Những vấn đề chung về nông thôn mới

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu cơ chế tăng cường giám sát đầu tư công của cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới nghiên cứu trường hợp tại huyện quảng điền (Trang 34 - 37)

3. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN

1.1.4 Những vấn đề chung về nông thôn mới

1.1.4.1 Khái niệm nông thôn

Hiện tại có rất nhiều quan điểm khác nhau về nông thôn và mỗi quan niệm có những nhận định khác nhau về nông thôn. Chính vì vậy, chúng tôi đưa ra những khái niệm khác nhau về nông thôn như sau:

- Theo Thông tư số 54/2009/TT-BNNPTNT ngày 21-8-2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Nông thôn là phần lãnh thổ không thuộc nội thành, nội thị các thành phố, thị xã, thị trấn được quản lý bởi cấp hành chính cơ sở là ủy ban nhân dân xã.”[19]

- Theo tác giả Trương văn Tuyển: “Nông thôn được coi là khu vực nơi đó sinh kế cộng đồng gắn bó, có quan hệ trực tiếp đến khai thác, sử dụng môi trường và tài nguyên thiên nhiên cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. Có thể hiểu nông thôn hiện nay bao gồm những đô thị nhỏ, thị tứ, thị trấn, những trung tâm công nghiệp nhỏ có quan hệ gắn bó mật thiết với nông thôn, cùng tồn tại, hỗ trợ và thúc đẩy nhau phát triển”. [9]

- Khái niệm nông thôn chỉ có tính chất tương đối, nó có thể thay đổi theo thời gian và theo tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới. Trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam, nhìn nhận dưới góc độ quản lý, có thể hiểu: “Nông thôn là vùng sinh sống của tập hợp dân cư, trong đó có nhiều nông dân. Tập hợp cư dân này tham gia vào các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường trong một thể chế chính trị nhất định và chịu ảnh hưởng của các tổ chức khác” [14]

Từ những khái niệm trên theo chúng tôi: Nông thôn là khu vực địa lý với tập trung cộng đồng dân cư, trong đó tập trung nhiều nông dân tham gia vào hoạt động sản xuất nông nghiệp là chủ yếu. Ngoài ra nông thôn còn có các khu công nghiệp, đô thị nhỏ gắn bó, thúc đẩy và hỗ trợ nông thôn phát triển.

1.1.4.2 Khái niệm nông thôn mới

Hiện nay khái niệm nông thôn mới được rất nhiều tác giả định nghĩa khác nhau, sau đây là một số định nghĩa:

- Theo tác giả Đặng Kim Sơn thì: “Nông thôn mới trước tiên phải là nông thôn chứ không phải là thị tứ; đó là nông thôn mới chứ không phải nông thôn truyền thống. Nếu so sánh giữa nông thôn mới và nông thôn truyền thống thì nông thôn mới phải bao hàm cả cơ cấu và chức năng mới.” [5]

-Theo Quyết định số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt “Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020” cho rằng: “Nông thôn mới là nông thôn mà trong đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao, giảm dần sự cách biệt giữa nông thôn và thành thị. Nông dân được đào tạo, tiếp thu các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đóng vai trò làm chủ nông thôn mới”. [16]

- Theo tác giả Phạm Xuân Cảnh: “Nông thôn mới có kinh tế phát triển toàn diện, bền vững, cơ sở hạ tầng được xây dựng đồng bộ, hiện đại, phát triển theo quy hoạch, gắn kết hợp lý giữa nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ và đô thị. Nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc, môi trường sinh thái được bảo vệ. Sức mạnh của hệ thống chính trị được nâng cao, đảm bảo giữ vững an ninh chính trị và trật tự xã hội”. [10]

Từ những quan niệm trên theo chúng tôi: Nông thôn mới là nông thôn có kinh tế phát triển, cơ sở hạ tầng được xây dựng hiện đại quy hoạch cụ thể, đời sống vật chất và tinh thần người dân được nâng cao, giảm dần khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Nông dân được tham gia đào tạo, nâng cao trình độ tham gia vào hoạt động xây dựng nông thôn mới.

