NGHIÊN CỨU, TIẾP CẬN HÀNH VI VÀ XÂY DỰNG ĐẠO ĐỨC KINH DOANH
2.2.1. Ra quyết định về các vấn đề liên quan đến đạo đức trong kinh doanh
2.2.1.1. Cách tiếp cận quá trình ra quyết định về đạo đức
Việc ra quyết định về một vấn đề bất kỳ là quá trình phức tạp, phụ thuộc vào:
- Đặc điểm hoàn cảnh: bản chất vấn đề, phạm vi, tính chất của đối tượng và tác
nhân liên quan.
- Cách tiếp cận: quan điểm, mục đích, tiêu chí, phương pháp, quá trình ra quyết
định.
Có hai cách tiếp cận trong việc nghiên cứu quá trình ra quyết định về đạo đức kinh doanh:
- Thứ nhất: coi việc nghiên cứu là lĩnh vực của môn tâm lý học. Cách tiếp cận này không đưa ra được phương pháp hay công cụ phân tích cho người quản lý để ra quyết định nên nó sẽ khó đưa ra được những quyết định khả thi trong hoạt động quản lý.
- Thứ hai: đặt trọng tâm vào việc nghiên cứu chính quá trình ra quyết định của
cá nhân, tổ chức về một vấn đề liên quan đến đạo đức. Cách này mang tính thực hành do các nhân tố của quá trình ra quyết định và mối liên hệ giữa chúng được làm rõ.
Theo quan điểm hệ thống, có thể xem cách tiếp cận quá trình ra quyết định về đạo đức là “quá trình xử lý” chịu tác động bởi tác nhân đầu vào và có khả năng tạo nên những sản phẩm đầu ra nhất định. Tác nhân đầu vào gồm nhiều yếu tố có tính chất khác nhau, được phân thành hai nhóm: tác nhân trực tiếp và tác nhân hoàn cảnh. Tác nhân trực tiếp thường là “nguyên, nhiên liệu” của quá trình xử lý và tham gia trực tiếp vào quá trình; còn tác nhân hoàn cảnh thường chỉ đóng vai trò tiền đề cho quá trình xử lý. Quá trình này được tiến hành theo phương pháp nhất định với sự hỗ trợ của phương tiện kỹ thuật thích hợp, tạo nên giải pháp công nghệ hài hòa, trong đó yếu tố đầu vào được xử lý theo cách riêng nhằm thỏa mãn những yêu cầu nhất định; còn đầu ra có thể là những sản phẩm hữu hình, vô hình, chúng đều tạo nên tác động hay ảnh hưởng ít nhiều với các đối tượng nhất định một cách có chủ đích hay ngẫu nhiên.
Sơ đồ 2.1: Nhân tố của quá trình ra quyết định
2.2.1.2. Quá trình ra quyết định về đạo đức trong kinh doanh
Các “đầu vào”
Vấn đề đạo đức có tác dụng như những “ngòi nổ” cho quá trình ra quyết định. Tác nhân đầu vào trực tiếp gồm:
- Những yếu tố liên quan đến đặc điểm tâm sinh lý của người ra quyết định
như bức xúc về tâm lý, trạng thái phát triển về ý thức đạo đức. Đó là nhân tố “nội sinh” gắn với từng cá nhân, tổ chức ra quyết định.
- Yếu tố liên quan đến hoàn cảnh ra quyết định: là bầu không khí đạo đức hay
môi trường văn hóa tổ chức hiện đang tồn tại ở người ra quyết định. Tác nhân này là nhân tố ngoại sinh mang tính tổ chức, hình thành do sự đóng góp của nhiều người theo chỉ đạo thống nhất, tạo tiền đề cho việc ra và thực thi quyết định trong một tổ chức. Nhân tố hoàn cảnh ảnh hưởng quan trọng đến các nhân tố tâm sinh lý, trong nhiều trường hợp chúng có thể quyết định việc một người có hành động hay không, theo cách này hay cách khác, với mục đích nào đó. Phản hồi cũng là một bộ phận của nhân tố hoàn cảnh có tác dụng giúp
củng cố, thay đổi, phát triển hay điều chỉnh đặc trưng của môi trường văn hóa doanh nghiệp.
Các nhân tố “đầu vào” của quá trình ra quyết định về đạo đức chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi những giá trị, quan điểm, triết lý đạo đức xã hội và kinh doanh.
