học sinh ở trường trung học cơ sở
Như chúng ta đã biết, phương pháp dạy học đang thực hiện bước chuyển từ chương trình giáo dục tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực của học sinh, nghĩa là từ chỗ quan tâm đến việc học sinh học được cái gì đến chỗ quan tâm học sinh vận dụng được cái gì qua việc học. để đảm bảo được điều đó, phải thực hiện chuyển từ phương pháp dạy học theo lối “Truyền thụ một chiều” sang dạy cách học, cách vận dụng kiến thức, rèn luyện kỹ năng, hình thành năng lực và phẩm chất.
Điều 28 Luật giáo dục năm 2005 bổ sung năm 2009 qui định: “Phương pháp giáo dục phổ thông phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh; phù hợp với đặc điểm của từng lớp học, môn học; bồi dưỡng phương pháp tự học, khả năng làm việc theo nhóm; rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn; tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú học tập cho học sinh” (Phạm Anh Tuấn, 2008).
Theo phương tiện dạy học, các phương pháp dạy học chia thành các nhóm sau: + Các phương pháp dạy học dùng ngôn ngữ: thuyết trình, đàm thoại, sử dụng SGK và tài liệu;
+ Các phương pháp dạy học trực quan: phương pháp quan sát, minh họa, biểu diễn thí nghiệm;
+ Các phương pháp dạy học thực hành: phương pháp tập luyện, thực hành thí nghiệm.
Phương pháp dạy học chịu sự chi phối của mục tiêu dạy học. Mỗi một phương pháp đều có ưu – nhược điểm, không có phương pháp nào là tối ưu chung cho tất cả mọi hoạt động. Vì vậy, để đạt được mục đích của việc dạy học theo hướng tiếp cận năng lực của học sinh, người giáo viên phải lựa chọn và kết hợp nhiều phương pháp để đảm bảo khả năng tương tác giữa thầy và trò trong quá trình dạy học giữ vai trò chủ đạo. Điều khiển, hướng dẫn của giáo viên phải hướng tới mục tiêu tích cực hóa
hoạt động trí tuệ, rèn luyện năng lực giải quyết vấn đề trong những tình huống thực tiễn của cuộc sống.
Về phương pháp dạy học, ngoài cách dạy học thuyết trình cung cấp kiến thức, cần tổ chức hoạt động dạy học thông qua trải nghiệm, giải quyết những nhiệm vụ thực tiễn. Như vậy, thông thường qua một hoạt động học tập, học sinh sẽ được hình thành và phát triển không phải một loại năng lực mà là được hình thành đồng thời nhiều năng lực hoặc nhiều năng lực thành tố mà ta không cần tách biệt từng thành tố trong quá trình dạy học.
Phương pháp dạy học theo hướng tiếp cận năng lực của học sinh không chỉ chú ý tích cực hóa học sinh về hoạt động trí tuệ, mà còn chú ý rèn luyện năng lực giải quyết vấn đề gắn với những tình huống của cuộc sống và nghề nghiệp, đồng thời gắn hoạt động trí tuệ với hoạt động thực hành, thực tiễn. Tăng cường việc học tập trong nhóm, đổi mới quan hệ GV–HS theo hướng cộng tác có ý nghĩa quan trọng nhằm phát triển năng lực xã hội. Bên cạnh việc học tập những tri thức và kỹ năng riêng lẻ của các môn học chuyên môn, cần bổ sung các chủ đề học tập phức hợp nhằm phát triển năng lực giải quyết các vấn đề phức hợp. có thể sử dụng một số phương pháp sau:
+ Vận dụng dạy học phát hiện và giải quyết vấn đề (hay gọi là dạy học nêu vấn đề, dạy học nhận biết và giải quyết vấn đề), là quan điểm dạy học nhằm phát triển năng lực tư duy, khả năng nhận biết và giải quyết vấn đề. Học được đặt trong tình huống có vấn đề, đó là tình huống chứa đựng mâu thuẩn nhận thức, thông qua việc giải quyết vấn đề, giúp học sinh lĩnh hội tri thức, kỹ năng và phương pháp nhận thức. Dạy học phát hiện và giải quyết vấn đề là con đường cơ bản để phát huy tính tích cực nhận thức của học sinh, có thể áp dụng trong nhiều hình thức dạy học với những mức độ tự lực khác nhau của học sinh.
