Các dạng văn hoá doanh nghiệp của Deal và Kennedy

Một phần của tài liệu Giáo trình đạo đức kinh doanh (TS NGUYỄN văn TIẾN ) (Trang 88 - 90)

CHƯƠNG 3 VĂN HOÁ DOANH NGHIỆP

3.3.2. Các dạng văn hoá doanh nghiệp của Deal và Kennedy

Deal và Kennedy (1982) đã đưa ra bốn dạng văn hoá doanh nghiệp điển hình là: nam nhi (tough-guy, macho), làm ra làm/chơi ra chơi (workhard/playhard), phó thác (bet-your-company) và quy trình (process) dựa trên hai tiêu thức về thị trường là mức độ rủi ro gắn với hoạt động của công ty và thời gian công ty lẫn nhân viên của họ nhận được phản ứng về chiến lược, quyết định. Cách phân loại này được coi là hữu ích trong việc giúp những người quản lý định dạng đặc trưng cho văn hóa doanh nghiệp của một tổ chức.

Sơ đồ 3.2: Các dạng văn hóa theo Deal và Kennedy

Văn hoá nam nhi (tough-guy, macho culture)

Xuất hiện khi một tổ chức có những thành viên luôn được khuyến khích sẵn sàng chấp nhận rủi ro, phản ứng nhanh. Hiệu quả công việc là thước đo năng lực của họ, vì thế nó luôn coi trọng việc đặt cá nhân dưới những áp lực lớn, trực tiếp và chú trọng tốc độ phản ứng.

Ưu điểm của văn hóa này là thích hợp khi các tổ chức hoạt động trong điều kiện bất trắc, môi trường không ổn định, cần sự linh hoạt và nhạy bén để đạt năng suất cao. Hạn chế là thiếu khả năng hợp tác nên khó hình thành tổ chức mạnh, gắn bó.

Văn hoá làm ra làm/chơi ra chơi (workhard/playhard culture)

Văn hóa này xuất hiện khi một tổ chức hoạt động trong môi trường ít rủi ro nhưng lại cần sự phản ứng nhanh. Việc ra quyết định được phân bổ cho nhiều người quản lý trung gian, nhiều phương tiện và hệ thống kiểm soát, khi đó rủi ro sẽ được

hạn chế đến mức thấp nhất. Loại văn hóa này thường năng động, hướng ngoại và chú trọng đến khách hàng.

Ưu điểm của văn hóa làm ra làm/chơi ra chơi là chú trọng khuyến khích thi đua, thách thức giữa các cá nhân, bộ phận, tạo sự hứng thú trong một tổ chức. Hạn chế là thiếu sự chín chắn, khá thực dụng, thiển cận và phiến diện khi ra quyết định xử lý dứt điểm.

Văn hoá phó thác (bet-your-company)

Xuất hiện khi một tổ chức hoạt động trong điều kiện môi trường nhiều rủi ro, các quyết định phản ứng thường mất nhiều thời gian, mục tiêu quan tâm là tương lai. Khi đó sự thận trọng được ưu tiên, phải thông qua nhiều cuộc họp và các quyết định được tập trung ở cấp cao, sau đó truyền xuống cấp thấp hơn theo cơ chế “top- down”.

Ưu điểm của văn hóa này là có thể tạo ra những đột phá về chất lượng và sáng tạo chuyên môn. Hạn chế chủ yếu là phản ứng chậm, có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng hơn.

Văn hoá quy trình (process culture)

Xuất hiện khi một tổ chức hoạt động trong môi trường rủi ro thấp, không cần phản ứng nhanh. Nhân viên thực hiện theo trình tự được định sẵn, phản hồi về công việc của họ rất ít. Những người làm việc trong môi trường này thường cẩn thận, luôn coi trọng sự hoàn hảo về chuyên môn và là những người có tính kỷ luật, chi tiết, chính xác.

Ưu điểm của văn hoá quy trình là tính hiệu quả cao khi xử lý công việc trong môi trường ổn định, chắc chắn. Hạn chế là khả năng thích ứng không cao, cứng nhắc, thiếu sáng tạo.

Một phần của tài liệu Giáo trình đạo đức kinh doanh (TS NGUYỄN văn TIẾN ) (Trang 88 - 90)