NGHIÊN CỨU, TIẾP CẬN HÀNH VI VÀ XÂY DỰNG ĐẠO ĐỨC KINH DOANH
2.3. PHÂN TÍCH VÀ XÂY DỰNG ĐẠO ĐỨC TRONG KINH DOANH 1 Các hành vi đạo đức trong kinh doanh
2.3.1. Các hành vi đạo đức trong kinh doanh
Trong mối quan hệ kinh doanh, tác nhân dẫn đến những hành vi đạo đức là mâu thuẫn phát sinh trong một hoàn cảnh nhất định, giữa các đối tượng hữu quan liên quan đến việc ra quyết định như: động cơ, mục đích, phương tiện, hệ quả.
2.3.1.1. Động cơ, động lực
Khái niệm
Động cơ là tập hợp tất cả yếu tố bản năng về xu thế, ước mơ, nhu cầu, nguyện vọng và áp lực tâm sinh lý của con người, đó là nguồn sức mạnh nội tại thôi thúc và hướng hành vi của con người để đạt mục tiêu nhất định. Động cơ xuất phát từ bên trong, là yếu tố sinh lý bắt nguồn từ nhu cầu sống và phát triển, yếu tố tâm lý bắt nguồn từ nhu cầu giao tiếp, thích nghi. Vậy động cơ là nguồn động lực thúc đẩy con người hành động.
Sơ đồ 2.4: Mối quan hệ tương hỗ giữa động cơ - mục đích - hành vi
Động cơ, hành vi được xem là những hành động hướng đích do mong muốn đạt được (mục đích) thúc đẩy. Con người không chỉ khác nhau về khả năng hành động mà còn về ý chí hành động và sự thôi thúc từ bên trong tiềm thức, vì vậy động cơ đôi khi còn được coi là nhu cầu, ý muốn, nghị lực và sự thôi thúc của cá nhân nên chúng ta luôn tự hỏi “tại sao làm như vậy?”. Động cơ có sự thúc đẩy tiềm thức khó xác định, chỉ có thể nhận thấy hay nhận thức được một phần thông qua bề ngoài của mục tiêu và hành vi. Do đó, động cơ được xem là nguyên nhân của hành vi, nguyên nhân của nguyên nhân các vấn đề. Nếu hành vi là cách thể hiện ra bên ngoài bởi hành động của động cơ và do động cơ thôi thúc thì hành động luôn hướng tới mục tiêu, mục đích nhất định và chỉ chấm dứt khi đã đạt được. Mặc dù động cơ là khái niệm trừu tượng nhưng con người vẫn cố gắng xác minh chúng thông qua phân tích về hành vi, mục tiêu hành động và nguyên nhân.
Động cơ, mục đích và hành vi có mối quan hệ tương hỗ chặt chẽ với nhau, trong đó động cơ là nhân tố đầu tiên trong dây chuyền phản ứng xuất hiện từ áp lực, bức xúc tâm lý do tác nhân bên ngoài. Khi so sánh với những chuẩn mực cần được thỏa mãn thì luôn bắt nguồn từ câu hỏi “tại sao” về nguyên nhân và hệ quả để đáp ứng mong muốn giải tỏa áp lực tâm sinh lý. Việc truy cứu nguyên nhân sẽ thúc đẩy con người hành động và duy trì hành động đó. Trạng thái thỏa mãn cần đạt được và tâm trạng bức xúc hiện tại sẽ chỉ rõ mức độ, phương hướng hành động. Hành vi hay cách thức hành động được lựa chọn trở thành phương tiện hay cách thức tốt nhất để đạt được mục tiêu.
Sơ đồ 2.6: Phân tích vấn đề - giải pháp
Đây là việc rất khó khăn, đôi khi không thể thực hiện được. Tuy nhiên, việc này có ý nghĩa quyết định để hiểu hành vi trong hoàn cảnh cụ thể và thỏa mãn tốt nhất mong muốn của con người. Từ quan điểm “động cơ là nguyên nhân của hành vi, vấn đề”, việc xác minh động cơ thực chất để trả lời câu hỏi “tại sao” hay “nguyên nhân do đâu” một cách có hệ thống theo phản ứng dây chuyền, bắt nguồn từ hiện tượng để xác minh nguyên nhân và nguyên nhân của nguyên nhân về vấn đề - hiện tượng. Cách tiếp cận này được khái quát theo phương pháp phổ biến là phân tích nguyên nhân hay vấn đề (PA - Problem Analysis), đó là một bộ phận của phương pháp phân tích tổng hợp: phân tích vấn đề - giải pháp để xác định mối liên hệ nhân quả giữa các yếu tố một cách hệ thống nhằm tìm ra bản chất của vấn đề -
hiện tượng. Trong hệ thống các mối liên hệ hiện tượng - bản chất thì hiện tượng là kết quả còn bản chất là nguyên nhân.
