã, thị trấn; 33 đảng bộ, chi bộ trực thuộc với 3.184 đảng viên.
Thực hiện các nghị quyết của Trung ương về xây dựng đội ngũ cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước và Nghị quyết số 04 -NQ/TU ngày 12-3-2012 của Tỉnh ủy Thanh Hóa (khoá XVII) về "Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ và đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ đáp ứng yêu cầu Thanh Hóa thành tỉnh tiên tiến vào năm 2020", Ban Thường vụ Huyện ủy Lang Chánh đã có nhiều giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp. Theo đó, nhiều chủ trương về công tác cán bộ đã được ban hành như: Quyết định số 312-QĐ/HU ngày 25-5-2012 về việc ban hành Quy định về phân công, phân cấp quản lý tổ chức bộ máy và cán bộ;
Quyết định 586-QĐ/HU ngày 1-4-2014 về quy chế bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử; Quyết định 313- QĐ/HU ngày 6-8-2012 về quy chế đánh giá tập thể cán bộ lãnh đạo, quản lý; Quyết định 314- QĐ/HU ngày 6-8-2012 về quy chế đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý; Hướng dẫn số 16-HD/HU ngày 10-3-2014 về rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý nhiệm kỳ 2015-2020… Các nghị quyết, quyết định trên được quán triệt đến các cấp uỷ, người đứng đầu cơ quan đơn vị từ huyện đến cơ sở, tạo sự thống nhất cả về nhận thức và thực tiễn thực hiện công tác cán bộ trên phạm vi toàn huyện.
Công tác đánh giá cán bộ được Huyện ủy coi trọng đổi mới. Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo các ban xây dựng đảng, các phòng chức năng tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy về đánh giá, phân loại 175 cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt ở các xã, phòng, ban, ngành cấp huyện theo tinh thần Nghị Quyết Trung ương 4 (khoá XI). Qua kiểm điểm, phân loại và đánh giá cán bộ, Ban Thường vụ Huyện ủy đã gợi ý kiểm điểm 4 tập thể và 6 cá nhân, đồng thời rút kinh nghiệm trong chỉ đạo việc kiểm điểm, phân loại và đánh giá cán bộ, công chức.
Công tác quy hoạch được tăng cường. Huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thường xuyên rà soát, bổ sung quy hoạch cấp ủy, quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý nhiệm kỳ 2015-2020; xây dựng quy hoạch nhiệm kỳ 2020-2025 với yêu cầu bảo đảm dân chủ, công khai, đúng quy định với phương châm vừa “mở”, vừa “động” và “liên thông”. Vì vậy, số cán bộ đưa vào quy hoạch bảo đảm tiêu chuẩn, có chiều hướng phát triển tốt, quy hoạch có tính khả thi cao. Căn cứ nguồn quy hoạch và điều kiện thực tiễn, các địa phương, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại và luân chuyển cán bộ được thực hiện bảo đảm dân chủ, phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của huyện và từng địa phương, đơn vị. Huyện ủy đã kiên quyết không bổ nhiệm lại với cán bộ không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao. Từ tháng 1-2012 đến nay, huyện đã bổ nhiệm, bổ nhiệm lại 65 cán bộ lãnh đạo, quản lý. Nhìn chung số cán bộ được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại bảo đảm tiêu chuẩn. Huyện ủy đã điều động, luân chuyển 11 cán bộ từ huyện về đảm nhận các chức danh chủ chốt tại xã, thị trấn, như: Quang Hiến, Đồng Lương, Giao An, Giao Thiện… và luân chuyển giữa các cơ quan đảng, đoàn thể, chính quyền trong huyện. Từ năm 2012 đến nay, số cán bộ sau khi luân chuyển về cơ sở đã được Ban Thường vụ Huyện ủy bố trí, sắp xếp phù hợp với trình độ, năng lực, sở trường và đảm nhận chức danh cao hơn, trong
đó 2 đồng chí được bầu vào Ban Thường vụ Huyện uỷ, 1 đồng chí được bầu làm Phó Chủ tịch UBND huyện….
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cán bộ của huyện còn có những hạn chế, như việc tuyển dụng cán bộ có lúc, có nơi chưa bảo đảm yêu cầu. Người được tuyển dụng chuyên môn chưa phù hợp với vị trí việc làm, nên hiệu quả công việc chưa cao. Quy hoạch cán bộ theo phương châm “động”, “mở” và “liên thông” vẫn còn hạn chế; tỷ lệ cán bộ nữ, trẻ được quy hoạch vào cấp uỷ, các chức danh chủ chốt khối xã, thị trấn còn thấp. Việc chọn cử cán bộ đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn vẫn còn có trường hợp chưa phù hợp với vị trí công tác và điều kiện địa phương; số lượng cán bộ chủ chốt cấp xã có trình độ đại học còn ít. Cán bộ được đi luân chuyển vẫn chưa yên tâm công tác, còn nhiều khó khăn. Công tác đánh giá cán bộ còn có hiện tượng nể nang, tiêu chí đánh giá còn nặng định tính… (Dương Thị Bảo Anh, 2017).
