Mục tiêu của hoạt độngvui chơi ở trường mầm non

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lí hoạt động vui chơi cho trẻ mẫu giáo tại các trường mầm non công lập quận 12, thành phố hồ chí minh​ (Trang 32 - 36)

Chương trình giáo dục mầm non ban hành kèm theo Thông tư số: 17/2009/TT- BGDĐT ngày 25 tháng 7 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nêu rõ: “Mục tiêu của giáo dục mầm non là giúp trẻ em phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào lớp một; hình thành và phát triển ở trẻ emnhững chức năng tâm sinh lí, năng lực và phẩm chất mang tính nền tảng, những kĩ năng sống cần thiết phù hợp với lứa tuổi, khơi dậy và phát triển tối đa những khả năng tiềm ẩn, đặt nền tảng cho việc học ở các cấp học tiếp theo và cho việc học tập suốt đời” (8,tr1 )

Theo thông tư trên thì giáo dục mầm non được hiểu là cấp học đầu tiên chuẩn bị cho trẻ về thể chất, tâm lí và hình thành những tố chất nền tảng về nhân cách nhằm chuẩn bị cho trẻ bước vào các cấp học tiếp theo.

Đặc điểm của cấp học này chủ yếu tổ chức các hoạt động vui chơi nhằm phát hiện những tố chất thiên bẩm của trẻ, từ đó có kế hoạch duy trì và nuôi dưỡng nhằm tạo điều kiện cho trẻ có cơ hội phát triển ở cấp học tiếp theo.

* Hoạt động vui chơi là phương tiện phát triển trí tuệ cho trẻ

Thông qua vui chơi trẻ được mở rộng, củng cố, chính xác hoá những biểu tượng của trẻ về cuộc sống xung quanh. Nội dung chủ yếu của chơi là phản ánh thế giới xung quanh trẻ nên khi tham gia vào hoạt động này trẻ càng hiểu sâu hơn về cuộc sống xung quanh. Trong quá trình chơi, những tri thức mà trẻ nắm được trước đây bắt đầu tham gia vào một số liên hệ mới và được điều khiển, vận dụng những tri thức ấy trong những hành động chơi, thao tác chơi. Ví dụ: trẻ dùng muỗng đút cơm cho búp bê, ru búp bê ngủ hay nựng búp bê như mẹ đã chăm sóc em.

Chơi giúp trẻ lĩnh hội tri thức mới. Trong một số trường hợp, khi tham gia trò chơi, dưới sự hướng dẫn của người lớn, trẻ khám phá ra nhiều điều mới lạ, thú vị ở thế giới xung quanh. Trong quá trình thực hiện các hành động chơi, thao tác chơi, trẻ nhận ra được một vài thuộc tính, mối liên hệ của một vài sự vật hiện tượng. Ví dụ, trẻ hình dung ra được thế nào là to hơn, nhỏ hơn, thế nào là cao hơn, thấp hơn, thế nào là gần hơn, xa hơn,…Chính nhờ phát hiện ra những tri thức mới đó đã ảnh

hưởng mạnh mẽ đến tính tích cực trong nhận thức của trẻ, là công cụ để thôi thúc trẻ tham gia vào hoạt động vui chơi một cách chủ động và sáng tạo.

“Trò chơi là phương tiện phát triển các quá trình tâm lí nhận thức của trẻ” (Nguyễn Ánh Tuyết et al.,2008). Nhờ có vui chơi trẻ được củng cố, mở rộng những biểu tượng đã có và cung cấp những tri thức mới cho trẻ. Khi tham gia vào trò chơi, những chuẩn cảm giác về màu sắc, hình dạng, kích thước của trẻ được chính xác hơn, nhờ đó trẻ dễ dàng thực hiện hành động chơi, nội dung chơi. Ví dụ, trẻ xếp được ngôi nhà hợp lí hay phân loại đồ vật theo màu sắc. Đặc biệt là khi tham gia vào trò chơi, tính có chủ định trong quá trình tri giác, chú ý, ghi nhớ của trẻ được hình thành để giải quyết nhiệm vụ chơi. Ví dụ, trong trò chơi “tai ai tinh” trẻ phải chú ý lắng nghe xem tiếng kêu đó là tiếng kêu của con gì hay trong trò chơi “con gì biến mất” trẻ phải chú ý và nhớ xem con gì đã biến mất. Khi tham gia vào trò chơi, trí tưởng tượng của trẻ được phát triển mạnh mẽ. Trong quá trình chơi, trẻ thay thế đồ vật này bằng đồ vật khácđể thực hiện nội dung chơi, hoàn cảnh chơi. Khi trẻ chơi, đặc biệt là trong trò chơi đóng vai theo chủ đề trẻ có thể làm bất cứ vai chơi gì trẻ thích (khám bệnh, bán hàng…), hay trẻ muốn có bất cứ gì trẻ muốn (trẻ muốn có xe hơi trẻ dùng vòng thể dục, muốn có ngựa trẻ dùng gậy…. Khi tham gia vào trò chơi, trẻ suy nghĩ về hành động chơi, thao tác chơi (làm cô giáo thì phải làm gì? Làm như thế nào?), trẻ sử dụng vật thay thế như thế nào. Qua đó tư duy của trẻ được phát triển mạnh mẽ.

