Phần 1 Mở đầu
2.2. Cơ sở thực tiễn
2.2.4. Các công trình nghiên cứu liên quan
Theo Nguyễn Phú Trọng và Trần Xuân Sầm (2003) đã nghiên cứu đề tài "Luận cứ khoa học cho việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước". Trên cơ sở các quan điểm lý luận, tổng kết thực tiễn và kế thừa kết quả của nhiều công trình đi trước, tập thể các tác giả đã phân tích, lý giải, hệ thống hoá các căn cứ khoa học của việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Từ đó, đưa ra một hệ thống các quan điểm, phương hướng và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, trong đó có đội ngũ công chức hành chính Nhà nước đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế trong những thập niên đầu của thế kỷ XXI.
Tác giả Nguyễn Bắc Son (2003) "Nâng cao chất lượng đội ngũ công chức quản lý Nhà nước đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”,
luận án đã phân tích đánh giá đội ngũ cán bộ, công chức Việt Nam, phân tích nguyên nhân dẫn tới những hạn chế về chất lượng đội ngũ công chức QLNN và đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chức QLNN, đáp ứng thời kỳ công nghiêp hoá, hiện đại hoá đất nước trong giai đoạn hiện nay và trong những năm tới.
Tác giả Nguyễn Kim Diện (2006) "Nâng cao chất lượng đội ngũ công chức hành chính Nhà nước tỉnh Hải Dương". Trên cơ sở hệ thống hoá lý luận về công
chức hành chính Nhà nước, chất lượng công chức hành chính Nhà nước, nghiên cứu bài học kinh nghiệm của các nước trên thế giới và rút ra một số kinh nghiệm có thể vận dụng vào Việt Nam, luận án đã phân tích đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ công chức hành chính Nhà nước trong mối quan hệ so sánh với yêu cầu của công việc. Luận án đã làm rõ nguyên nhân làm cho chất lượng đội ngũ công chức hành chính Nhà nước còn chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc hiện tại, chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Luận án đã đưa ra các quan điểm và 3 nhóm giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chức hành chính Nhà nước của tỉnh. Bên cạnh những giải pháp thuộc về tỉnh cũng cần có một số giải pháp đồng bộ từ phía Nhà nước, thì mới có tác động tích cực và hiệu quả hơn.
Tác giả Ngô Quang Đoàn (2015) “Nâng cao chất lượng cán bộ công chức huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định giai đoạn 2015-2020” đã tập trung nghiên cứu đánh giá chất lượng cán bộ công chức trong hệ thống chính trị cấp huyện được thể hiện trên các mặt quy hoạch, tuyển dụng, sử dụng, đào tạo và một số vấn đề khác có liên quan như tiêu chuẩn công chức và các nhân tố tác động đến chất lượng công chức trong hệ thống chính trị ở cấp huyện nhằm đưa ra một số giải pháp nâng cao chất lượng công chức trong hệ thống chính trị huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định giai đoạn 2015-2020. Kết quả nghiên cứu của luận văn đã cho thấy, việc nâng cao chất lượng của đội ngũ CBCC huyện là một yêu cầu đặc biệt quan trọng trong chính sách về CBCC của Nhà nước ta. Nó quyết định đến sự thành bại của hệ thống chính trị và hệ thống quản lý Nhà nước..
Trong ba năm vừa qua huyện Ý Yên đã quan tâm chú trọng tới đội ngũ công chức cả về số lượng công chức đã tuyển được 14 người, đạt 69,49% so với định biên số lượng CBCC huyện; độ tuổi CBCC huyện đang dần được trẻ hóa, phần đông cán bộ có độ tuổi từ 30-50. Theo đánh giá chung của CBCC huyện, lãnh đạo huyện và một số người dân trên địa bàn huyện Ý Yên cho thấy những năm qua đội ngũ CBCC huyện đã thực thi tốt nhiệm vụ của mình, đã hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn được giao.
Bên cạnh đó vẫn còn một số CBCC huyện trình độ còn hạn chế, 21,32% cán bộ có trình độ dưới đại học, về việc thực hiện nhiệm vụ của CBCC vẫn còn bị chậm trễ, chiếm tới 46%. Trên 60% người dân được điều tra đánh giá CBCC huyện làm việc chưa nhiệt tình, cửa quyền, hách dịch và trên 30% người dân được điều tra đánh giá CBCC xã chưa liêm khiết, công tâm trong giải quyết công việc.