Quản lý hình tượng

Một phần của tài liệu Giáo trình đạo đức kinh doanh (TS NGUYỄN văn TIẾN ) (Trang 101 - 102)

CHƯƠNG 3 VĂN HOÁ DOANH NGHIỆP

3.4.2. Quản lý hình tượng

Trong nhiều trường hợp, cách quản lý truyền thống thường không đủ hiệu lực để truyền tải giá trị đạo đức chủ đạo của một doanh nghiệp. Ở nhiều tổ chức, một số văn bản hướng dẫn chính thức đôi khi chỉ là hình thức, qui định được nêu ra hay giá trị đòi hỏi phải được tôn trọng không còn hiệu lực hoặc không được thể hiện hay phản ánh trong hành động và kết quả hoạt động của nhân viên. Khi đó người quản lý phải tìm ra cách để giao tiếp và thông tin thích hợp với người lao động.

Quản lý hình tượng đòi hỏi phải xác định và sử dụng các tín hiệu, hình tượng có thể tác động đến giá trị tổ chức. Quản lý hình tượng có thể tác động đến giá trị văn hoá và đạo lý trong doanh nghiệp, chỉ ra được tầm nhìn về giá trị của tổ chức có sức thuyết phục đối với mọi thành viên trong tổ chức và khích lệ họ vận dụng trong hoạt động hàng ngày để duy trì, củng cố. Quản lý hình tượng phải đảm bảo rằng các biểu trưng của tổ chức và công ty thiết kế, sử dụng (như biểu tượng, lễ nghi, tuyên bố, khẩu hiệu, ấn phẩm…) phải phù hợp và thống nhất trong việc thể hiện giá trị chủ đạo của tổ chức. Quản lý hình tượng chú trọng đến việc làm hơn là lời nói.

Mỗi lời nói và hành động của người quản lý đều ảnh hưởng ít nhiều đến sự phát triển về văn hoá và giá trị của tổ chức, ngay cả khi họ không nhận ra điều đó hoặc không chủ ý. Người quản lý không thực hiện các hoạt động vật chất cụ thể như lái xe tải, vận hành máy tiện, tính toán báo cáo tài chính…, việc quản lý hình tượng của họ chủ yếu liên quan đến biểu tượng, lễ nghi, hình ảnh, lời nói, hành vi. Nhân viên cấp dưới sẽ nhận thức được giá trị, niềm tin, mục đích qua việc quan sát họ. Trong thực tế, người lãnh đạo các cơ quan chính phủ và tổ chức kinh doanh thường sử dụng lễ tiết, nghi thức tượng trưng để gửi thông điệp về giá trị đạo đức và văn hoá chủ đạo đến người khác. Để quản lý có kết quả các giá trị của tổ chức, người quản lý cần nắm vững kỹ năng tổ chức lễ tiết và xây dựng hình tượng cũng như cách diễn thuyết, soạn thảo, phát động phong trào. Các biểu tượng, giai thoại, nghi thức thường được sử dụng bởi chúng là cách cung cấp thông tin về những gì tổ chức

cần và giúp nhận ra cách thức để hoà mình vào tổ chức. Nói cách khác, công việc quản lý hình tượng thực chất là quản lý các biểu trưng và tên hiệu, bởi người quản lý phải làm việc chủ yếu trong sự tưởng tượng nên vai trò của họ giống nhà truyền giáo hơn là chuyên gia tài chính. Việc quản lý hình tượng là tranh thủ mọi cơ hội để thông tin về giá trị, người đảm nhiệm vai trò này thường tìm cách đưa ra những tuyên bố chung cho từng nhóm nhân viên hay toàn thể đơn vị.

Một phần của tài liệu Giáo trình đạo đức kinh doanh (TS NGUYỄN văn TIẾN ) (Trang 101 - 102)