Việc ra quyết định của một cá nhân
Là quá trình tâm sinh lý rất khó xác định. Quyết định giữa các cá nhân về một vấn đề trong cùng hoàn cảnh có thể khác nhau hoặc quyết định của một người cũng có thể thay đổi hoàn toàn do sự điều chỉnh ở một yếu tố nào đó trong quá trình. Một trong những cách tiếp cận có ý nghĩa thực tiễn là phân tích quá trình ra quyết định: nguyên nhân, mục đích, phương tiện hoặc phương thức có thể sử dụng và cách đánh giá kết quả đạt được. Cách tiếp cận này có thể được mô tả như sau:
- Ai hành động.
- Lý do hành động.
- Mục tiêu hành động.
- Cách thức hành động.
“ Đầu ra” và ảnh hưởng
Kết quả của quá trình ra quyết định được thể hiện thông qua hành vi mà đó lại là “đầu ra” của quá trình ra quyết định. Hành vi gây tác động mong muốn cho đối tượng thường là những thay đổi căn bản, lâu dài. Những tác động này lại trở thành tác nhân hoàn cảnh với đối tượng khác, chu kỳ hay quá trình ra quyết định tiếp theo thông qua sự “phản hồi”.
Các dạng tổ chức mang tính chất trái ngược nhau, tổ chức có tính đám đông và tính tổ chức:
- “Tính chất đám đông” được thể hiện thông qua tình trạng thiếu sự thống nhất về mục tiêu chung, thiếu sự phối hợp trong hành động.
- “Tính chất tổ chức” thể hiện qua tình trạng mục đích chung, được xác định rõ ràng và đạt được sự thống nhất, cách thức tổ chức hợp lý, hiệu quả dẫn đến sự phối hợp hài hòa giữa các hành động.
Trong các tổ chức có tính đám đông, tác động của một quyết định rất khó dự đoán chính xác, nhiều mâu thuẫn nảy sinh trên mọi phương diện rất khó khắc phục như: quan điểm, triết lý, quan hệ con người. Ngược lại, tác động của một quyết định thường được khuếch đại và phát triển theo hướng đã xác định. Mâu thuẫn có thể nảy sinh nhưng chủ yếu trên phương diện tác nghiệp và luôn hướng tới sự hài hòa, tự triệt tiêu.
Hai hình thức phổ biến hơn trong thực tế là tổ chức có tính nhóm và tổ chức mang tính tập thể:
- “Tính chất nhóm” thể hiện thông qua tình trạng thiếu sự thống nhất về mục tiêu chung trong khi vẫn đạt được sự phối hợp hài hòa trong hành động. Mỗi thành viên đều có mục đích riêng cần hướng tới, tuy nhiên hầu hết nhận thức rằng phải
thông qua sự phối hợp của nhiều người mới có thể đạt được.
- “Tính chất tập thể” thể hiện qua mục đích chung được xác định rõ ràng và đạt được sự thống nhất nhưng phối hợp giữa các hoạt động chưa nhịp nhàng do chưa có biện pháp tổ chức hợp lý, hiệu quả. Các thành viên đều hướng tới mục tiêu như nhau, do đó dễ dàng đạt sự thống nhất. Dù cá nhân vẫn có thể hoạt động độc lập, có tính hướng đích nhưng kém hiệu quả.
Với các tổ chức ở tình trạng liên kết yếu (tổ chức có tính đám đông và tổ chức mang tính tập thể): kết quả hoạt động của cá nhân thường đóng vai trò quan trọng. Hành vi, tính cách cá nhân nổi bật là nhân tố quan trọng góp phần tạo ra ý nghĩa và giá trị của tổ chức.
Trong các tổ chức ở tình trạng liên kết mạnh (tổ chức có tính nhóm): kết quả hoạt động cá nhân là một bộ phận và được hòa vào thành tích chung của toàn nhóm, tổ chức. Vai trò của hành vi và tính cách cá nhân mờ nhạt trong sự hài hòa của hoạt động nhóm, nó tạo ra bản sắc riêng của nhóm và tổ chức là nhân tố quyết định trong việc tạo ra ý nghĩa, giá trị của tổ chức.
Sơ đồ 2.2: Phân loại theo tính chất
TÍNH ĐỒNG NHẤT VỀ MỤC ĐÍCH