Dạy học phát hiện và giải quyết vấn đề là kiểu dạy học dạy học sinh thói quen tìm tòi giải quyết vấn đề theo cách của các nhà khoa học, không những tạo nhu cấu, hứng thú học tập, giúp học sinh chiếm lĩnh kiến thức, mà còn phát triển được năng lực sáng tạo của học sinh.
+ Vận dụng dạy học theo tình huống: dạy học theo tình huống là một quan điểm dạy học, trong đó việc dạy học được tổ chức theo một chủ đề phức hợp gắn với các tình huống thực tiễn cuộc sống và nghề nghiệp. Quá trình học tập được tổ chức trong một môi trường học tập tạo điều kiện cho học sinh kiến tạo tri thức theo cá nhân và trong mối tương tác xã hội của việc học tập. Các chủ đề dạy học theo tình huống là những chủ đề có nội dung liên quan đến nhiều môn học hoặc nhiều lĩnh vực tri thức khác nhau gắn với thực tiễn. Trong nhà trường các môn học được phân theo các môn khoa học chuyên môn, còn cuôc sống thì luôn diễn ra trong những mối quan hệ phức hợp. Vì vậy, sử dụng những chủ đề dạy học phức hợp góp phần khắc phục tình trạng xa rời thực tiễn của các môn khoa học chuyên môn, rèn luyện cho học sinh năng lực giải quyết các vấn đề phức hợp, liên môn.
+ Vận dụng dạy học theo định hướng hành động: dạy học định hướng hành động là quan điểm dạy học nhằm làm cho hoạt động trí óc và hoạt động chân tay kết hợp chặt chẽ với nhau. Trong quá trình học tập, học sinh thực hiện các nhiệm vụ học tập và hoàn thành các sản phẩm hành động, có sự kết hợp linh hoạt giữa trí óc và hoạt động chân tay. Đây là một quan điểm dạy học tích cực hóa và tiếp cận toàn thể. Vận dụng dạy học định hướng hành động có ý nghĩa quan trọng cho việc thực hiện nguyên lý giáo dục kết hợp lý thuyết với thực tiễn, tu duy và hành động, nhà trường và xã hội.
+ Sử dụng các kỹ thuật dạy học phát huy tính tích cực và sáng tạo: kỹ thuật dạy học là những cách thức hành động của giáo viên và học sinh trong các tình huống hành động nhỏ nhằm nhằm thực hiện có điều khiển quá trình dạy học. Các kỹ thuật dạy học là những đơn vị nhỏ nhất của phương pháp dạy học. Có những kỹ thuật dạy học chung, có những kỹ thuật đặc thù của từng phương pháp dạy học, chẳng hạn, kỹ thuật đặt câu hỏi trong đàm thoại. Ngày nay, người ta chú trọng phát triển và sử dụng các kỹ thuật dạy học phát huy tính tích cực, sáng tạo và phát triển năng lực của người học như “động não”, “tia chớp”, “bể cá” …
+ Bồi dưỡng phương pháp học tập tích cực cho học sinh: phương pháp học tập một cách tự lực đóng vai trò quan trọng trong việc tích cực hóa, phát huy tính sáng tạo và phát triển năng lực cho học sinh. Có những phương pháp nhận thức chung như
phương pháp thu thập, xử lý, đánh giá thông tin, phương pháp tổ chức làm việc, phương pháp làm việc nhóm, có những phương pháp học tập chuyên biệt của từng bộ môn. Bằng nhiều hình thức khác nhau, cần luyện tập cho học sinh các phương pháp học tập chung và các phương pháp học tập trong bộ môn.
