Xét trên khía cạnh lợi ích xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chính sách thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hướng đến phát triển bền vững tại việt nam (Trang 67 - 69)

Tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động là đóng góp quan trọng, không thể phủ nhận của khu vực FDI trên phương diện xã hội. Hiện nay khu vực ĐTNN tạo ra trên 2 triệu lao động trực tiếp và khoảng 3 - 4 triệu lao động gián tiếp, đồng thời có tác động mạnh mẽ đến chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa với số lượng lớn lao động làm việc trong các ngành công nghiệp, dịch vụ. Tính riêng các dự án của tập đoàn điện tử Samsung tại hai tỉnh Bắc Ninh và Thái Nguyên đã sử dụng 130.000 lao động, được đánh giá là dấu ấn không nhỏ trong việc giải bài toán hóc búa về việc làm cho hai địa phương này.

Doanh nghiệp ĐTNN còn được xem là tiên phong trong việc đào tạo tại chỗ và đào tạo bên ngoài, nâng cao trình độ của công nhân, kỹ thuật viên, cán bộ quản lý, trong đó một bộ phận đã có năng lực quản lý, trình độ khoa học, công nghệ đủ sức thay thế chuyên gia nước ngoài, được xem là những “hạt nhân” để phát triển lực lượng lao động có trình độ, tay nghề cao của Việt Nam.

Tuy nhiên, việc thu hút dòng vốn FDI ở Việt Nam nhìn chung vẫn được đánh giá là chưa tạo ra những hiệu quả bền vững về mặt xã hội. Với một đất nước có dân số trẻ và đang gia tăng với nhiều lao động gia nhập thị trường việc làm mỗi năm, sự xuất hiện của FDI thâm dụng lao động rất đáng hoan nghênh vì đã tạo ra công ăn việc làm và thu nhập cho những lao động mới này, giảm nhẹ các vấn đề về thất nghiệp và thiếu việc làm. Tình trạng này thường xảy ra ở những quốc gia có thu nhập thấp với một lượng lớn lao động không có tay nghề. Tuy nhiên, khi các quốc gia đã vượt qua giai đoạn sản xuất công nghệ thấp, tiền lương bắt đầu tăng và tình trạng thiếu lao động có tay nghề cao xuất hiện, thì sự xuất hiện của các doanh nghiệp thâm dụng lao động với quy mô lớn có thể gây khan hiếm lao động phổ thông cho các doanh nghiệp trong nước. Mặt khác, nếu các dự án FDI chỉ tập trung vào một số lĩnh vực chủ yếu, sử dụng lao động phổ thông chưa qua đào tạo, thì tác động lan tỏa đến chất lượng lao động của FDI tất yếu sẽ thấp.

Mặt khác, thực trạng FDI thường tập trung tại các khu kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn như phân tích ở phần 2.1.3.3 đã tạo ra lực hút mạnh mẽ làm xuất hiện các dòng di cư với hàng triệu lao động từ nông thôn vào các khu vực này. Mặc dù người nông dân di cư đến đây sẽ có thêm việc làm, cải thiện thu nhập nhưng chính dòng di cư này đang làm trầm trọng thêm tình trạng phân bổ không đồng đều dân cư và lao động trong cả nước. Lượng dân cư quá đông đổ về các đô thị lớn đã làm quá tải hệ thống cơ sở hạ tầng, cụ thể là quá tải trong hệ thống giao thông vận tải, các cơ sở y tế, giáo dục…

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi sử dụng đất cho các dự án ĐTNN cũng làm mất đi nhiều việc làm truyền thống của dân cư vùng bị thu hồi đất và tạo thêm áp lực xã hội cho nhiều địa phương có liên quan, đẩy người nông dân vào cảnh thất nghiệp và nguy cơ tái nghèo diễn ra. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu PTBV nông nghiệp, nông thôn nước ta.

Trong những năm gần đây, tình trạng đình công tại các doanh nghiệp FDI có xu hướng tăng nhanh với nhiều vụ việc quy mô lớn, phức tạp, tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nhiều mặt của đời sống xã hội, ảnh hưởng đến uy tín, môi trường đầu tư tại Việt Nam. Năm 2014, hệ thống

doanh nghiệp FDI “dẫn đầu” cả nước với tỷ lệ hơn 80% trong tổng số các cuộc đình công (Bá Tân, 2014). Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là tranh chấp lao động về quyền lợi, như chậm điều chỉnh tiền lương khi nhà nước tăng lương tối thiểu; tiền lương giữa các loại lao động không được quy định rõ ràng, nhất là tiền lương giữa lao động giản đơn và lao động có kỹ thuật, giữa người có nhiều năm công tác với người mới vào nghề chênh lệch nhau không đáng kể; làm thêm giờ, tăng ca vượt quá thời gian quy định nhưng trả lương không thỏa đáng; chất lượng bữa ăn giữa ca kém, điều kiện lao động chậm được cải thiện… Đây là hệ quả tất yếu của quá trình dồn nén những bức xúc trong quan hệ lao động, khi năng suất lao động trong doanh nghiệp FDI tăng đáng kể, nhưng trong một thời gian dài, chế độ, quyền lợi của người lao động chậm được điều chỉnh tương xứng với thành quả lao động của họ.

Đó là chưa kể đến dòng vốn FDI thậm chí còn làm tăng các hoạt động bất hợp pháp như tội phạm, ma túy và buôn bán vũ khí, rửa tiền, tham nhũng, chuyển giá, trốn thuế và các giao dịch gian lận khác.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chính sách thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hướng đến phát triển bền vững tại việt nam (Trang 67 - 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(134 trang)