Vận dụng trong quản lý

Một phần của tài liệu Giáo trình đạo đức kinh doanh (TS NGUYỄN văn TIẾN ) (Trang 139 - 141)

TẠO LẬP VÀ XÂY DỰNG VĂN HOÁ DOANH NGHIỆP

4.3.4. Vận dụng trong quản lý

4.3.4.1. Phân quyền

Trong doanh nghiệp tập quyền, quyền ra quyết định được lãnh đạo cấp cao thực hiện, cấp dưới được phân quyền rất hạn chế. Những vấn đề đạo đức phổ biến trong doanh nghiệp thường liên quan đến thái độ, tinh thần trách nhiệm. Việc nắm bắt những vấn đề đạo đức nảy sinh trong doanh nghiệp không kịp thời do thông tin cấp dưới cập nhật là chủ yếu. Ngược lại, trong các tổ chức phân quyền, quyền ra quyết định được phân cấp và ủy thác cho những người quản lý các cấp trong hệ thống tổ chức doanh nghiệp, nên vấn đề đạo đức nảy sinh được nắm bắt và xử lý kịp thời, vì thế ít nghiêm trọng hơn. Trong cơ cấu tổ chức tập quyền hay phân quyền, hành vi của các cá nhân trong doanh nghiệp chịu ảnh hưởng rất lớn bởi hành vi của những người xung quanh, đồng nghiệp và những người lãnh đạo, quản lý cấp cao.

Trong doanh nghiệp thì vai trò, động lực và quyền lãnh đạo của người quản lý luôn ảnh hưởng đến quyết định, xu hướng, thái độ, quan điểm đạo đức của doanh nghiệp và nhân viên. Tuy nhiên, năng lực lãnh đạo còn thể hiện ở một số nhóm phi chính thức trong doanh nghiệp, họ khai thác, sử dụng nguồn quyền lực vật chất (tài lực), mối quan hệ hay thông tin (thế lực) và kiến thức (trí lực) để tạo nên nhiều vấn đề đạo đức mà người quản lý không nhận ra hoặc không thừa nhận. Những ảnh hưởng không công khai, khó xác định nhưng rất hiệu quả này có thể tạo ra xung đột, làm giảm hiệu lực của hệ thống tổ chức chính thức, quyền lãnh đạo và dẫn đến những vấn đề đạo đức nghiêm trọng.

4.3.4.2. Định hình phong cách lãnh đạo mang triết lý văn hoá

Những quyết định của người quản lý có thể ảnh hưởng đến người khác và phong cách tổ chức. Họ cũng là người lãnh đạo, có thể tạo ra, củng cố, thay đổi hay đưa các giá trị, triết lý văn hoá cá nhân vào văn hoá tổ chức. Người lãnh đạo có ảnh hưởng đến việc xây dựng văn hoá doanh nghiệp thường là quản lý cấp cao, tuy nhiên cũng có trường hợp họ không phải người quản lý nhưng có khả năng tạo ảnh

hưởng đến tổ chức, có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng, phát triển bản sắc văn hoá doanh nghiệp.

Phương châm hành động của một cá nhân thể hiện quan điểm, triết lý đạo đức

của người đó. Nếu quan điểm, triết lý đạo đức của người lãnh đạo phù hợp với triết lý hoạt động và hệ thống giá trị của tổ chức thì họ có vai trò cổ vũ cho việc phổ biến, tôn trọng, phát triển các giá trị văn hoá của doanh nghiệp. Ngược lại, họ sẽ làm cho các giá trị văn hóa bị lu mờ, mâu thuẫn khiến tổ chức bất ổn, mất phương hướng.

Như vậy phong cách lãnh đạo mang triết lý văn hoá phụ thuộc vào năng lực

lãnh đạo và phương châm hành động của người quản lý. Năng lực lãnh đạo là khả

năng tác động đến người khác và buộc họ phải làm theo. Năng lực lãnh đạo của cá nhân phụ thuộc vào quyền lực họ có và khả năng khai thác, sử dụng chúng như: vị trí chính thức trong tổ chức (tài lực), năng lực chuyên môn (trí lực), tư cách đạo đức và mối quan hệ (thế lực). Vai trò, năng lực của người lãnh đạo càng lớn thì ảnh hưởng của họ càng nhiều đối với việc hình thành, củng cố bản sắc văn hoá doanh nghiệp.

4.3.4.3. Quản lý hình tượng

Cách thức quản lý truyền thống trở nên kém hiệu lực và không thể truyền tải đầy đủ các giá trị đạo đức của tổ chức. Thực tế trong doanh nghiệp đôi khi nhiều văn bản hướng dẫn chính thức chỉ còn là hình thức; quy định đưa ra hay giá trị đòi hỏi phải được tôn trọng thì kém hiệu lực, không được thể hiện hay phản ánh trong hoạt động và kết quả của nhân viên. Người quản lý cần tìm cách giao tiếp và thông tin thích hợp cho người lao động.

Quản lý hình tượng có thể tác động đến các giá trị văn hoá, đạo đức trong doanh nghiệp, chỉ ra giá trị của tổ chức để thuyết phục mọi thành viên và khích lệ

họ vận dụng trong hoạt động hàng ngày. Vì vậy, quản lý hình tượng cần phải xác

bảo các biểu trưng của doanh nghiệp như biểu tượng, lễ nghi, tuyên bố, khẩu hiệu, ấn phẩm… phù hợp, thống nhất trong việc thể hiện các giá trị của tổ chức.

Lời nói và hành động của người quản lý có thể ảnh hưởng đến sự phát triển văn hoá và giá trị của tổ chức, ngay cả khi họ không nhận ra hoặc không chủ ý. Việc quản lý hình tượng của người quản lý chủ yếu liên quan đến biểu tượng, lễ tiết, hình ảnh, lời nói, hành vi, nên qua việc quan sát họ, nhân viên dưới quyền sẽ nhìn nhận được các giá trị, niềm tin, mục đích. Trong thực tế, lãnh đạo doanh nghiệp thường sử dụng lễ nghi, nghi thức tượng trưng để gửi thông điệp về giá trị đạo đức, văn hoá chủ đạo đến người khác.

Để quản lý hiệu quả giá trị của tổ chức, người quản lý cần nắm vững kỹ năng tổ chức lễ nghi và xây dựng hình tượng; soạn thảo, phát động phong trào, cách thức diễn thuyết. Thông qua biểu tượng, giai thoại, nghi thức sẽ cung cấp thông tin về những điều tổ chức cần tôn trọng, giúp nhận ra cách thức để hoà hợp với môi trường. Thực chất việc quản lý hình tượng là quản lý các biểu trưng và tên hiệu, vai trò của người quản lý giống nhà truyền giáo hơn là chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn cụ thể.

Lựa chọn phong cách lãnh đạo của người quản lý không chỉ là chọn cách thể hiện tư tưởng, quan điểm hay cách thức tạo ảnh hưởng đến người khác, đó là phương pháp điều hành gồm nhiều hệ thống giá trị, nhu cầu về quyền lực và lợi ích.

Một phần của tài liệu Giáo trình đạo đức kinh doanh (TS NGUYỄN văn TIẾN ) (Trang 139 - 141)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(151 trang)
w