+ Tăng cường các phương pháp dạy học đặc thù bô môn: phương pháp dạy học có mối quan hệ biện chứng với nội dung dạy học. Vì vậy, bên cạnh những phương pháp chung có thể sử dụng cho nhiều bộ môn khác nhau thì việc sử dụng các phương pháp dạy học đặc thù có vai trò quan trọng trong dạy học bộ môn. Các phương pháp dạy học đặc thù bộ môn được xây dựng trên cơ sở lý luận dạy học bộ môn. Ví dụ, thí nghiệm là một phương pháp dạy học đặc thù quan trọng của các môn học tự nhiên; các phương pháp dạy học như trình diễn vật phẩm kỹ thuật, lắp ráp mô hình, các dự án là những phương pháp chủ lực trong dạy học kỹ thuật; phương pháp “Bàn tay nặn bột” đem lại hiệu quả cao trong việc dạy học các môn khoa học. Tuy nhiên phương pháp dạy học còn mang tính chủ quan của mỗi người. Mỗi giáo viên với kinh nghiệm riêng của mình, cần xác định những phương hướng riêng để cải tiến phương pháp dạy học và kinh nghiệm của bản thân phù hợp với điều kiện ở đơn vị mình. Việc áp dụng các phương pháp dạy học đòi hỏi những điều kiện thích hợp về phương tiện, cơ sở vật chất tổ chức dạy học và tổ chức quản lí.
1.3.4. Kiểm tra đánh giá kết quả dạy học theo hướng tiếp cận năng lực của học sinh ở các trường Trung học cơ sở
Theo quan điểm phát triển năng lực, việc đánh giá kết quả học tập không lấy việc kiểm tra khả năng tái hiện kiến thức đã học làm trung tâm của việc đánh giá. Đánh giá kết quả học tập theo năng lực cần chú trọng khả năng vận dụng sáng tạo tri thức trong những tình huống ứng dụng khác nhau. Đánh giá kết quả học tập đối với các môn học và hoạt động giáo dục ở mỗi lớp và sau cấp học là biện pháp chủ yếu nhằm xác định mức độ thực hiện mục tiêu dạy học, có vai trò quan trọng trong việc cải thiện kết quả học tập của học sinh. Hay nói cách khác, đánh giá theo năng lực là đánh giá kiến thức, kỹ năng và thái độ trong bối cảnh có ý nghĩa (Leen pil, 2011).
Lục Thị Nga và Nguyễn Tuyết Nga (2015) cho rằng kiểm tra, đánh giá năng lực của học sinh là quá trình thu thập chứng cứ, đưa ra nhận xét khả năng và sự tiến bộ
của học sinh hướng tới các yêu cầu đã được xác định. Đánh giá này dựa vào những kiến thức, kĩ năng và trải nghiệm thực tế mà một học sinh chứng tỏ được thông qua công việc/ nhiệm vụ. Có nghĩa là đánh giá năng lực là đánh giá kiến thức, kĩ năng và thái độ của người học trong bối cảnh có ý nghĩa (Lục Thị Nga & Nguyễn Tuyết Nga, 2015). Mục đích của kiểm tra đánh giá kết quả học tập theo hướng phát triển năng lực nhằm làm sáng tỏ mức độ đạt được và chưa đạt được về các mục tiêu dạy học, mức độ đạt được kiến thức, kĩ năng, kỉ xảo, thái độ của học sinh so với yêu cầu của chương trình; phát hiện những sai lệch và nguyên nhân dẫn tới những kết quả hạn chế, giúp học sinh điều chỉnh hoạt động học tập của mình. Công khai hóa các nhận định về năng lực, kết quả học tập của mỗi học sinh và cả tập thể lớp, tạo cơ hội cho các em có kĩ năng tự đánh giá, giúp học sinh nhận ra sự tiến bộ của mình, khuyến khích động viên và thúc đẩy việc học tập ngày một tốt hơn. Đánh giá khả năng học sinh vận dụng các kiến thức, kỹ năng đã học vào giải quyết vấn đề thực tiễn của cuộc sống. Giáo viên có cơ sở thực tế để nhận ra những điểm mạnh, điểm yếu của mình, tự điều chỉnh, hoàn thiện hoạt động dạy, phấn đấu không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học. Tóm lại, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập theo định hướng phát triển năng lực học sinh là đánh giá vì sự tiến bộ của người học so với chính họ.
