NGHIÊN CỨU, TIẾP CẬN HÀNH VI VÀ XÂY DỰNG ĐẠO ĐỨC KINH DOANH
2.3.2. Xây dựng đạo đức trong kinh doanh
Chương trình đạo đức có đạt hiệu quả hay không phụ thuộc vào trách nhiệm của người quản lý cấp cao, có vai trò quyết định các nhân tố chủ chốt cho việc xây dựng chương trình đạo đức như: xây dựng, truyền đạt hiệu quả các tiêu chuẩn đạo đức; thiết lập hệ thống điều hành thực hiện, kiểm tra, quản lý các tiêu chuẩn và việc tuân thủ đạo đức trong tổ chức.
Khi các yếu tố có thể là điều kiện phát sinh những hành vi phi đạo đức xuất hiện, doanh nghiệp không những gặp trở ngại đối với các vấn đề đạo đức mà có thể còn vi phạm pháp luật khi các thành viên trong tổ chức doanh nghiệp không biết cách xử lý để có thể đưa ra quyết định đúng đắn.
Chương trình đạo đức tốt sẽ giúp doanh nghiệp hạn chế được những hành vi vi phạm pháp luật và phản ứng tiêu cực của công chúng. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải xây dựng và triển khai thực hiện chương trình đạo đức hiệu quả để tất cả nhân viên hiểu rõ tiêu chuẩn đạo đức kinh doanh và tuân thủ các chính sách, quy định về nhân cách, tạo ra môi trường đạo đức tốt của doanh nghiệp.
Chương trình tuân thủ đạo đức hiệu quả được xác định bởi sự thiết kế và tính khả thi của nó để giải quyết ổn thỏa những nguy cơ liên quan đến doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tránh được trách nhiệm pháp lý, mặc dù phải chịu áp lực tuân thủ từ nó và muốn đạt hiệu quả thì nên thiết kế để “phòng” chứ không phải “chống” các hành vi sai phạm.
Chương trình này có thể được phát triển mạnh nếu người quản lý cấp cao hoặc một ban, bộ phận có nhiệm vụ thi hành, giám sát phát huy được tinh thần trách nhiệm. Vì thế khi thiết kế, thực hiện cần phải cơ cấu với sự tham gia của người đứng đầu doanh nghiệp như giám đốc hoặc chủ của tổ chức để họ ủng hộ, tuân theo được gọi là điều phối viên hoặc cán bộ đạo đức. Đối với doanh nghiệp có quy mô lớn hay các tập đoàn sẽ có một hoặc một số người trong ban lãnh đạo được chỉ định làm điều phối viên, thậm chí thành lập ban đặc biệt gồm các cán bộ quản lý cấp cao hoặc hội đồng quản trị để xem xét, thực hiện chương trình tuân thủ đạo đức của doanh nghiệp. Điều phối viên hoặc cán bộ đạo đức có những trách nhiệm sau:
• Phối hợp với ban lãnh đạo cấp cao, hội đồng quản trị thực hiện chương trình
tuân thủ đạo đức của doanh nghiệp.
• Phát triển, phê duyệt và ban hành quy định đạo đức.
• Thiết lập hệ thống kiểm tra, điều hành để xác định tính hiệu quả của chương trình.
• Xem xét và chỉnh sửa chương trình đạo đức để nâng cao hiệu quả thực hiện.
Các phối viên hoặc cán bộ đạo đức phải thiết kế chương trình phù hợp với phạm vi, quy mô và quá trình hình thành phát triển của doanh nghiệp; không nên ủy quyền cho thành viên khác vì sẽ khó kiểm tra, điều hành và có thể xảy ra hành vi vi phạm.
2.3.2.2. Xây dựng và truyền đạt hiệu quả các tiêu chuẩn đạo đức
Tiêu chuẩn đạo đức của doanh nghiệp sẽ khuyến khích hành vi đạo đức, nó có thể được thể hiện thông qua quy định hoặc điều lệ trong chính sách áp dụng đối với một số hành vi cụ thể. Nội dung của quy định về đạo đức cần phải cụ thể, đầy đủ để có thể ngăn chặn hành vi sai phạm. Không nên quy định chung chung dễ dẫn đến việc các thành viên hiểu không đầy đủ và không đúng. Các thành viên làm việc trong doanh nghiệp có thể mang triết lý đạo đức khác nhau do đến từ những nơi có tập quán, văn hóa khác nhau, vì vậy cần có quy định về chính sách và các tiêu chuẩn chung để họ hạn chế được trở ngại, khó khăn trong việc xác định hành vi không được chấp nhận trong doanh nghiệp.
