Năng lực lãnh đạo và quyền lực của người quản lý

Một phần của tài liệu Giáo trình đạo đức kinh doanh (TS NGUYỄN văn TIẾN ) (Trang 134 - 137)

TẠO LẬP VÀ XÂY DỰNG VĂN HOÁ DOANH NGHIỆP

4.3.2. Năng lực lãnh đạo và quyền lực của người quản lý

4.3.2.1. Năng lực lãnh đạo

Thể hiện qua quá trình tác động, định hướng mọi người trong tổ chức, làm cho họ tự nguyện, nhiệt tình tham gia các hoạt động để đạt mục tiêu của doanh nghiệp; là người hướng dẫn, điều khiển, ra lệnh và làm gương cho cấp dưới noi theo. Năng lực lãnh đạo mang đặc trưng của quan hệ xã hội trong doanh nghiệp, được thể hiện, khẳng định, củng cố bằng quyền lực. Năng lực lãnh đạo cũng được xác định và thể hiện thông qua phong cách lãnh đạo, đó là cách một người sử dụng quyền lực để tạo ảnh hưởng đối với người khác.

4.3.2.2. Quyền lực

Quyền lực nhìn từ góc độ ảnh hưởng được xem là việc tạo ra những kết quả mong muốn hay tiềm năng tác động, hoặc cụ thể hơn là sự thay đổi khả năng của một cá nhân hay nhóm chấp nhận điều chỉnh hành vi, là sự kiểm soát có chủ đích và hữu hiệu đối với người khác. Tiếp cận từ góc độ cơ chế thì quyền lực được coi là khả năng sử dụng động lực hay bằng động lực tối đa có thể tạo ra. Nhìn nhận từ góc độ về mức độ quyền lực thì đó lại là những thứ còn lại sau khi loại trừ tất cả quyền lực của cấp dưới hay động lực tối đa mà một người tạo ra ở người khác trừ đi động lực tối đa người này có thể tạo ra cho họ theo chiều ngược lại (phản hồi). Như vậy, quyền hạn là nhân tố đặc biệt của quyền lực, có hiệu lực cho một vị trí chính thức trong doanh nghiệp và mối quan hệ quản lý kinh doanh.

Quyền lực là công cụ của người lãnh đạo, biểu hiện của năng lực lãnh đạo và

phương tiện thực thi năng lực này. Vì vậy, người nào nắm vững được, khai thác và sử dụng những nhân tố tạo nên quyền lực thì có khả năng lãnh đạo, bất kể vị trí của họ trong cơ cấu tổ chức thế nào. Quyền lực có thể tạo ra từ bảy yếu tố hay nguồn khác nhau như sau:

Quyền lực khen thưởng:khả năng tác động đến hành vi người khác bằng cách kích thích họ thông qua việc cung cấp hoặc hứa đáp ứng mong muốn như tiền bạc, lợi ích vật chất, địa vị, danh hiệu…

Quyền lực ép buộc: khả năng tác động đến hành vi người khác bằng cách làm cho họ sợ hãi thông qua hình phạt hoặc đe dọa trừng phạt.

Quyền lực pháp lý:khả năng tác động đến hành vi người khác bằng cách làm cho họ tin vào quyền được phép đưa ra những yêu cầu và buộc người khác phải chấp thuận thông qua cương vị, chức danh chính thức.

Quyền lực liên kết: khả năng tác động đến hành vi người khác bằng cách làm cho họ tin vào năng lực có thể điều khiển ai đó có quyền nhờ vào mối quan hệ xã hội hoặc công việc.

Quyền lực thông tin: khả năng tác động đến hành vi người khác bằng cách làm cho họ tin vào những thông tin cần thiết đối với việc ra quyết định.

Quyền lực tham mưu: khả năng tác động đến hành vi người khác bằng cách làm cho họ tin rằng sẽ đạt được mục tiêu dễ dàng hơn thông qua việc phân tích, lập luận và giải pháp đề xuất.

Quyền lực chuyên gia: khả năng tác động đến hành vi người khác bằng cách làm cho họ tin vào năng lực giải quyết vấn đề mà họ đang phải đương đầu nhờ vào ưu thế về kiến thức, kinh nghiệm và năng lực chuyên môn.

Quyền lực vật chất hay “tài lực” được tạo ra từ khả năng trực tiếp khai thác, huy động, điều khiển và sử dụng nhân tố, nguồn lực vật chất, tài chính. Những người sử dụng quyền lực thường ở vị trí quản lý, điều phối hay có trách nhiệm ra quyết định phân bổ, cung ứng nguồn lực cần thiết cho hoạt động sản xuất kinh doanh như ngân sách, nguyên liệu, sản phẩm, hàng hóa.

Quyền lực vị thế hay “thế lực” được tạo ra từ vị thế xã hội thuận lợi trong việc tiếp cận, khai thác, sử dụng những yếu tố phi vật chất như mối quan hệ (chính thức và phi chính thức) cần thiết để tạo ảnh hưởng đến quyết định của người khác. Vị thế xã hội thể hiện mức độ và phạm vi mối quan hệ, giao tiếp xã hội của một người. Người nào có mối quan hệ rộng, có khả năng tiếp cận, sử dụng những nguồn thông tin cần thiết cho việc ra quyết định, có thể gây ảnh hưởng hoặc điều khiển việc ra quyết định của những người có thẩm quyền là người sở hữu quyền lực này.

Quyền lực trí tuệ hay “trí lực” được tạo ra từ khả năng khai thác, sử dụng kiến thức, trí tuệ vào việc ra quyết định. Sức mạnh của quyền lực này thể hiện ở giá trị và tầm quan trọng, tính xác đáng của những ý kiến đánh giá, nhận xét, gợi ý cho người khác trong quá trình ra quyết định. Người nào có kiến thức, năng lực tư duy, phân tích hợp lý, xác đáng có thể sử dụng được nguồn lực này. Sức mạnh của quyền lực trí tuệ phụ thuộc vào mức độ quan trọng và giá trị của những ý kiến đóng góp cho việc ra quyết định của cá nhân, tập thể hay doanh nghiệp.

Những người lãnh đạo và quản lý thường sử dụng cả ba nhóm quyền lực trên để tạo ảnh hưởng đối với người khác nhằm ra quyết định và thực thi. Người không giữ vị trí quản lý trong cơ cấu tổ chức chính thức cũng có thể sử dụng quyền này đối với đồng sự hoặc cấp trên. Nếu các quyết định ở cấp cao hơn bị ảnh hưởng bởi những người cấp dưới, khi đó trong doanh nghiệp sẽ xảy ra tình trạng quản lý ngược. Vì vậy, việc lạm dụng quyền lực có khả năng dẫn đến những vấn đề đạo đức do có thể làm nảy sinh mâu thuẫn.

Quyền lực lãnh đạo có ảnh hưởng quan trọng đối với các quyết định đạo đức bởi những người nắm giữ vị trí này có khả năng khích lệ nhân viên thi hành các chính sách, quy định và thể hiện quan điểm của mình. Họ có thể tác động đến văn hóa tổ chức và xu thế đạo đức trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, về lâu dài nếu các thành viên của một doanh nghiệp không hài lòng với những quyết định và hành vi của người lãnh đạo thì vai trò này cũng mất dần. Vì vậy, người lãnh đạo không chỉ cần được thuộc cấp tôn trọng mà nên định hình về hành vi đạo đức chuẩn mực để các thành viên khác tuân theo.

Một phần của tài liệu Giáo trình đạo đức kinh doanh (TS NGUYỄN văn TIẾN ) (Trang 134 - 137)