Biểu trưng trực quan

Một phần của tài liệu Giáo trình đạo đức kinh doanh (TS NGUYỄN văn TIẾN ) (Trang 79 - 83)

CHƯƠNG 3 VĂN HOÁ DOANH NGHIỆP

3.2.1. Biểu trưng trực quan

Biểu trưng trực quan của văn hóa doanh nghiệp trong một tổ chức được thể hiện ở đặc điểm kiến trúc, nghi lễ, giai thoại, biểu tượng, ngôn ngữ, ấn phẩm điển hình và lịch sử phát triển, truyền thống.

 Kiến trúc

Kiến trúc và thiết kế nội thất công sở là những đặc trưng của một doanh nghiệp, rất được quan tâm, chú trọng như phương tiện thể hiện tính cách đặc trưng của tổ chức, gồm:

• Công trình kiến trúc, kiểu dáng kết cấu có thể được coi là biểu tượng, hình ảnh phản ánh ý nghĩa, giá trị phương châm chiến lược của doanh nghiệp, nó có thể ảnh hưởng đến hành vi con người về cách thức giao tiếp và quá trình thực hiện công việc.

• Mỗi công trình kiến trúc đều chứa đựng giá trị lịch sử gắn liền với quá trình hình thành, phát triển của doanh nghiệp qua các thế hệ.

• Công trình kiến trúc trở thành một bộ phận hữu cơ trong các sản phẩm của doanh nghiệp.

- Những công trình kiến trúc đặc biệt và đồ sộ gây ấn tượng về sự khác biệt, thành công và sức mạnh của phần lớn doanh nghiệp thành công hoặc đang phát triển. Các công trình này được sử dụng như biểu tượng và hình ảnh về doanh nghiệp. Ví dụ: công trình kiến trúc lớn của các nhà thờ, trường đại học, trung tâm thương mại, thương hiệu nổi tiếng.. rất được các doanh nghiệp quan tâm như phương tiện thể hiện tính cách đặc trưng của mình.

- Thiết kế nội thất: những quy định tiêu chuẩn như màu sắc, kiểu dáng của bao bì đặc trưng, từ mặt bằng, quầy, bàn ghế, phòng, giá để hàng, lối đi, loại dịch vụ, trang phục... đến những chi tiết như vị trí công tắc điện, thiết bị trong phòng vệ sinh... tất cả đều được sử dụng để tạo ấn tượng thân quen, thiện chí mang tính đặc thù của doanh nghiệp.

Nghi lễ

Là những hoạt động đã được dự kiến từ trước và chuẩn bị kỹ với các hình thức hoạt động, sự kiện văn hoá - xã hội, thể hiện tình cảm được thực hiện định kỳ hay bất thường nhằm thiết lập, tăng cường mối quan hệ doanh nghiệp vì lợi ích của

người tham dự, đối tượng quản lý có thể sử dụng để giới thiệu về những giá trị được doanh nghiệp coi trọng. Đó cũng là dịp đặc biệt để nhấn mạnh giá trị riêng của doanh nghiệp, tạo cơ hội cho mọi thành viên cùng chia sẻ nhận thức về những sự kiện trọng đại, nêu gương và khen tặng các điển hình tạo niềm tin, cách thức, hành động cần tôn trọng của doanh nghiệp, tổ chức.

Giai thoại

Giai thoại thường được tạo lập từ những sự kiện có thật, được mọi thành viên trong doanh nghiệp cùng chia sẻ và truyền đạt lại với người mới. Những câu chuyện, thông tin về nhân vật điển hình, tấm gương xuất sắc về chuẩn mực và giá trị văn hoá doanh nghiệp trở thành giai thoại mang tính lịch sử có thể được thêu dệt thêm, đôi khi biến thành huyền thoại chứa đựng giá trị và niềm tin trong doanh nghiệp mà không cần chứng minh qua thực tế. Giai thoại có tác dụng duy trì sức sống cho các giá trị ban đầu của doanh nghiệp và giúp thống nhất về nhận thức của tất cả thành viên.

Biểu tượng

Dùng để biểu thị hình ảnh, ý tưởng với ý nghĩa nhất định, có tác dụng giúp mọi người nhận ra hay hiểu được giá trị mà nó biểu thị. Các công trình kiến trúc, lễ nghi, giai thoại, khẩu hiệu đều chứa đựng những đặc trưng của biểu tượng, bởi thông qua giá trị vật chất cụ thể hữu hình, các biểu trưng này đều muốn truyền đạt giá trị, ý nghĩa tiềm ẩn bên trong cho những người tiếp nhận theo cách thức khác nhau. Chẳng hạn logo hay một tác phẩm được thiết kế để thể hiện hình tượng về một doanh nghiệp bằng ngôn ngữ nghệ thuật sẽ hướng sự chú ý của người quan sát vào một số chi tiết hay điểm nhấn cụ thể để diễn đạt giá trị chủ đạo mà doanh nghiệp muốn tạo ấn tượng, lưu lại hay truyền đạt cho người ngắm.