Tùy vào lĩnh vực hoạt động, doanh nghiệp có thể xây dựng quy định nghiêm ngặt về đạo đức hay chính sách liên quan đến vấn đề này, cũng như kế hoạch tổ chức thực hiện. Mặc dù vậy cũng không thể giải quyết được tất cả tình huống đạo đức khó xử, chúng chỉ hỗ trợ cho việc thực thi nghiêm luật định và hướng dẫn các thành viên làm theo. Những quy định này có thể giải quyết nhiều tình huống trong quá trình vận hành hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Quy định về đạo đức nghề nghiệp phải phản ánh được quan điểm của lãnh đạo đối với việc tổ chức tuân thủ luật lệ, các giá trị và chính sách tạo ra môi trường đạo đức. Vì vậy ban, bộ phận hay nhóm xây dựng, phát triển quy định về đạo đức cần có sự tham gia của chủ tịch hội đồng quản trị, ban lãnh đạo và người quản lý. Việc cộng tác của các cấp quản lý cấp cao là rất quan trọng, giúp cho doanh nghiệp
luôn duy trì hoạt động trong chương trình đạo đức của mình và đảm bảo môi trường đạo đức nhất quán, phù hợp với mục tiêu của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp có thể phổ biến quy tắc đạo đức thông qua các chương trình đào tạo của tổ chức nhằm giúp các thành viên xác định được vấn đề về đạo đức và trang bị cho họ phương tiện để giải quyết. Hơn nữa, các thành viên cần được hướng dẫn, giúp đỡ từ lãnh đạo hoặc đồng nghiệp trong khi giải quyết vấn đề đạo đức.
Ưu điểm: một chương trình đạo đức hiệu quả có thể hạn chế, giảm thiểu được vi phạm dân sự, hình sự và các hậu quả điều hành bằng hình thức phạt, chịu sự phán quyết của cơ quan pháp luật.
Hạn chế: một chương trình đạo đức không hiệu quả để lại hậu quả tiêu cực trong đó hành động phi đạo đức trong kinh doanh sẽ làm giảm uy tín, giá trị doanh nghiệp.
Để thực hiện thành công chương trình đạo đức kinh doanh, doanh nghiệp cần tập huấn cho thành viên khung về mô hình đạo đức để họ có thể phân tích được vấn đề nhằm đưa ra quyết định đúng đắn. Trong công tác đào tạo và truyền đạt, bên cạnh việc phổ biến tiêu chuẩn đạo đức cần chú trọng những yếu tố như văn hóa và phong cách quản lý, phân biệt được đạo đức cá nhân và đạo đức tổ chức.
Mục tiêu của chương trình đào tạo đạo đức là nâng cao khả năng nhận biết của thành viên về các vấn đề đạo đức, thông báo cho họ quy trình và xác định những người có thể giúp giải quyết rắc rối về đạo đức.
Chương trình này được thiết kế đầy đủ và chặt chẽ sẽ giúp cho mọi thành viên trong tổ chức:
- Nhận ra các tình huống có thể bao hàm quyết định đạo đức;
- Hiểu được các tiêu chuẩn đạo đức và văn hóa của tổ chức;
- Có thể đánh giá tác động của các quyết định đạo đức đối với giá trị doanh
2.3.2.3. Thiết lập hệ thống điều hành thực hiện, kiểm tra, tăng cường tiêu chuẩn và tuân thủ đạo đức
Tuân thủ đạo đức có thể được đánh giá thông qua so sánh việc làm của các thành viên tổ chức với tiêu chuẩn đạo đức của doanh nghiệp. Một chương trình tuân thủ đạo đức hiệu quả có thể sử dụng các nguồn điều tra, báo cáo, đôi khi là sự kiểm soát bên ngoài, xem xét các hoạt động của doanh nghiệp là cơ sở để phát triển những chuẩn mực về việc tuân thủ.
Hệ thống tiếp nhận, xử lý thông tin nội bộ có thể giúp các thành viên dễ dàng trong việc báo cáo hành vi sai phạm, đặc biệt hữu ích trong công tác điều hành, đánh giá việc thực hiện đạo đức. Doanh nghiệp có thể thiết lập hệ thống trợ giúp thông tin tạo cơ hội cho các thành viên bộc lộ mối quan ngại của mình về đạo đức.
Để xác định một thành viên có thực hiện công việc của mình đầy đủ và đảm bảo quy tắc đạo đức không thì cần quan sát họ giải quyết tình huống, vấn đề này thế nào; hoặc có thể dùng bản thăm dò nhận thức đạo đức của nhân viên về doanh nghiệp, cấp trên, đồng nghiệp và bản thân họ, cũng như tỷ lệ các hành vi có đạo đức, phi đạo đức trong doanh nghiệp và ngành. Bản này có thể đóng vai trò như chuẩn mực trong quá trình đánh giá việc thực thi đạo đức của thành viên trong tổ chức. Nếu các thành viên cho rằng hành vi phi đạo đức đang gia tăng thì ban lãnh đạo phải tìm hiểu để có nhìn nhận đúng đắn, xác định nguyên nhân xuất hiện, từ đó tìm ra biện pháp giải quyết.