1.1.4.3 Mục tiêu và kế hoạch xây dựng nông thôn mới

a. Mục tiêu xây dựng nông thôn mới

-Theo Quyết định số 800/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt “Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 – 2020” thì để xây dựng nông thôn mới phải thực hiện 2 mục tiêu sau:

+ Mục tiêu chung: Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

+ Mục tiêu cụ thể: Đến năm 2015 có 20% và đến năm 2020 có 50% số xã đạt tiêu chuẩn Nông thôn mới (theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới). [16]

b. Kế hoạch xây dựng nông thôn mới

- Quá trình thực hiện xây dựng nông mới được thực hiện với nội dung hướng tới thực hiện Bộ tiêu chí Quốc gia được qui định tại Quyết định 491/QĐ –TTg ngày 14/06/2009 của Thủ tướng chính phủ.

- Xây dựng nông thôn mới theo phương châm phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư địa phương là chính, Nhà nước đóng vai trò định hướng, ban hành các tiêu chí, quy chuẩn, xã đặt ra các chính sách, cơ chế hỗ trợ và hướng dẫn. Các hoạt động cụ thể do chính người dân cộng đồng ở thôn, xã bàn bạc dân chủ để quyết định và tổ chức thực hiện.

- Được thực hiện trên cơ sở kế thừa và lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hỗ trợ có mục tiêu, các chương trình dự án khác đang triển khai ở nông thôn, có bổ sung dự án hỗ trợ đối với các lĩnh vực cần thiết; các cơ chế, chính sách khuyến khích mạnh mẽ đầu tư cho các ngành kinh tế; huy động đóng góp của các tầng lớp dân cư.

- Được thực hiện với các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của mỗi địa phương (xã, huyện, tỉnh); có quy hoạch và cơ chế đảm bảo cho phát triển theo quy hoạch (trên cơ sở các tiêu chuẩn kinh tế, kỹ thuật do các Bộ chuyên ngành ban hành).

- Là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; cấp uỷ Đảng, chính quyền đóng vai trò chỉ đạo, điều hành quá trình xây dựng quy hoạch, kế hoạch, tổ chức thực hiện; Hình thành cuộc vận động “toàn dân xây dựng nông thôn mới" do Mặt trận Tổ quốc chủ trì cùng các tổ chức chính trị - xã hội vận động mọi tầng lớp nhân dân phát huy vai trò chủ thể trong việc xây dựng nông thôn mới. [15]

Tóm lại chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm mục đích thay đổi bộ mặt nông thôn, rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị nhưng phải tạo được sự tham gia và đóng góp của người dân trong mọi hoạt động. Chính vì vậy, đề tài sẽ tìm hiểu thêm những đóng góp và hiểu biết của người dân về cơ chế giám sát đầu tư công.

1.1.4.3 Vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới

Trong công cuộc xây dựng NTM, người nông dân phải tham gia từ khâu quy hoạch, đồng thời góp công, góp của và phần lớn trực tiếp lao động sản xuất trong quá trình làm ra của cải vật chất, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc…Đồng thời cũng là người hưởng lợi từ thành quả của nông thôn mới. Chính vì vậy, nông dân là chủ thể xây dựng NTM, đảm bảo cho sự nghiệp xây dựng NTM thành công và phát huy được vai trò tích cực của mình. Để phát huy được vai trò chủ thể thì người dân phải:

- Tham gia góp ý kiến vào đề án xây dựng NTM và bản đồ án quy hoạch NTM cấp xã.

- Tham gia vào lựa chọn những công việc gì cần làm trước và việc gì làm sau để thiết thực với yêu cầu của người dân trong xã và phù hợp với khả năng, điều kiện của địa phương.

- Quyết định mức độ đóng góp trong xây dựng các công trình công cộng của thôn, xã.

- Cử đại diện (ban giám sát) để tham gia quản lý và giám sát các công trình xây dựng của xã.

- Tổ chức quản lý, vận hành và bảo dưỡng các công trình sau khi hoàn thành.[8]

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) nghiên cứu cơ chế tăng cường giám sát đầu tư công của cộng đồng trong xây dựng nông thôn mới nghiên cứu trường hợp tại huyện quảng điền (Trang 34 - 37)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)