Phát triển bền vững về xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chính sách thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hướng đến phát triển bền vững tại việt nam (Trang 31 - 32)

Để hướng tới PTBV, tăng trưởng kinh tế nhanh và ổn định phải đi đôi với dân chủ công bằng và tiến bộ xã hội. Nhà kinh tế học Kenneth Arrow (Nobel 1972) đã chỉ rõ, ưu điểm của vốn xã hội là nó không cạn kiệt qua sử dụng, song cái nguy hiểm là loại vốn này dễ bị suy mòn nếu đường lối phát triển không đúng, và điều quan trọng hơn cả, không thể một sớm một chiều tái tạo hay vay mượn được. Đơn cử, chính sách phát triển mà chỉ hô hào làm giàu (thậm chí có ý kiến cho rằng phải chấp nhận mức độ tham ô nào đó trong giai đoạn gia tốc phát triển) sẽ hủy hoại tính cộng đồng, làm mất sự tin cậy lẫn nhau, và do đó làm suy giảm vốn xã hội. Một thực tế không thể phủ nhận là ở trình độ phát triển nào của kinh tế cũng sẽ có những vấn đề xã hội nảy sinh cần giải quyết; và PTBV đòi hỏi sự đánh đổi tối ưu, ăn khớp giữa nhiều diễn biến xã hội và kinh tế khác nhau. Đặc biệt, ở những giai đoạn mang tính chất bước ngoặt, như thời kỳ cất cánh của công nghiệp hóa ở một quốc gia, cũng trùng với thời kỳ chuyển từ trạng thái nước nghèo sang nước có thu nhập trung bình, vẫn thường hay xuất hiện nhiều vấn đề xã hội, mà nếu không giải quyết tốt, sẽ trở thành những nhân tố gây cản trở mạnh mẽ nhất đối với sự phát triển kinh tế.

Xã hội ổn định và đồng thuận, có tiềm năng phát triển lớn và tâm lý phát triển tốt là những định hướng nổi trội của PTBV. Các biểu hiện của tính bền vững xét trên khía cạnh xã hội có thể kể đến như công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, an ninh được đảm bảo, người dân được hưởng các dịch vụ cơ bản như y tế, giáo dục… Công bằng xã hội được hiểu không phải là thành quả của xã hội được phân chia đồng đều cho tất cả mọi

người, mà trước hết là sự bình đẳng trong cơ hội tiếp cận và tham gia của mọi tầng lớp dân chúng vào quá trình phát triển và từ đó, được hưởng thành quả tương ứng với khả năng, sức lực và trí tuệ của họ. Nói khác đi, xã hội cần chú trọng tạo điều kiện thuận lợi cho lĩnh vực phát triển con người và cố gắng mang tới cho tất cả mọi người cơ hội như nhau trong việc phát triển tiềm năng bản thân. Đây chính là nguyên tắc then chốt để thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các giai tầng, giữa nông thôn và thành thị. Bên cạnh đó, một quốc gia thật sự phát triển không chỉ là quốc gia trong đó người dân có mức thu nhập cao, mà còn là một quốc gia có đời sống văn hóa, tinh thần phong phú.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chính sách thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hướng đến phát triển bền vững tại việt nam (Trang 31 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(134 trang)