Hệ thống tiêu chuẩn giao ước về đạo đức

Một phần của tài liệu Giáo trình đạo đức kinh doanh (TS NGUYỄN văn TIẾN ) (Trang 143 - 144)

TẠO LẬP VÀ XÂY DỰNG VĂN HOÁ DOANH NGHIỆP

4.4.2. Hệ thống tiêu chuẩn giao ước về đạo đức

Các tiêu chuẩn giao ước (cam kết) về đạo đức là cách thể hiện chuẩn mực đạo đức trong từng nhiệm vụ, công việc, vị trí công tác của tổ chức, đồng thời đó cũng là sự cam kết của các tổ chức trong việc thực hiện chuẩn mực đạo đức. Các cam kết về đạo đức thường được thể hiện thông qua tuyên bố về hành vi hay mục tiêu, kết quả cần đạt được về đạo đức của cá nhân trong quá trình thực hiện công việc chuyên môn và các mối quan hệ hữu quan. Chúng có thể là bản đăng ký giao ước thi đua, quy định về tác phong - lối sống - tư tưởng trong kế hoạch hành động.

Xét về hình thức, hệ thống tiêu chuẩn giao ước về đạo đức là những tiêu chuẩn giao ước cá nhân được tập hợp nhằm bảo đảm sự thống nhất trong hành vi đạo đức để thể hiện nhất quán các giá trị và triết lý chung của văn hoá doanh nghiệp. Hệ thống tiêu chuẩn giao ước tập trung vào việc duy trì, phát huy các giá trị, triết lý đạo đức của tổ chức.

Xét về ý nghĩa, hệ thống tiêu chuẩn giao ước về đạo đức là kết quả triển khai cụ thể hệ thống chuẩn mực hành vi đạo đức cho từng thành viên. Từ đó, chúng được coi là mục tiêu cần đạt được cho từng người và vị trí trong quá trình hoạt động, phối hợp hành động nhằm thể hiện nhất quán hệ thống giá trị, triết lý chung trong văn hóa doanh nghiệp của tổ chức. Việc tập hợp các tiêu chuẩn cam kết cho công việc của tổ chức sẽ hình thành hệ thống tiêu chuẩn giao ước (cam kết) về đạo đức của một tổ chức.

Thực tế việc xây dựng hệ thống tiêu chuẩn giao ước gặp nhiều khó khăn do tính chất công việc của các thành viên khác nhau về vị trí, nhận thức, thói quen hành động. Mỗi cá nhân có mong muốn, ước mơ, mục tiêu riêng của mình nên để có được những chuẩn mực hành vi đúng đắn cần xác định mục tiêu đúng đắn và phản ánh được mong muốn, hoài bão, ước mơ, giá trị chủ đạo của tổ chức, cá nhân thành viên.

Xây dựng hệ thống tiêu chuẩn về đạo đức có thể sử dụng công cụ “khung logic” và nhân tố “đầu vào” là các chuẩn mực đạo đức của văn hóa doanh nghiệp. Những chuẩn mực này được thể hiện bằng chỉ tiêu, chỉ báo, dấu hiệu phù hợp trên các khía cạnh, phương diện khác nhau của hoạt động tác nghiệp. Đây chính là căn cứ để các bộ phận, đơn vị chuyên môn và cá nhân xây dựng tiêu chuẩn hành động về đạo đức cho mình. Công tác triển khai thường được tiến hành thông qua việc phân cấp theo thứ tự: cấp đơn vị, bộ phận chức năng, chuyên môn và các cá nhân. Với cách này có thể đảm bảo tính logic, liên kết và thống nhất của hệ thống tiêu chuẩn đạo đức được thiết lập.

Để việc xây dựng tiêu chuẩn hành vi phù hợp với thói quen của từng người và tạo động lực cho việc thực hiện, cách tốt nhất là để chính các thành viên, cá nhân tự xây dựng cho mình trên cơ sở chuẩn mực chung và các tiêu chuẩn cho từng đơn vị, bộ phận chuyên môn đã được xác định, gọi là tiêu chuẩn “giao ước” hay “cam kết”.

Một phần của tài liệu Giáo trình đạo đức kinh doanh (TS NGUYỄN văn TIẾN ) (Trang 143 - 144)