3. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN
1.2.2 Tình hình thựchiện công tác giám sát đầu tư công của cộng đồng ở một số tỉnh
tỉnh Bắc Trung Bộ
Sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, có thể khẳng định chương trình đã được triển khai tích cực, đúng hướng và đạt được nhiều kết quả quan trọng, được nhân dân đồng tình, ủng hộ và tham gia tích cực. Đến nay, xây dựng NTM đã trở thành phong trào thi đua, phong trào quần chúng sôi nổi và tương đối đều khắp trong cả nước. Chương trình đã làm thay đổi nhận thức của đa số cán bộ và người dân: từ trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước, sang tự chủ thực hiện, tạo thành phong trào sôi động khắp cả nước.
Để có được những thành công đó trong những năm qua, Nhà nước đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng để triển khai xây dựng NTM. Hàng nghìn công trình xây dựng hạ tầng nông thôn tại các xã, thị trấn, bản, như: làm nhà văn hoá, xây cầu, trường học, kênh mương, làm đường và các dự án đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp… Để nâng cao hiệu quả, chất lượng và đảm bảo tiến độ các công trình, nhiều địa phương, nhất là ở xã, bản đã thành lập các ban giám sát đầu tư cộng đồng với các quy định cụ thể phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đơn vị. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, ban giám sát đầu tư cộng đồng ở nhiều địa phương đã xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát và tổ chức thực hiện có hiệu quả kịp thời phát hiện những bất cập trong quản lý đầu tư và triển khai xây dựng các công trình. Sau đây là kết quả giám sát cộng đồng của một số tỉnh ở khu vực Bắc Trung Bộ:
1.2.2.1 Hà Tĩnh
Hà Tĩnh là 1 trong 7 tỉnh đầu tiên của cả nước về đích trong thực hiện chương trình nông thôn mới. Để đạt được thành tích này đòi hỏi sự nổ lực và phấn đấu của người dân và chính quyền địa phương. Tất vả những công trình xây dựng đều được nhân dân bàn bạc dân chủ, công khai, do nhân dân thực hiện và kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện đảm bảo phù hợp quy hoạch, tiến độ, chất lượng công trình, đảm bảo mỹ quan, môi trường và lợi ích của cộng đồng. Tuy nhiên, việc giám sát không phải thực hiện một cách tự do, tùy tiện mà do BGSĐTCĐ được nhân dân ở các khu dân cư lựa chọn bầu ra, Ban Thường trực UBMTTQ các xã, phường, thị trấn quyết định công nhận và trực tiếp hướng dẫn hoạt động theo nhiệm kỳ 2 năm.
Hiện nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh có 262 BGSĐTCĐ với 2.397 thành viên đã thực hiện giám sát hàng ngàn công trình, phát hiện hàng trăm công trình sai phạm, kịp thời kiến nghị với các cấp có thẩm quyền xử lý, khắc phục. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2012, các BGSĐTCĐ đã tham gia giám sát 693 công trình, phát hiện 134 công trình có sai phạm đã kiến nghị chủ đầu tư, cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo nhà thầu khắc phục, chủ yếu là các công trình mà người dân trực tiếp hưởng lợi như trường học, trạm xá, đường giao thông, kênh mương nội đồng, nhà văn hóa khu dân cư…
Khi phát hiện công trình có sai phạm, Ban giám sát đầu tư cộng đồng lập văn bản kiến nghị với Chủ đầu tư và các cơ quan có thẩm quyền liên quan chỉ đạo nhà thầu xử lý, khắc phục kịp thời, đồng thời giám sát việc khắc phục, sửa chữa đó. Điển hình như BGSĐTCĐ xã Ân Phú, huyện Vũ Quang đã giám sát công trình trạm y tế xã, nhà văn hóa khu dân cư thôn 3 và đã phát hiện nhà thầu thi công các hạng mục không đúng với hồ sơ thiết kế đó là phần khung gỗ ngoại, gỗ cửa, gạch ốp lát, kính chắn gió, BGSĐTCĐ xã đã kiến nghị chủ đầu tư và cơ quan chức năng yêu cầu nhà thầu ngừng thi công và bố trí sử dụng các vật liệu xây dựng đúng theo quy định của hồ sơ thiết kế. Hay tại xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, BGSĐTCĐ đã giám sát việc xây dựng trường học 2 tầng và phát hiện gạch xây tường, đá đổ dầm tầng 2 không đúng với loại quy định trong hồ sơ thiết kế, Ban đã kiến nghị chủ đầu tư yêu cầu nhà thầu ngừng thi công và mua đúng loại vật liệu mới được thi công tiếp. [20]
