Vị trí địa lý thuận lợi có ý nghĩa như một lợi thế so sánh trong thu hút dòng vốn FDI thông qua việc tiết kiệm đáng kể chi phí vận chuyển, dễ dàng mở rộng ra các thị trường lân cận, khai thác có hiệu quả nguồn nhân lực và thúc đẩy các doanh nghiệp tập trung hóa...
Cũng như vậy, điều kiện tự nhiên của nước nhận đầu tư, thể hiện ở trữ lượng khoáng sản, đất, rừng, nước, khí hậu... cũng có ảnh hưởng quan trọng đến dòng vốn chảy vào. Chúng không những tác động trực tiếp đến các yếu tố đầu vào mà còn quyết định tính chất đầu ra. Thực tế cho thấy, trước khi có sự xuất hiện của Trung Quốc trên lĩnh vực thu hút ĐTNN, vốn FDI chỉ tập trung vào một số quốc gia có thị trường rộng lớn và nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào. Những năm 70, chỉ vài quốc gia là Brazil, Indonesia, Malaysia, Mexico và Singapore đã thu hút đến hơn 50% FDI của toàn thế giới. Trong các thập kỷ qua, nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú tại các quốc gia Đông Nam Á vẫn luôn là một trong những điểm hấp dẫn quan trọng đối với nhiều MNCs.
Sức hấp dẫn của nguồn lực con người trong việc xem xét, đưa ra quyết định đầu tư được thể hiện ở trình độ quản lý và năng lực của người lao động. Nhân lực vừa là yếu tố để thu hút vừa là nhân tố quyết định sự sử dụng có hiệu quả FDI. Bởi lao động có tri thức, kĩ năng và trình độ phù hợp với yêu cầu một mặt sẽ tạo ra năng suất cao, mặt khác sẽ giúp giảm bớt được một phần chi phí đào tạo cũng như thời gian đào tạo của các nhà ĐTNN, dẫn đến tiến độ và hiệu quả của dự án đạt đúng mục tiêu đề ra. Ngược lại, trình độ thấp kém sẽ làm cho nước chủ nhà thua thiệt, đặc biệt là ở khâu tiếp nhận và hấp thu công nghệ hiện đại. Ở các nước đang phát triển, chi phí nhân công rẻ thường là lợi thế trong thu hút dòng vốn FDI vào những ngành thâm dụng lao động, nhưng trình độ nhân công thấp lại là nhược điểm trong việc mời gọi đầu tư vào những ngành đòi hỏi kỹ thuật, tay nghề cao.