2.3.1.2. Mục đích, mục tiêu
Khái niệm
Mục đích là tiêu chí định hướng cho mỗi người khi hành động, có vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu về hành vi con người. Một cách khác có thể định nghĩa mục đích, mục tiêu là trạng thái hay kết quả mà cá nhân, tổ chức mong muốn và hướng mọi hoạt động, nỗ lực để đạt được. Nhưng không phải tất cả mong muốn đều có thể trở thành mục đích, mà chúng phải đảm bảo yêu cầu về tính xác đáng của mục đích, như:
- Tính động cơ: thể hiện sự mong muốn của cá nhân, tổ chức.
- Tính kế hoạch: sử dụng để ra quyết định hoặc lập kế hoạch hành động.
- Tính tiêu chuẩn: làm căn cứ để đánh giá kết quả thực hiện công việc, hành
vi.
- Tính kiểm tra: dung để đo lường hay được phản ánh bằng các hình thức hoặc
biểu hiện có thể xác minh.
Mục đích có thể được thể hiện dưới hai hình thức:
- Định tính: mức độ thay đổi mong muốn của trạng thái, hoàn cảnh.
- Định lượng: số liệu, khối lượng, kết quả cụ thể đạt được.
Mục đích thể hiện những mong muốn cá nhân, mang tính chủ quan, dự kiến, vì lẽ đó để trở thành hiện thực cần có giải pháp và cách thực hiện hợp lý, nên mục đích hành động của cá nhân được quyết định bởi:
- Nhận thức về vấn đề cần giải quyết.
- Quan điểm về giá trị và triết lý đạo đức.
- Mức độ phát triển về ý thức đạo đức.
- Hoàn cảnh ra quyết định.
Giữa mục đích của tổ chức và mục đích cá nhân không có sự khác biệt lớn về nguyên tắc. Ở mục đích tổ chức chủ yếu là nhận thức, quan điểm, triết lý và ý thức đạo đức; hoàn cảnh ra quyết định liên quan đến những vấn đề về đạo đức kinh doanh, mối quan hệ rộng lớn; phương tiện sử dụng phong phú và hoàn thiện hơn. Điều này khẳng định tính hiện thực của mục đích tổ chức và tính hiệu quả của việc thực thi chỉ có thể đạt được với sự đồng thuận trong toàn bộ tổ chức do đạo đức kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp mang lại.
Xác minh mục đích, mục tiêu
Việc xác minh mục đích khá phức tạp và có nhiều cách tiến hành, trong đó hữu hiệu nhất là xây dựng “cây mục tiêu”, đó là công cụ mô tả hệ thống các mục tiêu liên kết nhân quả với nhau thể hiện những yêu cầu cần thỏa mãn để đạt được mục đích nhất định. Có thể xây dựng “cây mục tiêu” bằng phương pháp phân tích vấn đề hoặc phương pháp “khung logic”.
- Phương pháp phân tích vấn đề: xác định mục tiêu có thể được tiến hành bằng
cách xác định trạng thái mong muốn đạt được tương ứng với vị trí trên sơ đồ “cây vấn đề” và kiểm tra tính tương hỗ nhân - quả giữa các mục tiêu.
- Phương pháp “khung logic”: là công cụ thực hành thiết kế giải pháp nhưng
rất hữu hiệu, được sử dụng phổ biến trong thiết kế các hoạt động của dự án ở mọi cấp độ, lĩnh vực. Phương pháp này tiếp cận việc giải quyết vấn đề theo nguyên tắc về tính logic “nhân - quả” trong phân cấp mục tiêu, thường được thể hiện bằng mệnh đề “nếu muốn - thì phải”. Theo phương pháp này thì:
Mục tiêu chung là những tuyên bố tổng quát về những gì mong muốn đạt
được hay những thay đổi về tình trạng hiện tại theo hướng nhất định.
Mục tiêu tác nghiệp là cách thể hiện mục tiêu tổng quát dưới nhiều khía cạnh
khác nhau của hoạt động tác nghiệp. Nó chỉ rõ để đạt được mục tiêu chung thì cần phải đạt được cái gì và sử dụng phương tiện nào. Mục tiêu tác nghiệp là cơ sở để thiết kế và phối hợp các chương trình hành động, mà muốn thực
hiện thành công thì cần cụ thể hóa về kết quả đầu ra ở mỗi hoạt động vào thời điểm nhất định.
Mong muốn kết quả đầu ra của hoạt động được thể hiện thông qua các tiêu chí phản ánh là hệ thống chỉ tiêu, đó là cột mốc cần đạt được của mục tiêu đã định ở thời điểm nhất định. Dựa trên cơ sở chỉ tiêu đã xác định, các chương trình hành động, hoạt động tác nghiệp cụ thể được phân công, phân cấp như: xây dựng phương án, phân tích, lựa chọn cách thức hành động.
Việc xác định hệ thống chỉ tiêu là yêu cầu để đảm bảo tính xác đáng cho các mục đích, còn việc lựa chọn được hệ thống chỉ tiêu phù hợp sẽ quyết định việc lựa chọn phương pháp đó và đánh giá kết quả thực hiện.