Ngôn ngữ, khẩu hiệu

Ngôn ngữ, khẩu hiệu cũng là đặc trưng văn hoá của doanh nghiệp, diễn đạt triết lý hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, truyền tải ý nghĩa cụ thể đến nhân

viên và đối tượng hữu quan. Khẩu hiệu thường rất ngắn gọn, sử dụng ngôn từ đơn giản, dễ nhớ, là hình thức dễ nhập tâm, luôn được nhân viên và cả khách hàng nhắc đến.

Ấn phẩm điển hình

Là những tư liệu chính thức có thể giúp đối tượng hữu quan nhận thức rõ hơn về cấu trúc văn hoá của một doanh nghiệp. Đó có thể là bản tuyên bố sứ mệnh, báo cáo thường niên, tờ rơi, tài liệu giới thiệu về doanh nghiệp, sổ vàng truyền thống, ấn phẩm định kỳ hay tài liệu giới thiệu sản phẩm và doanh nghiệp… giúp làm rõ mục tiêu của doanh nghiệp, phương châm hành động, niềm tin và giá trị chủ đạo, triết lý quản lý, thái độ đối với lao động, doanh nghiệp, người tiêu dùng, xã hội.

Chúng cũng giúp đối tượng nghiên cứu so sánh, đối chiếu sự đồng nhất giữa các biện pháp được áp dụng với những triết lý được tổ chức tôn trọng. Với đối tượng hữu quan bên ngoài, đây chính là căn cứ để xác định tính khả thi và hiệu lực của văn hoá doanh nghiệp; còn với đối tượng hữu quan bên trong thì đây là căn cứ để nhận biết và thực thi văn hoá doanh nghiệp.

Lịch sử phát triển và truyền thống

Là những biểu trưng về giá trị, triết lý chắt lọc trong quá trình hoạt động được các thế hệ của tổ chức tôn trọng, giữ gìn, tổ chức sử dụng để thể hiện những giá trị chủ đạo và phương châm hành động cần kiên trì theo đuổi.

Khó thể xem lịch sử phát triển và truyền thống văn hoá là nhân tố cấu thành của văn hoá doanh nghiệp do chúng có từ trước và tồn tại bất chấp quan điểm của người quản lý hiện nay. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận vai trò quan trọng và ảnh hưởng của chúng đến việc xây dựng, điều chỉnh, phát triển những đặc trưng văn hoá mới của một doanh nghiệp. Trong thực tiễn các doanh nghiệp có lịch sử phát triển lâu đời về truyền thống thường khó thay đổi hơn các doanh nghiệp mới chưa định hình rõ phong cách hay đặc trưng văn hoá doanh nghiệp, vì vậy truyền thống, tập quán, văn hoá đã định hình và xuất hiện trong lịch sử vừa là nền tảng, chỗ dựa

nhưng cũng có thể trở thành rào cản tâm lý trong việc xây dựng, phát triển những đặc trưng văn hoá mới.

Lịch sử phát triển và truyền thống có vai trò quan trọng đồng thời ảnh hưởng đến việc xây dựng, điều chỉnh, phát triển những đặc trưng văn hóa doanh nghiệp mới trong một tổ chức.

Doanh nghiệp có nền văn hoá mạnh được thể hiện qua việc sử dụng thường xuyên và có kết quả các đặc trưng biểu hiện, điều này sẽ giúp các thành viên gắn kết với nhau đồng thời tạo nên sức mạnh tổng hợp. Văn hoá doanh nghiệp thể hiện những giá trị mà mỗi thành viên cần cân nhắc khi quyết định hành động, làm tăng thêm quyết tâm phấn đấu vì các giá trị và chiến lược chung của doanh nghiệp.

Người quản lý đóng vai trò quan trọng đối với việc phát triển và duy trì văn hoá doanh nghiệp mạnh, biết sử dụng các đặc trưng biểu hiện hiệu quả. Tuyển chọn thành viên mới có năng lực, ý thức trách nhiệm cao, gắn bó với công việc và giúp họ hiểu rõ văn hoá doanh nghiệp là yêu cầu thiết yếu đối với người quản lý nhằm xây dựng môi trường văn hoá tích cực. Yêu cầu thành viên mới tự tìm hiểu, xác định chuẩn mực hành vi, niềm tin giá trị chủ đạo của doanh nghiệp, thứ tự ưu tiên và tham gia vào các hoạt động kinh doanh để học cách làm chủ, tự chủ, độc lập, bằng cách đó các nhân viên có điều kiện dung hoà niềm tin, quan điểm giá trị của họ với niềm tin, giá trị chung của doanh nghiệp.

Một phần của tài liệu Giáo trình đạo đức kinh doanh (TS NGUYỄN văn TIẾN ) (Trang 79 - 83)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(151 trang)
w