Những năm gần đây, có tới 50% tổng vốn FDI vào Việt Nam là từ các nước châu Á chưa cam kết giảm phát thải hiệu ứng nhà kính và có tỷ lệ công nghệ trung bình - thấp, trong khi từ nhiều quốc gia châu Âu như Đức, Đan Mạch, Luxembourg… là những nơi chú trọng triệt để tới vấn đề bảo vệ môi trường và khá nghiêm túc trong cắt giảm CO2 thì Việt Nam lại không thu hút được nhiều dự án quy mô lớn (Trần Duy Hải, 2015).
Do đó, thời gian tới đây cần ưu tiên lựa chọn những đối tác doanh nghiệp FDI từ những nước phát triển có các tiêu chuẩn môi trường cao, nơi có quy định chặt chẽ về công tác bảo vệ môi trường. Trên thực tế, mức độ tuân thủ pháp luật về môi trường có sự khác biệt rõ rệt giữa các nhà đầu tư đến từ các nước phát triển và từ các nước đang phát triển, cụ thể là các MNCs đến từ các quốc gia phát triển thường có xu hướng chủ động hơn trong tìm hiểu và thực thi các quy định về môi trường của Việt Nam. Những doanh nghiệp này không chỉ có khả năng sử dụng các công nghệ sạch, các biện pháp bảo vệ môi trường tốt hơn mà còn mang lại nhiều cơ hội hơn trong việc kết nối với các doanh nghiệp của nước chủ nhà thông qua chuyển giao tri thức, kinh nghiệm và công nghệ. Một số nghiên cứu cũng cho thấy sự khác biệt khi chọn lựa điểm đến của doanh nghiệp FDI. Ví dụ doanh nghiệp FDI từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông thường ưu tiên chọn những điểm đến có chính sách môi trường kém khắt khe hơn, xem đó như một lợi thế trong cuộc đua giảm chi phí - tăng lợi nhuận so với các doanh nghiệp FDI từ các quốc gia khác như Mỹ, Anh, Nhật... Trong khi nhiều doanh nghiệp FDI từ các quốc gia phát triển như là Úc, New Zealand, Hà Lan... đang hoạt động trong lĩnh
vực sản xuất sữa, nước giải khát, thực phẩm vẫn tìm kiếm những điểm đến xứng đáng với danh tiếng mà họ đã dày công xây dựng dù rằng những nơi này có luật lệ liên quan đến môi trường tương đối nghiêm ngặt mà việc tuân thủ sẽ khiến phát sinh chi phí, làm đội giá thành sản phẩm, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh.
Đặc biệt, nên sử dụng trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR - Corporate social responsibility) như là một trong những tiêu chí tiên quyết để lựa chọn nhà đầu tư trong cùng một lĩnh vực, ưu tiên thu hút nhà đầu tư đã có chiến lược CSR và từng thực hiện nhiều hoạt động về CSR tại các công ty con ở nước ngoài. Nhiều báo cáo của các tổ chức quốc tế và thực tiễn cho thấy các doanh nghiệp có năng lực về vốn, công nghệ thường có xu hướng thực hiện tốt CSR nhằm “chia sẻ giá trị - shared value” với khách hàng và người tiêu dùng. Các doanh nghiệp này luôn có ý thức cải tiến công nghệ để giảm/tiết kiệm năng lượng, áp dụng các biện pháp quản lý môi trường, cải tiến điều kiện lao động, an toàn cho người lao động và bảo vệ khách hàng… Tóm lại, đó là những doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh dài hạn và bền vững.