Biểu đồ 2.1. Thu hút và giải ngân vốn FDI của Việt Nam giai đoạn 2007 - 2016
Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư 2.1.1.1. Vốn đăng ký
Tiến trình hội nhập quốc tế đã có những tác động mạnh mẽ, mang tính tích cực đến kết quả thu hút dòng vốn FDI của Việt Nam. Sự kiện nước ta chính thức gia nhập WTO năm 2007 được đánh giá như một cơ hội lớn trong việc tiếp cận nguồn vốn từ bên ngoài. Bằng chứng thuyết phục là trong năm 2008, lượng vốn FDI đăng ký đã tăng vọt lên mức 71,7 tỷ USD – con số kỷ lục trong lịch sử thu hút FDI của Việt Nam. Tuy nhiên, trong 3 năm sau đó (2009 – 2011), do ảnh hưởng lan rộng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, vốn FDI đã liên tiếp sụt giảm đáng kể xuống các mức xấp xỉ 20 tỷ USD. Năm 2013, cùng với sự phục hồi kinh tế thế giới là tín hiệu trở lại của dòng vốn FDI khi tổng vốn đăng ký tăng lên khoảng 36,7 % so với
năm trước (từ 16,35 tỷ USD năm 2012 tăng lên 22,35 tỷ năm 2013). Tính đến hết năm 2015, đã có hàng loạt các dự án tỷ đô của các MNCs có mặt tại Việt Nam, tạo nên những làn sóng vô cùng mạnh mẽ trong thu hút dòng vốn FDI (xem Phụ lục 2).
2.1.1.2. Vốn thực hiện
Kể từ năm 2008, vốn FDI thực hiện hàng năm luôn được duy trì ở mức trên 10 tỷ USD, bất chấp những biến động bất lợi về kinh tế vĩ mô. Kể cả trong 4 năm 2007, 2008, 2010 và 2011, khi tình hình trong nước hết sức khó khăn, lạm phát lên đến 2 con số, số doanh nghiệp phá sản và ngừng sản xuất gia tăng liên tục, thì lượng giải ngân FDI vẫn không có nhiều thay đổi. Điều này cho thấy đa số các dự án FDI phát triển ổn định trong điều kiện tăng trưởng kinh tế giảm, lạm phát cao, đồng thời chịu áp lực từ thực hiện cam kết hội nhập. Kể từ năm 2014, vốn FDI đã phá kỷ lục giải ngân trong 3 năm liên tiếp, đặc biệt năm 2016 vốn giải ngân đạt đến con số ấn tượng là 15,8 tỷ USD, rút ngắn đáng kể khoảng cách chênh lệch so với vốn đăng ký. Đây được xem là tín hiệu tích cực thể hiện việc thu hút dòng vốn FDI đã đi vào thực chất hơn. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, vốn đăng ký chỉ là những con số cam kết, nhiều khi mang lại thành tích “ảo”; sự gia tăng hiện diện của nhà ĐTNN trong hoạt động giải ngân vốn mới là “tiền tươi thóc thật”, là dấu hiệu đáng tin cậy cho thấy niềm tin của họ vào môi trường đầu tư Việt Nam.
2.1.2. Về đối tác đầu tư
Với các lợi thế về nguồn nhân công rẻ, tài nguyên dồi dào, môi trường kinh doanh tương đối thuận lợi, an toàn cho chủ ĐTNN, cùng các chuẩn mực đầu tư phù hợp với thông lệ quốc tế, Việt Nam được đánh giá là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn thế giới. Tính đến cuối năm 2016 đã có 114 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam:
Bảng 2.1. Top 10 quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư lớn nhất vào Việt Nam (Lũy kế các dự án còn hiệu lực đến ngày 20/12/2016)
S T T
Đối tác đầu tư
Tổng vốn đầu tư đăng ký (triệu USD) Số dự án Quy mô dự án bình quân (triệu USD/ dự án) 1 Hàn Quốc 50.706,440 5.747 8,82 2 Nhật Bản 42.058,303 3.280 12,82 3 Singapore 37.878,848 1.786 21,21 4 Đài Loan 31.568,963 2.509 12,58
5 British Virgin Islands 21.149,491 686 30,83
6 Hồng Kông 16.937,044 1.161 14,59
7 Malaysia 12.295,234 546 22,52
8 Trung Quốc 10.521,718 1.555 6,77
9 Hoa Kỳ 10.148,556 823 12,33
10 Thái Lan 7.799,618 445 17,53
Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Từ bảng trên có thể thấy FDI vào Việt Nam chủ yếu đến từ khu vực châu Á. Tuy không thể phủ nhận những đối tác đầu tư lớn nhất của Việt Nam (Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore) đều là những cường quốc về công nghệ, nhưng nếu cho rằng giữa trình độ công nghệ của nước đầu tư với tác động lan tỏa công nghệ đó đến nước nhận đầu tư có tồn tại mối quan hệ tỷ lệ thuận, thì có thể nhận định Việt Nam chưa thực sự được tiếp cận những công nghệ tiên tiến nhất qua con đường ĐTNN. Bởi trên mặt bằng chung, Hoa Kỳ và các nước Tây Âu rõ ràng có nền tảng khoa học kỹ thuật cao hơn mức trung bình của châu Á. Các quốc gia như Malaysia, Trung Quốc hay Thái Lan không mạnh về công nghệ nguồn, thậm chí bản thân họ cũng đang phụ thuộc vào công nghệ bên ngoài chuyển vào. Hơn nữa, một đặc điểm lớn trong đầu tư ra nước ngoài của những quốc gia này là hướng vào các ngành công nghiệp chế tạo, thâm dụng lao động.
