TẠO LẬP VÀ XÂY DỰNG VĂN HOÁ DOANH NGHIỆP
4.4.3. Chương trình đạo đức trong văn hóa doanh nghiệp
Để các chuẩn mực và hệ thống chuẩn mực đạo đức có hiệu lực, tạo điều kiện triển khai giao ước, cần xây dựng chương trình đạo đức toàn diện có tính khả thi, gồm các hoạt động, kế hoạch hay chương trình hành động nhằm phổ biến, giáo dục các thành viên, các đối tượng hữu quan về hệ thống chuẩn mực hành vi đạo đức đồng thời hỗ trợ, thúc đẩy, giám sát việc triển khai chương trình. Trong hệ thống chuẩn mực về đạo đức thì hệ thống chuẩn mực chung của tổ chức đóng vai trò định hướng, còn hệ thống tiêu chuẩn giao ước về đạo đức giữ vai trò tác nghiệp, quyết
định chủ yếu kết quả thực hiện. Chính vì vậy, các chương trình đạo đức tập trung chủ yếu vào hệ thống chuẩn mực giao ước, gồm hai nhóm:
- Xây dựng các chương trình giao ước đạo đức;
- Tổ chức thực hiện, điều hành, giám sát việc thực hiện các chương trình giao ước
đạo đức.
4.4.3.1. Xây dựng chương trình giao ước đạo đức
Là lập phương án, kế hoạch nhằm phổ biến, quán triệt, triển khai, cam kết thực hiện hệ thống chuẩn mực đạo đức và chuẩn mực giao ước đạo đức. Về nguyên tắc, mục tiêu xây dựng chương trình đạo đức là tập trung giải quyết các vấn đề đạo đức và mối quan hệ trong kinh doanh, xây dựng chương trình giao ước đạo đức.
Xây dựng chương trình giao ước đạo đức là lập ra quy trình cơ bản có tính nguyên lý và một số nguyên tắc mang tính đặc thù liên quan đến lĩnh vực đạo đức, có thể sử dụng “khung logic” hoặc công cụ lập kế hoạch truyền thống nhằm đạt mục tiêu. Các chương trình xây dựng hệ thống tiêu chuẩn giá trị giao ước cần được thiết kế cẩn thận, có ý nghĩa đối với tổ chức, cá nhân. Vì vậy, mỗi tổ chức có thể có chương trình giao ước đạo đức khác nhau nhưng họ đều có chung mong muốn là phải mang tính hiệu lực. Một số yêu cầu đối với chương trình giao ước đạo đức:
Phải mang tính chuẩn mực và hướng dẫn, có khả năng phát hiện, ngăn chặn
hành vi vi phạm về đạo đức.
Trách nhiệm đối với chương trình giao ước đạo đức phải do lãnh đạo cấp cao
đảm nhận.
Không giao nhiều quyền lựa chọn cho những vị trí có nguy cơ mắc sai lầm.
Tổ chức quán triệt về chuẩn mực và hướng dẫn thông qua các hoạt động tập
huấn, bồi dưỡng về đạo đức.
Thiết lập hệ thống giám sát, thanh tra báo cáo những hành vi vi phạm.
Thường xuyên đổi mới, hoàn thiện các chương trình giao ước đạo đức. Để chương trình này có hiệu lực trong thực tế, vai trò của người quản lý là nhân tố quan trọng, có ý nghĩa quyết định đảm bảo tính hiệu lực.
4.4.3.2. Tổ chức thực hiện, điều hành và giám sát việc thực hiện chương trình giao ước đạo đức
Về cơ bản, quá trình triển khai thực hiện bao gồm các việc: chuẩn bị, biên soạn tài liệu hướng dẫn thực hiện; phổ biến, quán triệt chuẩn mực đạo đức; phân công trách nhiệm giám sát chính thức và thông báo trong toàn doanh nghiệp.
Nội dung chủ yếu của việc triển khai các chương trình đạo đức:
Phổ biến về chuẩn mực đạo đức đến tất cả mọi người trong đơn vị, chi nhánh,
đại diện, đối tác.
Hỗ trợ nhân viên trong việc quán triệt và vận dụng nội dung các chuẩn mực.
Chỉ định vị trí quản lý chịu trách nhiệm thi hành.
Thông báo trong toàn tổ chức về nghĩa vụ phải nghiên cứu, quán triệt các
chuẩn mực và mục đích của việc ban hành chuẩn mực đạo đức.
Ban hành quy chế xử lý vi phạm.
Sử dụng khẩu hiệu thể hiện phương châm đạo đức chủ đạo của tổ chức trong
các văn bản hay hoạt động liên quan đến đạo đức.
Một số nhân tố quyết định việc phổ biến, quán triệt các chuẩn mực đạo đức:
Hỗ trợ nhân viên xác minh khía cạnh, vấn đề đạo đức trong hoạt động hàng
ngày.
Giúp nhân viên hiểu, nhận diện rõ, chính xác các hoàn cảnh nảy sinh vấn đề
Giúp nhân viên nhận thức được hành vi hàng ngày của họ sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh đạo đức của tổ chức.
Định hướng việc tìm người quản lý phù hợp để giải quyết những tình huống
nan giải về đạo đức.
Hạn chế tư tưởng luôn tìm cách biện hộ cho hành vi phi đạo đức.
Khi triển khai các hoạt động trên, tài liệu hướng dẫn cần được biên soạn kỹ lưỡng, chi tiết, đầy đủ để tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện. Đồng thời biểu trưng văn hóa doanh nghiệp cũng cần được thiết kế thích hợp để phổ biến vì nó có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh, biểu tượng, ý nghĩa, giá trị cho các biểu trưng văn hóa doanh nghiệp về sau.
Vai trò, trách nhiệm của người quản lý cao cấp trong các chương trình đạo đức và triển khai hệ thống chuẩn mực đạo đức rất lớn, cụ thể:
Người khởi xướng: với tư cách này, người quản lý luôn phải đi đầu và luôn ý thức rằng họ chính là tấm gương mẫu mực cho người khác noi theo trong việc thực hiện các chương trình đạo đức.
Người định hướng: vai trò định hướng gắn liền với vai trò khởi xướng, tuy nhiên vai trò định hướng đòi hỏi người quản lý phải làm rõ thông tin chính xác những điều cần thực hiện khi gửi tới người khác.
Người bắt nhịp: vai trò bắt nhịp đặt người quản lý ở vị trí trung tâm phối hợp, nội dung của chương trình đạo đức và hoạt động phải đồng bộ, hài hòa, mâu thuẫn phải được triệt tiêu.
Người mở đường: vai trò này nhắc nhở người quản lý rằng thực thi các chương trình đạo đức là công việc của tất cả thành viên trong tổ chức và thành công của nó phụ thuộc vào tinh thần tự giác, sự nỗ lực của họ.
Người giám hộ: vai trò người giám hộ đối với các chương trình đạo đức nhấn mạnh chức năng kiểm tra, giám sát đối với việc thực thi các chương trình này trong tổ chức.