2.2.2.2. Kinh nghiệm của huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Thấm nhuần quan điểm của Người, trong những năm qua, công tác tổ chức, cán bộ huyện Đức Linh đã có chuyển biến tích cực; các khâu của công tác cán bộ thực hiện chặt chẽ. Công tác luân chuyển cán bộ được quan tâm, cán bộ đã phát huy được vị trí công tác nơi luân chuyển đến và sau khi về nhận nhiệm vụ mới; công tác điều động, bổ nhiệm giới thiệu nhân sự ứng cử, bố trí và sử dụng cán bộ được thực hiện đúng quy định, đảm bảo nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo. Đội ngũ cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng cả về lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã, thị trấn một số nơi còn hẫng hụt; tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ chưa đạt yêu cầu. Chính vì vậy Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XI nhấn mạnh: "Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, lối sống lành mạnh, vững về chuyên môn nghiệp vụ. Chú trọng đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ trẻ nhằm đảm bảo tính kế thừa", cụ thể là: Tiếp tục đổi mới công tác đánh giá cán bộ. Bố trí cán bộ đúng theo năng lực, sở trường; mạnh dạn đề bạt cán bộ trẻ có năng lực, có triển vọng; đồng thời, thay thế kịp thời cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ, không đáp ứng được yêu cầu công việc; xử lý nghiêm những cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm, không chịu tu
dưỡng rèn luyện, vi phạm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng gắn với luân chuyển cán bộ. Thực hiện nghiêm túc việc lấy phiếu tín nhiệm cán bộ. Do đó, trách nhiệm của cấp ủy Đảng các cấp phải chăm lo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, bố trí, sử dụng sao cho hiệu quả, phát huy hết được năng lực của cán bộ.
Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và công tác cán bộ, cần tiếp tục quán triệt một cách sâu sắc và vận dụng hiệu quả, với những giải pháp cơ bản sau:
Một là, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ.
Giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác cán bộ, phải là sự kết hợp đúng đắn chế độ tập thể lãnh đạo với phát huy trách nhiệm cá nhân, thực hiện dân chủ với tập trung. Để thực hiện được điều này, tập thể cấp uỷ từ huyện đến cơ sở phải quán triệt các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, nhiệm vụ công tác cán bộ của cấp trên; quyết nghị các chủ trương, biện pháp xây dựng đội ngũ cán bộ, quyết định về nhân sự cán bộ đúng quy trình và theo phạm vi quyền hạn được phân công phân cấp. Kiên quyết khắc phục tình trạng chuyên quyền, lấy danh nghĩa quyết nghị của tập thể để quyết định về công tác cán bộ.
Hai là, đổi mới phương pháp đánh giá, nhận xét cán bộ.
Đánh giá, nhận xét cán bộ là vấn đề quan trọng, đánh giá đúng sẽ sử dụng đúng cán bộ. Nhận xét, đánh giá cán bộ phải công tâm, khách quan, tạo đoàn kết nhất trí cao trong tổ chức. Việc đánh giá phải toàn diện cả đức và tài, chú trọng về phẩm chất chính trị và năng lực thực tiễn; lấy kết quả hoàn thành nhiệm vụ được giao làm thước đo chính để đánh giá phẩm chất, năng lực của cán bộ một cách cụ thể, khoa học, chính xác. Coi trọng việc dựa vào tập thể và quần chúng nhân dân, đồng thời đặt cán bộ trong môi trường, điều kiện hoàn cảnh cụ thể, trong mối quan hệ giữa tổ chức, cơ chế chính sách và cá nhân cán bộ để đánh giá. Khắc phục tình trạng đánh giá cán bộ một cách chung chung, cảm tính, chủ quan, lẫn lộn giữa điều kiện với tiêu chuẩn, coi bằng cấp, học vị cao hơn phẩm chất, năng lực.
Ba là, thực hiện tốt công tác quy hoạch, luân chuyển, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ.
Quy hoạch tốt sẽ tạo ra sự chủ động, bảo đảm tính kế thừa, phát triển, khắc phục tình trạng hẫng hụt trong bố trí, sử dụng cán bộ. Công tác quy hoạch cán bộ phải xuất phát từ nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ tổ chức, từ thực trạng đội ngũ cán bộ để xây dựng, đảm bảo tính khoa học, tính kế thừa liên tục và vững chắc. Quy hoạch phải gắn liền với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Kết hợp nhiều hình thức, biện
pháp đào tạo, bồi dưỡng, gắn đào tạo, bồi dưỡng với sử dụng cán bộ. Luân chuyển cán bộ là để đào tạo cán bộ tại cơ sở, nguồn luân chuyển phải nằm trong nguồn quy hoạch, có hướng phát triển, triển vọng; thường xuyên đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ luân chuyển, mạnh dạn bố trí cán bộ đã được luân chuyển hoàn thành tốt nhiệm vụ vào các chức danh chủ chốt của huyện.
Bốn là, đổi mới trong công tác bố trí, sử dụng cán bộ.
Bố trí, sử dụng phải đúng người, đúng việc, đúng sở trường nhằm phát huy hết tài năng, tinh thần hăng hái, nhiệt tình của cán bộ. Tránh quan niệm coi đây là công việc bí mật và chỉ lấy ý kiến của một vài người trong phạm vi hẹp làm quyết định của tập thể. Cần phải lắng nghe ý kiến của đảng viên, quần chúng trong cơ quan, đơn vị và của cấp ủy, chính quyền địa phương nơi cán bộ sinh sống.
Năm là, thực hiện tốt chính sách cán bộ.
Chính sách cán bộ giữ một vị trí quan trọng trong công tác cán bộ, nhằm phát huy nhân tố con người trong thực hiện nhiệm vụ. Trong giai đoạn hiện nay, việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ đòi hỏi phải thực hiện có hiệu quả về chính sách cán bộ như: đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ; chính sách tiền lương... để cán bộ yên tâm công tác, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao (Trần Ngọc Triết, 2016).