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần nâng cao cảnh giác với dự án FDI đến từ các doanh nghiệp Trung Quốc, hết sức cẩn trọng với chiến lược săn lùng tài nguyên cũng như nguy cơ nước này dùng thủ đoạn để xuất khẩu ô nhiễm ra nước ngoài thông qua hoạt động đầu tư trực tiếp. Về mặt pháp lý, không thể nào có một chính sách thu hút dòng vốn FDI phân biệt theo quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhưng trên thực tế, cũng không có gì cấm cản chúng ta có những ứng xử và giám sát đặc biệt đối với những dự án FDI đến từ một quốc gia đã từng gây bức xúc dư luận toàn cầu bởi chính sách xuất khẩu vốn để khai thác cạn kiệt tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại nhiều nước châu Phi và Nam Mỹ. Các dự án khai thác khoáng sản của Trung Quốc không những không quan tâm đến vấn đề CGCN mà còn tàn phá dữ dội hệ sinh thái của lục địa đen: Các mỏ đồng ở Zambia khiến môi trường ô nhiễm nghiêm trọng, các dự án xây đập thủy điện ở thác Kongou tại Gabon do Trung Quốc đầu tư đe dọa hủy diệt cả một vùng sinh thái giàu có của công viên quốc gia Ivindo, có biết bao khu rừng nguyên sinh bị tàn phá để khai thác
gỗ... Ngay tại trung tâm Durban, nơi tổ chức hội nghị BRICs (khối bao gồm các nền kinh tế lớn mới nổi) ở Nam Phi, có treo những tấm biển với dòng chữ “BRICs, đừng cắt nhỏ châu Phi”. Các nhóm dân sự ở châu Phi coi cách khai thác của Trung Quốc không khác gì hình thức thực dân hồi thế kỷ XIX khi chủ yếu bóc lột nguồn tài nguyên của châu Phi mà không giúp thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa hay tạo việc làm. Tại Việt Nam hiện nay, FDI Trung Quốc chỉ đứng thứ 8 trong các nước đầu tư vào nước ta nhưng phần lớn FDI Trung Quốc đều hướng đến các lĩnh vực khai thác tài nguyên thiên nhiên, những lĩnh vực mà Chính phủ Trung Quốc luôn có rất nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp của họ tiến ra toàn cầu. Tỷ lệ các dự án đầu tư vào dầu mỏ và khai khoáng của Trung Quốc vào nước ta chiếm tới 70% tổng số các dự án, trong đó đáng chú ý là các dự án sắt, thép, xi măng, bauxite. FDI Trung Quốc mang theo những thiết bị mà Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được hoặc có thể có lựa chọn khác từ những nhà đầu tư thân thiện với môi trường hơn. Đặc biệt, Trung Quốc đón đầu xu hướng TPP ở nước ta nên thời gian qua đã có một làn sóng đột biến dòng vốn FDI Trung Quốc đầu tư vào các ngành dệt nhuộm. Thực tế này vừa giết chết ngành sản xuất dệt may trong nước vừa có khả năng biến Việt Nam thành một bãi rác ô nhiễm khổng lồ. Đáng quan ngại hơn nữa, xu hướng này lại diễn ra đồng thời với hiện tượng thời gian qua chính phủ Trung Quốc liên tiếp cho đóng cửa hàng chục ngàn nhà máy do công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Liệu có mối quan hệ nào giữa việc các doanh nghiệp gây ô nhiễm ở Trung Quốc đóng cửa và sau đó chuyển sang Việt Nam?
Trên thực tế, đã xảy ra sự cố môi trường Formosa và Alumin Nhân Cơ là những bài học lớn đối với các nhà quản lý khi “kích hoạt” các dự án có liên quan đến các nhà đầu tư Trung Quốc. Các dự án ở khu kinh tế Vũng Áng, về danh nghĩa là do Đài Loan đầu tư nhưng thực chất điều tra cho thấy công nhân Trung Quốc hiện diện ở đây rất nhiều. Và trong khi thiệt hại do Formosa gây ra còn chưa thống kê hết thì đến ngày 23/7/2016 tại Tây Nguyên đã xảy ra sự cố vỡ đường ống dẫn hóa chất tại nhà máy Alumin Nhân Cơ. Sự cố khiến một lượng kiềm từ bồn chảy ra ngoài làm 9,58m3 kiềm tràn vỡ đã tràn ra khu vực nhà máy. Trong đó một phần được thu hồi, một phần thẩm thấu xuống nền đất diện tích 600m2 và một phần theo
hệ thống thoát nước mưa chảy tràn và chảy ra suối Đắk Dao về phía hạ du (Nha Trang, 2016). Điều đáng nói là công trình này cũng do một nhà thầu Trung Quốc – công ty Chalieco tham gia thiết kế và thi công.