* Vui chơi còn giúp trẻ phát triển ngôn ngữ.

Khi tham gia vào trò chơi, trẻ sử dụng ngôn ngữ để trao đổi với bạn về vai chơi, thoả thuận với nhau về hành động chơi, thực hiện ngôn ngữ để thể hiện vai chơi, giao tiếp với bạn chơi trong nhóm và nhóm khác khi đó vốn từ của trẻ ngày càng phong phú và kĩ năng giao tiếp của trẻ cũng phát triển. Từ đó ngôn ngữ của trẻ được phát triển.

Trò chơi không chỉ giúp trẻ vận động phát triển thể chất mà còn giúp trẻ hiểu được nghĩa ngôn ngữ. Thông qua luật chơi (nhiều khi trẻ tự đặt luật) sẽ xem xét các hành vi thao tác của người cùng chơi đã phù hợp với quy tắc hay chưa. Sự định hình và gán nghĩa về thao tác giúp trẻ hiểu được ý nghĩa của vận động (phân biệt đâu là

hành động đúng đâu là hành động sai). Ngoài ra, khi chơi cùng cô hoặc tự chơi với

bạn, trẻ phải nói rõ luật chơi hoặc tranh luận (khi mình sai nhưng cho là đúng) chính điều này giúp trẻ có ý thức trong sắp xếp các từ thành câu và từ đó hiểu nghĩa của câu.

Trò chơi còn giúp trẻ biểu đạt, diễn đạt ngôn ngữ cùng với điệu bộ cử chỉ. Hoạt động này giúp trẻ thể hiện cảm xúc của mình với ý nghĩa của từ ngữ.

Trong hoạt động vui chơi nhằm phát triển ngôn ngữ vai trò của giáo viên rất quan trọng. Căn cứ vào cách thức biểu đạt của trẻ trong trò chơi giáo viên uốn nắn chỉnh sửa những từ sai, cách đặt câu chưa đúng cho trẻ, từ đó giúp trẻ hiểu được cách thức sử dụng ngôn ngữ phù hợp.

* Hoạt động vui chơi là phương tiện phát triển thể chất cho trẻ

Các nhà tâm lí học và tâm lí học lứa tuổi sư phạm đều khẳng định hoạt động vui chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ mẫu giáo. Vì đây là là hoạt động gần như chiếm hết thời gian của trẻ. Trẻ có thể chơi bất kỳ lúc nào, lúc ăn, lúc nói chuyện… hoạt động vui chơi không chỉ là sự vận động đơn thuần. Mà thông qua hoạt động này các chức năng tâm lí cũng như sinh lí được phát triển. Trong đó, sự phát triển nổi trội nhất là thể chất. Đây là giai đoạn đòi hỏi nhiều về sự vận động vì các sụn ở các cơ đang phát triển nên sự vận động là rất cần thiết.

Trong tài liệu bồi dưỡng thường xuyên cho cán bộ quản lí và giáo viên mầm non năm học 2014 – 2015 của Bộ giáo dục và đào tạo đã viết về mục tiêu của hoạt động vui chơi đối với trẻ mẫu giáo” trẻ phát triển các cơ lớn và cơ nhỏ; khả năng phối hợp tay mắt khi chơi với các đồ chơi khác nhau” (Hoàng Đức Minh et al., 2014).

Chơi mang lại niềm vui cho trẻ, làm cho tinh thần của trẻ được sảng khoái, đây là yếu tố quan trọng để trẻ phát triển tốt về thể chất và thể lực. Khi tham gia vào trò chơi, các cơ quan trong cơ thể trẻ được vận động tích cực, thúc đẩy sự trao đổi chất, tăng cường hô hấp và tuần hoàn máu… góp phần tăng cường sức khoẻ cho trẻ.

Đây là hoạt động rất quan trọng và có sự ảnh hưởng lớn đến sự phát triển trong tương lai của trẻ. Cho nên, trong quá trình tổ chức các hoạt động vui chơi, giáo viên cần lựa chọn kỹ những trò chơi nào phù hợp với lứa tuổi nào. Cách thức

tổ chức, sắp xếp vận động cho trẻ cũng cần bài bản tỉ mỉ, đảm bảo đúng các qui định.