2.3.1.3. Phương tiện
Khái niệm
Phương tiện là các công cụ, cách thức được sử dụng để hỗ trợ việc thực hiện mục đích nào đó. Để đạt được mục đích có thể sử dụng nhiều cách thức, công cụ khác nhau nên việc lựa chọn phương tiện rất quan trọng. Mục đích và phương tiện luôn gắn với nhau nên nếu nhận thức không rõ ràng hai yếu tố này sẽ là nguyên nhân dẫn đến mâu thuẫn.
Phương tiện cũng chính là hành vi hay cách thức hành động của một người để đạt được mục đích đã định. Phương tiện giúp con người có thêm sức mạnh, sự tự tin và hiệu quả hành động, gồm hai nội dung: phương pháp hành động và sử dụng công cụ hành động.
- Phương pháp hành động là cách tổ chức thể hiện thành biện pháp, quy trình
để sử dụng khi thực hiện mục đích, được hình thành từ kiến thức, lý luận, phương pháp khoa học, nguyên lý, nguyên tắc liên quan đến các lĩnh vực chuyên môn và quan hệ con người; ngoài ra còn được quyết định bởi thói quen, kinh nghiệm và năng lực ra quyết định, hành động; nó phản ánh quan điểm, triết lý, trình độ phát triển ý thức đạo đức con người. Thực tế sự khác
nhau về mục đích không phải là nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn mà do việc lựa chọn cách thức thực hiện.
- Công cụ tác nghiệp là các phương tiện vật chất hoặc phi vật chất như thiết bị,
hệ thống kỹ thuật, nguồn tài chính, hệ thống quản lý và pháp luật hiện hành.
Năng lực hành động
Được quyết định bởi tính đúng đắn trong các quyết định về phương pháp hành động, nó tạo ra sự tin cậy và tôn kính từ người khác. Tính đúng đắn của các quyết định trong việc lựa chọn kết hợp yếu tố và lựa chọn công cụ, cách sử dụng nguồn tài chính trong hoạt động là nhân tố quyết định sự thành công trong môi trường cạnh tranh.
Lựa chọn phương tiện
Là lựa chọn phương pháp hành động và công cụ hỗ trợ, thực chất là đánh giá và lựa chọn phương án. Kết quả, chất lượng của việc này phụ thuộc vào:
- Tiêu chí đánh giá và lựa chọn.
- Phương pháp tiếp cận.
Lựa chọn về hành động chỉ có thể thực hiện được khi đã có hệ thống mục tiêu được xây dựng một cách hợp lý, cụ thể. Cần lưu ý: giữa các mục tiêu có mối liên hệ hữu cơ, mang tính hệ thống; việc lựa chọn phương pháp chỉ nhằm xác định cách thức hành động thuận lợi nhất để hoàn thành mục tiêu.
2.3.1.4. Hệ quả
Khái niệm
Hệ quả được thể hiện dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau, vật chất và phi vật chất, hữu hình và vô hình, ngắn hạn và dài hạn.
Hệ quả và kết quả có mối liên hệ mật thiết với nhau và rất cần cho việc phân tích, thiết kế, đánh giá các hoạt động.
Kết quả có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau:
- Đây là sản phẩm được định nghĩa là bất kỳ thứ gì đó xuất hiện như một logic
- Kết quả là ảnh hưởng được định nghĩa: điều xuất hiện do nguyên nhân hay tác nhân tạo nên.
- Kết quả là đầu ra hay sản phẩm cần đạt được khi thực hiện các hành động để
hướng tới mục tiêu.
Hệ quả nhấn mạnh đến ảnh hưởng nhân quả hay mối liên kết có tính tương hỗ, hệ thống giữa các kết quả, có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau:
- Hệ quả với nghĩa tác động: là sức mạnh của một sự kiện, ý tưởng hay sự việc
làm thay đổi hoàn cảnh.
- Hệ quả với nghĩa ảnh hưởng: là quá trình tạo nên ảnh hưởng đủ mạnh hay
bền vững dẫn đến sự phản ứng hay thay đổi trong hành động, tư tưởng, bản chất hay hành vi của trạng thái con người.
Trong kinh doanh, hệ quả thường biểu hiện sự thay đổi, cải thiện tình trạng hay vị thế của doanh nghiệp trên thị trường, môi trường và mối quan hệ trong tổ chức.
Bản chất
Tác động là hệ quả của chuỗi phản ứng lan truyền có tính nhân - quả giữa các hoạt động, hành vi hợp thành hệ thống. Vì thế khi có một nhân tố thay đổi sẽ lan truyền đến các nhân tố khác trong hệ thống, nghĩa là sự thay đổi ở nhân tố trước chính là tác nhân đầu vào với nhân tố tiếp theo. Hệ quả là biểu hiện ảnh hưởng của các kết quả do hành động hay hành vi gây ra, đó là hệ thống các kết quả tương hỗ, vậy bản chất của hệ quả có tính nhân - quả, lan truyền.