Theo ngành/ lĩnh vực

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chính sách thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hướng đến phát triển bền vững tại việt nam (Trang 48 - 50)

Biểu đồ 2.3. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam theo lĩnh vực (Lũy kế các dự án còn hiệu lực đến ngày 20/12/2016)

Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Trong suốt các giai đoạn, công nghiệp và xây dựng vẫn là lĩnh vực thu hút được nhiều FDI nhất (chiếm tỷ trọng 62,4% tổng số vốn đăng ký), với sự đóng góp rất lớn của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (hiện đang là ngành thu hút nhiều FDI nhất – xem Phụ lục 3). Công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành thu hút nhiều lao động, giúp giải quyết vấn đề công ăn việc làm trong nước đồng thời góp phần làm tăng kim ngạch xuất khẩu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế Việt Nam theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng, việc thu hút quá nhiều FDI vào công nghiệp chế biến, chế tạo tiềm ẩn nguy cơ biến Việt Nam trở thành công xưởng lắp ráp của thế giới. Bởi đây là lĩnh vực xuất khẩu nhiều nhưng nhập khẩu cũng lớn, nên giá trị gia tăng không cao và không tạo sức lan tỏa đến những lĩnh vực kinh tế khác.

Lĩnh vực dịch vụ cũng thu hút đáng kể lượng FDI vào Việt Nam với 36,4% tổng số vốn đăng ký. Kết quả này một phần là do tác động của việc nước ta thực

hiện cam kết giảm dần những rào cản đối với nhà ĐTNN trong một số loại dịch vụ (tài chính, bảo hiểm, bất động sản…) sau khi gia nhập WTO. Trong số đó, các hoạt động kinh doanh bất động sản được đánh giá là đang ngày càng hấp dẫn các chủ đầu tư (là ngành thu hút FDI nhiều thứ 2, chiếm 17,7% tổng số vốn đăng ký – Xem Phụ lục 3) vì nhiều tiềm năng sinh lời, cộng với việc Luật Đất đai mới sửa đổi năm 2013 cho phép doanh nghiệp có vốn ĐTNN được giao đất để đầu tư vào các dự án nhà ở. Đây rõ ràng là một tín hiệu khả quan cho thị trường bất động sản Việt Nam. Tuy nhiên, có một thực tế là không ít dự án, thậm chí là những "siêu" dự án bất động sản tỷ đô, vẫn đang ứ đọng, cho thấy khả năng hấp thụ vốn trong nước còn nhiều tồn tại. Có thể kể tới hàng loạt dự án bất động sản nghỉ dưỡng đang bị bỏ hoang dọc bờ biển miền Trung, những sân golf chỉ ở trên giấy hay các dự án khu đô thị vẫn đang dang dở tại Hà Nội. Trong khi hiện nay, thị trường bất động sản nước ta đang thiếu các dự án nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội thì dòng vốn FDI lại không chảy vào những phân khúc này. Ngoài ra, thực tế nhiều năm qua cho thấy hậu quả của tình trạng phá hủy đất nông nghiệp để thực hiện dự án bất động sản đến nay vẫn chưa giải quyết được. Quá nhiều đầu tư vào các loại hình bất động sản không được kiểm soát còn có thể gây ra hiện tượng bong bóng nhà đất và ùn tắc giao thông đô thị.

Đối lập với sự bùng phát của dòng vốn FDI vào dịch vụ là xu hướng giảm mạnh trong thu hút FDI vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Theo số liệu của Cục ĐTNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ trong vòng 15 năm, FDI vào nông nghiệp đã giảm tới 30 lần (Báo Hải quan, 2014); trong khi khu vực "tam nông" (nông nghiệp, nông dân và nông thôn) chiếm tới hơn 70% dân số Việt Nam, vốn vẫn được xem là trụ đỡ của nền kinh tế với nhiều tiềm năng và lợi thế. Nguyên nhân khiến các nhà đầu tư không mấy mặn mà với lĩnh vực này là do hạ tầng kỹ thuật nông thôn yếu kém, thiếu lao động có tay nghề đồng thời tiềm ẩn nhiều rủi ro về thời tiết, thiên tai, sản phẩm mang tính mùa vụ, tỉ suất lợi nhuận thấp. Bên cạnh đó, chính sách thu hút FDI vào ngành này chưa có chiến lược, định hướng rõ ràng, phù hợp (tình trạng tùy tiện thay đổi quy hoạch, chậm giải phóng mặt bằng… diễn ra ở nhiều địa phương)

cũng được xem là lý do dẫn đến thực trạng dòng vốn ngoại quay lưng với nông nghiệp Việt Nam.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chính sách thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hướng đến phát triển bền vững tại việt nam (Trang 48 - 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(134 trang)