Để duy trì hành vi có đạo đức trong doanh nghiệp thì các chính sách, luật lệ và tiêu chuẩn của doanh nghiệp phải hoạt động trong hệ thống tuân thủ. Việc duy trì văn hóa đạo đức có thể gặp khó khăn nếu ban lãnh đạo không ủng hộ và đặc biệt lại có hành động phi đạo đức thì rất khó để có thể tạo ra môi trường đạo đức tốt trong doanh nghiệp.
Mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp không chỉ làm tăng lợi nhuận mà còn phải giảm thiểu hành vi phi đạo đức. Doanh nghiệp phải duy trì nền văn hóa, đạo đức trong mọi hoạt động của tổ chức, kịp thời phát hiện, xác định nguyên do có
những hành động phi đạo đức để sửa sai ngay hoặc tăng cường tiêu chuẩn cao hơn và nghiêm túc thực hiện. Đạo đức nghề nghiệp được tăng cường, nghiêm khắc hơn, trở thành bộ phận của văn hóa doanh nghiệp sẽ có tác dụng cải thiện hành vi đạo đức trong doanh nghiệp.
Việc chấn chỉnh, xóa bỏ hành vi phi đạo đức vô cùng quan trọng đối với mối quan hệ giữa các thành viên trong tổ chức với doanh nghiệp, khách hàng, cộng đồng. Nếu doanh nghiệp không kịp thời có hành động sửa sai cho những hành vi mà theo xã hội hoặc tổ chức là sai trái thì sự việc tương tự sẽ tiếp diễn.
Sự nhất quán trong công tác quản lý và quy định mức kỷ luật cần thiết rất quan trọng đối với chương trình tuân thủ đạo đức của doanh nghiệp. Những điều phối viên đạo đức phải có trách nhiệm thực hiện hình thức kỷ luật mà doanh nghiệp đề ra với những hành động vi phạm tiêu chuẩn đạo đức. Các thành viên trong tổ chức được phổ biến, hướng dẫn những chính sách đạo đức hiện tại của doanh nghiệp và yêu cầu cam kết thực hiện để làm tiêu chí đánh giá, nhận xét. Khi phát hiện hoặc nghi ngờ có sai phạm thì doanh nghiệp phải điều tra kỹ, còn điều phối viên đạo đức cần đề xuất cho ban lãnh đạo cách giải quyết. Khi xảy ra sai phạm nghiêm trọng, doanh nghiệp phải báo cáo lên cơ quan quản lý nhà nước.
Doanh nghiệp cần định kỳ kiểm tra việc tuân thủ đạo đức nhằm xác định tính hiệu quả của chương trình đạo đức và các hoạt động của tổ chức. Cụ thể như:
- Các nhân tố có ảnh hưởng đến cách đưa ra quyết định
- Mức độ ảnh hưởng của hệ thống thưởng phạt đối với hành vi vi phạm đạo
đức của các thành viên.
- Khả năng hiểu biết các vấn đề đạo đức trong công tác kiểm tra, lập ra quy
định đạo đức nghề nghiệp và các chương trình khác để điều khiển hành vi đạo đức trong tổ chức kinh doanh.
Công tác kiểm tra việc tuân thủ đạo đức có thể giúp ban lãnh đạo doanh nghiệp hoàn thiện tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp để làm kim chỉ nam cho hoạt động của mọi thành viên.
2.3.2.4. Cải thiện chương trình tuân thủ đạo đức
Vấn đề này được xem trọng như việc thực hiện chiến lược kinh doanh, vì thế cần khuyến khích các thành viên tổ chức đưa ra những quyết định có đạo đức để thực hiện hiệu quả hơn. Việc tuân thủ đạo đức gồm thiết kế các hoạt động, sử dụng nguồn lực sẵn có, phương tiện quản lý để điều khiển và cải thiện việc thực thi đạo đức sao cho đạt được mục tiêu của tổ chức.
Khả năng lập kế hoạch và thực hiện tiêu chuẩn đạo đức của doanh nghiệp phụ thuộc một phần vào nguồn lực, cấu trúc bộ máy tổ chức doanh nghiệp. Nếu những việc làm của doanh nghiệp được xác định chưa thỏa đáng về khía cạnh đạo đức thì lãnh đạo doanh nghiệp đó có thể phải bàn bạc lại phương cách đưa ra quyết định để có thể đạt được mục tiêu đạo đức của doanh nghiệp một cách hiệu quả, hợp lý.
CÂU HỎI ÔN TẬP
1. Trình bày cách tiếp cận với quá trình ra quyết định về đạo đức? 2. Phân tích quá trình ra quyết định về đạo đức trong kinh doanh? 3. Trình bày tình trạng bức xúc của vấn đề đạo đức?
4. Trình bày trạng thái ý thức đạo đức của cá nhân? 5. Trình bày nhân tố “văn hóa doanh nghiệp?
6. Trình bày chương trình tuân thủ đạo đức hiệu quả?
7. Xây dựng và triển khai hiệu quả các tiêu chuẩn đạo đức được thực hiện như thế nào?
8. Trình bày cách thiết lập hệ thống điều hành thực hiện, kiểm tra, tăng cường tiêu chuẩn và tuân thủ đạo đức?