Theo dõi sát sao hiệu quả hoạt động của BGSĐTCĐ là việc làm thường xuyên của MTTQ các cấp ở Hà Tĩnh, đằng sau hiệu quả hoạt động của BGSĐTCĐ là sự hướng dẫn, uốn nắn, điều chỉnh, giám sát nghiêm túc của MTTQ. BGSĐTCĐ được kiện toàn đảm bảo chất lượng, tập hợp được những người có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, công tâm và tâm huyết với công việc để việc giám sát đầu tư cộng đồng ở cơ sở thực sự có hiệu quả. [20]
1.2.2.2 Quảng Bình
Theo Quyết định 80/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, MTTQ có quyền giám sát các công trình triển khai trên địa bàn có vốn đầu tư của Nhà nước, cộng đồng, người dân; theo dõi, đánh giá việc chấp hành quy định về quản lý đầu tư của cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư, chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu, đơn vị thi công; phát hiện các vi phạm quy định quản lý đầu tư để kịp thời ngăn chặn, xử lý, chống lãng phí, thất thoát vốn và tài sản nhà nước, ...[21]
Để nâng cao chất lượng công tác giám sát, Uỷ ban MTTQ tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo và hướng dẫn thành lập các Ban giám sát đầu tư cộng đồng ở tỉnh, huyện và các cơ sở. Hầu hết thành viên đều là những người có kinh nghiệm, có trình độ pháp lý nhất định. Quá trình giới thiệu nhân sự và tổ chức hội nghị ở khu dân cư để bầu Ban giám sát đầu tư cộng đồng đều được Mặt trận cơ sở thực hiện nghiêm túc, bảo đảm theo đúng quy trình, quy định của pháp luật.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 153 Ban giám sát đầu tư cộng đồng với tổng số 1.174 thành viên. Ngoài ra, ở nhiều địa phương, hoạt động giám sát được giao cho các Ban thanh tra nhân dân đảm nhiệm. Nhằm nâng cao năng lực hoạt động cho các thành viên ban giám sát, ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính mở nhiều lớp tập huấn cho cán bộ các cấp những nội dung về công tác Ban giám sát đầu tư cộng đồng như: phạm vi, đối tượng giám sát, phương thức thực hiện
Để tạo thuận lợi cho các Ban giám sát đầu tư cộng đồng, cấp uỷ, chính quyền các địa phương đã chỉ đạo thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện công khai, minh bạch trong các công việc liên quan đến cộng đồng, nhất là việc xây dựng các dự án, đề án đầu tư các công trình công cộng. Thông qua hoạt động giám sát, các Ban giám sát đầu tư cộng đồng đã phát hiện nhiều thiếu sót, nhất là sai phạm trong quá trình lập thủ tục đầu tư thi công công trình; vi phạm về tiến độ đầu tư; vi phạm quy trình, quy phạm kỹ thuật, chủng loại vật tư gây thất thoát tài sản của Nhà nước và nhân dân đóng góp; phản ánh kịp thời với đơn vị thi công và chủ đầu tư để khắc phục sửa chữa, bảo đảm tiến độ, tránh lãng phí, thất thoát, đem lại niềm tin cho nhân dân.
Tại huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình ban giám sát đầu tư cộng đồng đã tổ chức giám sát 86 công trình xây dựng cơ bản tại cộng đồng như: Đường giao thông nông thôn, bê tông hóa kênh mương nội đồng và một số công trình phúc lợi như tu sửa nghĩa trang, xây dựng nhà văn hóa, trường học, trạm y tế ... Qua giám sát đã phát hiện nhiều công trình thực hiện chưa bảo đảm kỹ thuật, sai thiết kế, buộc chủ đầu tư, nhà thầu điều chỉnh và làm lại như: đường giao thông nông thôn xã Quảng Tùng, kiên cố hóa kênh mương xã Quảng Lộc, cải tạo mạng lưới điện hạ áp nông thôn ở xã Quảng Thủy, công trình Trạm Y tế xã Quảng Lưu...
Tuy nhiên, hoạt động của các Ban giám sát đầu tư cộng đồng nhìn chung còn gặp khó khăn, hoạt động chưa hiệu quả. Vì vậy trong thời gian tới, để hoạt động giám sát của Ban giám sát đầu tư cộng đồngđạt hiệu quả cao hơn nữa thì rất cần sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành. Đồng thời, tăng cường công tác tập huấn nghiệp vụ cũng như kinh phí hoạt động cho Ban giám sát đầu tư cộng đồng. [21]