Hình thức kiểm tra đánh giá kết quả học tập theo định hướng phát triển năng lực của học sinh trường trung học cơ sở. Theo Đoàn Văn Điều (2012), căn cứ vào giai đoạn tiến hành đánh giá và quan hệ của nó tới quá trình thực hiện, có thể chia đánh giá thành ba loại: (1) Đánh giá khả thi ban đầu, là đánh giá được tiến hành ngay khi khóa học, môn học bắt đầu nhằm đánh giá khả năng, mức độ kiến thức hiện tại của học sinh, những khó khăn, các yếu tố cần thiết để bắt đầu của khóa học; (2) Đánh giá song song, là đánh giá được tiến hành song song trong quá trình tổ chức hoạt động giảng dạy. Đó có thể là quá trình quan sát, bài kiểm tra vấn đáp, tự luận, trắc nghiệm nhằm đo mức độ đạt được về kiến thức, kỹ năng ngôn ngữ, những sai lệch, các lỗi thường gặp của học sinh để điều chỉnh nhằm đạt được mục tiêu của bài học; (3) Đánh giá cuối kỳ, hay còn gọi là đánh giá tổng kết, nó diễn ra đồng thời với giai đoạn cuối của quá trình đánh giá song song và với mục đích cải thiện quá trình dạy
học, đưa ra những đánh giá tổng kết về mức độ đạt được mục tiêu học tập (Đoàn Văn Điều, 2012).
Nguyễn Thị Tuyết Oanh (2007) và Lưu Quang Thiệp (2012), thì các hình thức của quá trình đánh giá gồm: (1) Đánh giá thường xuyên, được giáo viên tiến hành hàng ngày, nhằm kịp thời điều chỉnh hoạt động của cả GV và HS, thúc đẩy học sinh cố gắng, tích cực học tập một cách liên tục, có hệ thống đồng thời tạo điều kiện để quá trình dạy học chuyển sang bước phát triển cao hơn. Đánh giá thường xuyên thường được giáo viên thực hiện thông qua quan sát, hoặc làm các bài kiểm tra ngắn 15 phút,…giúp GV đánh giá ngay được mức độ hiểu bài và tiến bộ của HS; (2) Đánh giá định kì, được thực hiện sau khi học một phần chương trình hay giữa học kì, cuối một học kì để xác định kết quả học tập của học sinh; (3) Đánh giá tổng kết: Được thực hiện vào cuối mỗi năm học, cuối khóa học hoặc vào cuối mỗi giáo trình nhằm đánh giá kết quả chung, củng cố và mở rộng toàn bộ những điều đã học từ đầu năm học hoặc từ đầu giáo trình, đồng thời tạo điều kiện chuyển sang năm học mới hoặc môn học mới. Phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập theo định hướng phát triển năng lực của học sinh trường trung học cơ sở
Có nhiều kiểu phân loại phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh, tùy theo từng quan điểm, đề tài xin giới thiệu một số cách phân loại như sau:
Lâm Quang Thiệp (2012) phân loại thành ba phương pháp gồm: Vấn đáp, quan sát, loại viết.
Trong đó, phương pháp quan sát giúp đánh giá thao tác, các hình vi, các phản ứng, các kỹ năng thực hành; Phương pháp vấn đáp để đánh giá khả năng ứng đáp các câu hỏi được nêu một cách tự phát trong một tình huống cần kiểm tra, khả năng tương tác giữa người hỏi và người trả lời; Phương pháp kiểm tra viết được sử dụng khá nhiều, phương pháp này được chia thành hai nhóm chính gồm: Nhóm các câu hỏi trắc nghiệm tự luận, nhóm các câu hỏi trắc nghiệm khách quan.
Bàn về phương pháp kiểm tra đánh giá, Đoàn Văn Điều (2012) cũng tiến hành phân chia phương pháp kiểm tra đánh giá thành ba loại gồm: Kiểm tra vấn đáp, Kiểm tra thực hành, Kiểm tra viết (gồm trắc nghiệm chủ quan và trắc nghiệm khách quan).
Tóm lại, Phương pháp kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học sinh theo tiếp cận năng lực gồm: Phương pháp quan sát, Phương pháp thực hành, Trắc nghiệm, Tự luận, Thông qua sản phẩm, Dự án…
1.3.5. Các điều kiện của hoạt động dạy học theo hướng tiếp cận năng lực của học sinh ở các trường Trung học cơ sở