2.1.3. Về cơ cấu vốn đầu tư
2.1.3.1. Theo hình thức đầu tư
Biểu đồ 2.2. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam theo hình thức đầu tư (Lũy kế các dự án còn hiệu lực đến ngày 20/12/2016)
Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Đa phần vốn FDI đổ vào Việt Nam dưới hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài, chiếm tỷ trọng vượt trội hơn hẳn các hình thức còn lại (71,4%). Nguyên nhân là do với hình thức này, chủ ĐTNN được nắm toàn quyền điều hành dự án (có thể trực tiếp hoặc thuê người quản lý), được tự do tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh trong phạm vi quy định của pháp luật nước chủ nhà, tạo cho họ tâm lý thoải mái, tự chủ, ít chịu sự ràng buộc. Mặt khác, điều này cũng được lý giải bởi thực tế các chủ đầu tư đang dần tin tưởng hơn vào môi trường đầu tư của Việt Nam, từ đó có xu hướng hoạt động độc lập hơn, không cần phụ thuộc nhiều vào các đối tác trong nước để khai thác các yếu tố thuận lợi (về đất đai, mặt bằng sản xuất...) như trong giai đoạn đầu mới thu hút. Vì không phải chia sẻ quyền sở hữu và lợi nhuận nên hình thức này có ưu điểm là nhà ĐTNN rất tích cực đầu tư thiết bị, công nghệ mới cũng như đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động, cán bộ quản lý xí
nghiệp. Tuy nhiên, sự kiểm tra, giám sát của phía Việt Nam đối với các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tất yếu sẽ bị hạn chế.
Luật Đầu tư 2014 (chính thức có hiệu lực từ 1/7/2015) đã bổ sung hình thức đầu tư theo hợp đồng đối tác công tư (public private partnership - PPP). Đây là hợp đồng được ký kết giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp để thực hiện dự án đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo, nâng cấp, mở rộng, quản lý và vận hành công trình kết cấu hạ tầng hoặc cung cấp dịch vụ công (Điều 27 Luật đầu tư 2014). Nói cách khác, hợp đồng PPP là thỏa thuận hợp tác giữa Nhà nước và khu vực tư nhân trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và cung cấp các dịch vụ công, theo đó một phần hoặc toàn bộ công việc sẽ được chuyển giao cho khu vực tư nhân thực hiện với sự hỗ trợ của Nhà nước. Cơ sở hình thành các thỏa thuận PPP xuất phát từ việc đầu tư các dự án/công trình kết cấu hạ tầng và/hoặc cung cấp dịch vụ công nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu của đời sống xã hội, như xây dựng và vận hành hệ thống đường bộ, cấp điện, cấp nước… Những dự án, dịch vụ này đòi hỏi đầu tư lớn nhưng khó sinh lời nên thường do nhà nước đứng ra thực hiện. Tuy nhiên, có một thực tế là nhu cầu sử dụng các công trình, dịch vụ công, đặc biệt là trước sức ép tăng trưởng kinh tế, luôn vượt quá khả năng thu xếp nguồn lực hữu hạn của nhà nước. Chính vì vậy, một trong những giải pháp để khắc phục tình trạng này là thu hút các nguồn lực đầu tư vào các dự án, dịch vụ công thông qua đối tác nhà nước – tư nhân. Lĩnh vực, điều kiện, thủ tục thực hiện dự án đầu tư theo hình thức mới này được Chính phủ quy định chi tiết tại Nghị định 15/2015/NĐ-CP.
