3. Ý NGHĨA KHOA HỌC VÀ THỰC TIỄN
1.2.3 Công trình nghiên cứu liên quan
Hiện tại đầu tư công là một lĩnh vực đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Tuy nhiên, lĩnh vực đầu tư công trong xây dựng nông thôn mới vẫn còn là chủ đề mới nên chưa có nhiều công trình nghiên cứu cụ thể. Dưới đây là một số công trình nghiên cứu của một số tác giả trong nước:
Nghiên cứu “Phân cấp quản lý Nhà nước về đầu tư công ở Việt Nam” tác giả Trần Thị Thu Hương, Phó Trưởng ban - Ban Thể chế kinh tế thực hiện đã tập nghiên cứu về thực trạng phân cấp quản lý Đầu tư công ở Việt Nam từ năm 2000 đến nay, tìm ra những bất cập và nguyên nhân của những bất cập để từ đó đề xuất những quan điểm và giải pháp định hướng nhằm thúc đẩy công tác đổi mới phân cấp quản lý hiện nay ở Việt Nam. Kết quả cho thấy, xu hướng phân cấp Quản lý nhà nước nói chung và phân cấp quản lý về đầu tư công nói riêng đang ngày càng mạnh mẽ. Nhìn chung, chủ trương phân cấp quản lý nhà nước là đúng đắn và phù hợp với xu thế chung. Chủ trương này đã thực sự góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về đầu tư công, tăng cường tính tự chủ, sáng tạo của chính quyền địa phương, là cơ sở cho việc triển
khai cải cách thủ tục hành chính và trực tiếp góp phần cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam. Tuy vậy, việc phân cấp quản lý đầu tư công một cách toàn diện, triệt để cho các Bộ, ngành và địa phương như hiện nay cũng đã bộc lộ nhiều mặt bất cập, hạn chế. Thực tế cho thấy tình trạng đầu tư công bị phê phán là kém hiệu quả, dàn trải, lãng phí, thất thoát,… trong nhiều năm vừa qua chính là hệ lụy của những bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện phân cấp quản lý nhà nước về đầu tư công. Nghiên cứu cũng đưa ra những kiến nghị trong quá trình xây dựng khung pháp lý phân cấp quản lý nhà nước về đầu tư công ở Việt Nam cần phải xác định đúng và rõ ràng vai trò của Nhà nước đến đâu trong phát triển kinh tế - xã hội và chỉ khi xác định được cụ thể vai trò của Nhà nước thì lúc đó Nhà nước mới có thể sử dụng chính sách đầu tư công một cách hiệu quả. [6]
Nghiên cứu “Kiểm tra giám sát đầu tư công Việt Nam” do tác giả Võ Văn Cần thực hiện đã cho thấy quản lý đầu tư công kém hiệu quả không chỉ khiến hiệu quả đầu tư xã hội hạn chế, mà còn làm nhiều hệ quả tiêu cực và kéo dài khác, như: tăng sức ép lạm phát trong nước; mất cân đối vĩ mô trong đó có cân đối ngành, sản phẩm, cán cân xuất – nhập khẩu, cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối và tích lũy – tiêu dùng, cũng như làm hạn chế sức cạnh tranh và chất lượng. Tuy nhiên, đề tài chưa chỉ rõ những nguyên nhân dẫn đến sự yếu kém của quản lý đầu tư công, mà chỉ dừng lại ở mức độ mô tả thực trạng của đầu tư công. Chính vì vậy, cần phải thực hiện nghiên cứu đầu tư giám sát cộng đồng, nhằm tăng chất lượng của các hoạt động đầu tư công hạn chế những tác động tiêu cực của đầu tư công đến với xã hội [3]
Nghiên cứu “Hoạt động giám sát đầu tư cộng đồng đối với các dự án xóa đói,
giảm nghèo nhằm phòng ngừa tham nhũng” do Viện Khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ) phối hợp với Đại sứ quán Ailen tại Việt Nam thực hiện tại 4 tỉnh: Điện Biên, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Trà Vinh, nơi thực hiện các dự án xóa đói giảm nghèo có sự hỗ trợ của Đại sứ quán Ailen trong năm 2014. Khảo sát chú trọng nghiên cứu các hoạt động giám sát phổ biến nhất của các chủ thể giám sát đầu tư cộng đồng là giám sát sự phù hợp của nội dung quyết định đầu tư dự án với quy hoạch, kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; giám sát hiệu quả đầu tư và việc phát hiện gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản thuộc dự án. Nghiên cứu chỉ ra rằng nội dung giám sát tuân thủ các quy trình, quy phạm kỹ thuật, định mức vật tư và loại vật tư của nhà thầu gặp nhiều khó khăn do các chủ thể giám sát cần phải có chuyên môn sâu, phải thu thập được đầy đủ các thông tin của chủ đầu tư, nhà thầu và việc thiết kế, thi công trên thực tế. Ngoài ra, nội dung giám sát cần phải quan tâm giám sát sau đầu tư do lãng phí sau đầu tư rất nhiều do không ai giám sát. Nghiên cứu đưa ra kiến nghị cần bổ sung quyền hạn của chủ thể giám sát đầu tư của cộng đồng. Ngoài các quyền cơ bản hiện nay cần phải bổ sung thêm quyền theo dõi việc xử lý các phản ánh, kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền, kiến nghị với cơ quan cấp trên của cơ quan có thẩm quyền nếu các kiến nghị, phản ánh của mình không được xem xét, xử lý nghiêm túc, kịp thời. [23]
Nghiên cứu “Hoàn thiện pháp luật về giám sát của nhân dân đối với cơ quan hành chính nhà nước ở Việt Nam” (2014), luận án tiến sỹ luật học của Hoàng Minh Hội, Học viện Chính trị Quốc gia Hà Nội. Nghiên cứu này đã chỉ ra được quá trình hình thành, phát triển giám sát đầu tư và phân tích, đánh giá thực trạng pháp luật về giám sát của nhân dân đối với cơ quan hành chính nhà nước ở Việt Nam thời gian qua; Phân tích và đề xuất những quan điểm và giải pháp hoàn thiện pháp luật về giám sát của nhân dân đối với cơ quan hành chính nhà nước ở Việt Nam hiện nay. Ngoài ra, đề tài còn chú trọng nghiên cứu pháp luật về giám sát của nhân dân đối với cơ quan hành hành ở một số nước và chỉ ra những giá trị tham khảo cho Việt Nam. Qua đó, chúng ta thấy rằng đề tài chỉ mới đưa ra những khía cạnh về mặt pháp luật cho nên để giám sát tốt đầu tư công cần xem xét nhiều yếu tố khía cạnh khác nữa như sự tham gia người dân, cách thức tổ chức triển khai thực hiện, nguồn nhân lực,… Do đó, đề tài của chúng tôi muốn nhấn mạnh đến làm thế nào để tăng cường cơ chế giám sát ở cộng đồng. [7]