* Hoạt động vui chơi là phương tiện phát triển thẩm mĩ cho trẻ

Giáo dục thẩm mỹ là một trong những hoạt động giáo dục nhằm hình thành, phát triển, nuôi dưỡng những phẩm chất của con người. Đối với trẻ mầm non, các giá trị thẩm mỹ cơ bản chủ yếu được hình thành thông qua quá trình vận động của trẻ. Tổ chức hoạt động vui chơi đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành các giá trị thẩm mỹ như màu sắc, âm thanh, vẻ đẹp…thông qua trò chơi, trẻ vừa cảm nhận được vẻ đẹp về màu sắc của đồ chơi, đồng thời cũng có những biểu hiện về hành vi về những cái mình không thích hoặc không vừa ý.

Khi tham gia vào trò chơi, trẻ cảm nhận được cái đẹp ở sự phong phú, đa dạng về màu sắc, hình dạng, âm thanh của đồ chơi. Đặc biệt là trò chơi đóng vai theo chủ đề, trẻ cảm nhận được vẻ đẹp trong hành vi, trong giao tiếp, ứng xử giữa người với người. Trò chơi không chỉ giúp trẻ cảm nhận được cái đẹp của đồ dùng đồ chơi, của hành động chơi, của các hành vi giao tiếp giữa người với người, giữa con người với thế giới hiện thực mà còn hình thành ở trẻ nhu cầu sống theo cái đẹp,bảo vệ cái đẹp và làm ra cái đẹp.

Thông qua các trò chơi như xây dựng, lắp ráp trẻ sẽ hình thành các giá trị thẩm mỹ về các đẹp. Ví dụ, trẻ chơi xây công viên các em sẽ bố trí vị trí cây, nhà, ao, hồ phù hợp với nhận thức và trí tưởng tượng của các em. Thông qua đó trẻ đã bước đầu biết hình dung được cấu trúc của trò chơi có chủ đề và sắp xếp chúng theo cảm nhận thẩm mỹ của bản thân.

Qua trò chơi giáo viên sẽ hướng dẫn, chỉnh sửa cho trẻ biết cách cảm nhận và sắp xếp màu sắc sao cho hợp lí.

* Hoạt động vui chơi là phương tiện phát triển tình cảm xã hội cho trẻ

Khi tham gia vào trò chơi trẻ trải nghiệm được những thái độ, tình cảm đạo đức và ứng xử với bạn chơi trong vai chơi của mình từ đó trẻ học làm người. Ví dụ: qua vai cáo thỏ và gà trống trẻ nhận biết hành vi tốt, xấu, lời ăn, tiếng nói. Từ đó, hình thành những nét tính cách riêng cho trẻ.

Thông qua quá trình chơi, các vai chơi trẻ học cách chế ngự tốt hơn cảm xúc của mình khi trải qua các cảm xúc khác nhau và trẻ sẽ hiểu được cảm xúc này. Ví dụ, khi đóng vai trẻ biết thể hiện cử chỉ của vui, buồn, tức giận. Trong khi chơi, trẻ được thử sức hành động như người lớn, qua đó dần dần hình thành hành vi, thái độ cho bản than. Trong quá trình chơi, sau nhiều lần đóng vai, khi đóng vai này, khi đóng vai khác, trẻ dần nắm được qui tắc giao tiếp, ứng xử giữa người với người. Cũng trong hoạt động vui chơi, đặc biệt là trò chơi đóng vai theo chủ đề, dưới sự hướng dẫn của cô giáo, một số phẩm chất đạo đức được hình thành ở trẻ như thật thà, dũng cảm, long nhân ái, tính kiên trì,…

Hoạt động vui chơi là hoạt động chủ đạo của trẻ mẫu giáo, lứa tuổi này ngôn ngữ và hành động chơi của trẻ phát triển rất rõ nét thể hiện qua các trò chơi hàng ngày của trẻ. Có thể thấy rằng hoạt động vui chơi là một trong những yếu tố quan trọng đóng vai trò quyết định sự phát triển toàn diện cho trẻ. Thông qua vui chơi, thể lực trẻ được phát triển, cơ thể được vận động giúp trẻ tăng cường sức khoẻ, khi trẻ tư duy để giải quyết yêu cầu của trò chơi giúp trẻ phát triển trí tuệ và khi thể hiện vai chơi của mình với bạn chơi ngôn ngữ trẻ phát triển, hành động chơi của trẻ lúc này cũng tương đồng với lời nói. Ngoài ra, thông qua vui chơi còn giúp phản ánh được cuộc sống bên ngoài giúp trẻ phát triển đời sống tình cảm. Vì vậy, cán bộ quản lí cần có những phương pháp, biện pháp để hướng dẫn giáo viên tổ chức những hoạt động vui chơi nhằm giúp trẻ mẫu giáo phát triển toàn diện.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lí hoạt động vui chơi cho trẻ mẫu giáo tại các trường mầm non công lập quận 12, thành phố hồ chí minh​ (Trang 32 - 36)