2.1.3.2. Theo ngành/ lĩnh vực
Biểu đồ 2.3. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam theo lĩnh vực (Lũy kế các dự án còn hiệu lực đến ngày 20/12/2016)
Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Trong suốt các giai đoạn, công nghiệp và xây dựng vẫn là lĩnh vực thu hút được nhiều FDI nhất (chiếm tỷ trọng 62,4% tổng số vốn đăng ký), với sự đóng góp rất lớn của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (hiện đang là ngành thu hút nhiều FDI nhất – xem Phụ lục 3). Công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành thu hút nhiều lao động, giúp giải quyết vấn đề công ăn việc làm trong nước đồng thời góp phần làm tăng kim ngạch xuất khẩu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế Việt Nam theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng, việc thu hút quá nhiều FDI vào công nghiệp chế biến, chế tạo tiềm ẩn nguy cơ biến Việt Nam trở thành công xưởng lắp ráp của thế giới. Bởi đây là lĩnh vực xuất khẩu nhiều nhưng nhập khẩu cũng lớn, nên giá trị gia tăng không cao và không tạo sức lan tỏa đến những lĩnh vực kinh tế khác.
Lĩnh vực dịch vụ cũng thu hút đáng kể lượng FDI vào Việt Nam với 36,4% tổng số vốn đăng ký. Kết quả này một phần là do tác động của việc nước ta thực
hiện cam kết giảm dần những rào cản đối với nhà ĐTNN trong một số loại dịch vụ (tài chính, bảo hiểm, bất động sản…) sau khi gia nhập WTO. Trong số đó, các hoạt động kinh doanh bất động sản được đánh giá là đang ngày càng hấp dẫn các chủ đầu tư (là ngành thu hút FDI nhiều thứ 2, chiếm 17,7% tổng số vốn đăng ký – Xem Phụ lục 3) vì nhiều tiềm năng sinh lời, cộng với việc Luật Đất đai mới sửa đổi năm 2013 cho phép doanh nghiệp có vốn ĐTNN được giao đất để đầu tư vào các dự án nhà ở. Đây rõ ràng là một tín hiệu khả quan cho thị trường bất động sản Việt Nam. Tuy nhiên, có một thực tế là không ít dự án, thậm chí là những "siêu" dự án bất động sản tỷ đô, vẫn đang ứ đọng, cho thấy khả năng hấp thụ vốn trong nước còn nhiều tồn tại. Có thể kể tới hàng loạt dự án bất động sản nghỉ dưỡng đang bị bỏ hoang dọc bờ biển miền Trung, những sân golf chỉ ở trên giấy hay các dự án khu đô thị vẫn đang dang dở tại Hà Nội. Trong khi hiện nay, thị trường bất động sản nước ta đang thiếu các dự án nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội thì dòng vốn FDI lại không chảy vào những phân khúc này. Ngoài ra, thực tế nhiều năm qua cho thấy hậu quả của tình trạng phá hủy đất nông nghiệp để thực hiện dự án bất động sản đến nay vẫn chưa giải quyết được. Quá nhiều đầu tư vào các loại hình bất động sản không được kiểm soát còn có thể gây ra hiện tượng bong bóng nhà đất và ùn tắc giao thông đô thị.
Đối lập với sự bùng phát của dòng vốn FDI vào dịch vụ là xu hướng giảm mạnh trong thu hút FDI vào lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Theo số liệu của Cục ĐTNN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ trong vòng 15 năm, FDI vào nông nghiệp đã giảm tới 30 lần (Báo Hải quan, 2014); trong khi khu vực "tam nông" (nông nghiệp, nông dân và nông thôn) chiếm tới hơn 70% dân số Việt Nam, vốn vẫn được xem là trụ đỡ của nền kinh tế với nhiều tiềm năng và lợi thế. Nguyên nhân khiến các nhà đầu tư không mấy mặn mà với lĩnh vực này là do hạ tầng kỹ thuật nông thôn yếu kém, thiếu lao động có tay nghề đồng thời tiềm ẩn nhiều rủi ro về thời tiết, thiên tai, sản phẩm mang tính mùa vụ, tỉ suất lợi nhuận thấp. Bên cạnh đó, chính sách thu hút FDI vào ngành này chưa có chiến lược, định hướng rõ ràng, phù hợp (tình trạng tùy tiện thay đổi quy hoạch, chậm giải phóng mặt bằng… diễn ra ở nhiều địa phương)
cũng được xem là lý do dẫn đến thực trạng dòng vốn ngoại quay lưng với nông nghiệp Việt Nam.
2.1.3.3. Theo vùng
Tính đến nay, tất cả 63 tỉnh thành trên cả nước đều đã thu hút được FDI (xem Phụ lục 4); tuy nhiên, vẫn tồn tại khoảng cách không nhỏ giữa các địa phương, dẫn đến sự mất cân đối trong cơ cấu lãnh thổ, giảm sự liên kết giữa các vùng kinh tế trong quá trình phát triển chung của cả nước.
Biểu đồ 2.4. Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam theo vùng (Lũy kế các dự án còn hiệu lực đến ngày 20/12/2016)
Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Với mục đích cao nhất là lợi nhuận, các nhà ĐTNN thường lựa chọn địa điểm triển khai dự án tại những nơi có cơ sở hạ tầng thuận lợi, lao động dồi dào và có kỹ năng, tập trung ở những đô thị lớn, những địa phương có cảng biển, cảng hàng không hay các tỉnh đồng bằng (điển hình là TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh…). Động cơ này dẫn đến một nghịch lý là chính những địa phương vốn đã có trình độ phát triển cao lại có cơ hội tiếp cận phần lớn vốn ĐTNN; trong khi các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa,
kém phát triển, đang cần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng lại thu hút được quá ít dự án, không khai thác được hết các lợi thế của địa phương.
2.2. Khuôn khổ chính sách thu hút dòng vốn FDI hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam vững tại Việt Nam
Tại Việt Nam, chính sách thu hút dòng vốn FDI được thể hiện trước tiên trong Luật ĐTNN. Luật ĐTNN được ban hành từ năm 1987, đến nay đã qua 6 lần sửa đổi, bổ sung vào các năm 1990, 1992, 1996, 2000, 2005 và gần đây nhất là năm 2014. Năm 2005 đánh dấu cột mốc quan trọng trong tư duy chính sách, dựa trên nguyên tắc không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước với nhà ĐTNN, bằng sự thống nhất Luật khuyến khích đầu tư trong nước và Luật ĐTNN thành Luật đầu tư nói chung. Mốc điều chỉnh này diễn ra ngay trước thềm sự kiện Việt Nam gia nhập WTO, cho thấy tiến trình hội nhập đã tạo sức ép tích cực để Việt Nam ngày càng hoàn thiện chính sách, pháp luật nội địa theo hướng phù hợp với các nguyên tắc, thông lệ quốc tế. Cùng với Luật đầu tư là hàng loạt các văn bản dưới luật nhằm hướng dẫn thực hiện luật, trong đó mới nhất có thể kể đến Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư, Nghị định số 83/2015/NĐ-CP ngày 25/9/2015 quy định về hoạt động đầu tư ra nước ngoài, Quyết định số 19/2015/QĐ-TTg ngày 15/6/2015 về tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao. Ngoài các quy định trong Luật đầu tư, chính sách thu hút dòng vốn FDI của Việt Nam còn được thể hiện lồng ghép trong Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (2008, sửa đổi 2013), Luật CGCN (2006, có hiệu lực 2007), Luật đất đai (2003), Luật Bảo vệ môi trường (năm 1993, sửa đổi 2005, 2014)…
Trong khuôn khổ Luận văn, người viết chỉ tập trung phân tích một số chính sách nổi bật, có tác động đáng chú ý đến sự PTBV của Việt Nam.
2.2.1. Cơ chế phân cấp quản lý FDI
Từ chỗ nhà ĐTNN phải xin giấy phép đầu tư từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định trong Luật ĐTNN 1987, công tác cấp phép đã từng bước được phân cấp xuống các Sở Kế hoạch và Đầu tư, các Ban quản lý khu Kinh tế, khu Công nghiệp,
khu Chế xuất, Khu công nghệ cao sau mỗi lần sửa đổi Luật, đặc biệt là sau sự ra đời của Luật đầu tư 2005. Đến nay, việc cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cũng như quản lý các dự án ĐTNN sau cấp phép được phân cấp triệt để cho chính quyền địa phương, mà trực tiếp là Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các ban quản lý, trừ những dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư