Ở Việt Nam, các hình thức ưu đãi tài chính dành cho các nhà ĐTNN bao gồm ưu đãi thuế, ưu đãi tín dụng với lãi suất thấp, bảo hiểm tín dụng; trong đó phần lớn
ưu đãi tài chính được thực hiện qua ưu đãi về thuế. Nhìn chung, các chính sách thuế liên quan đến doanh nghiệp FDI trong thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà ĐTNN, xóa bỏ sự phân biệt đối xử giữa ĐTNN và đầu tư trong nước.
Chính sách thuế đối với doanh nghiệp FDI sau khi cấp phép được tổng hợp ở Phụ lục 6. Có thể thấy các mức ưu đãi thuế của Việt Nam có phân biệt theo lĩnh vực đầu tư, địa bàn, sản xuất xuất khẩu, đầu tư mới, đầu tư mở rộng. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là để xác định và cấp ưu đãi tài chính một cách hiệu quả, chính sách của chúng ta còn thiếu các tiêu chí đầu ra, hay nói cách khác, thiếu sự ràng buộc với hiệu quả hoạt động của dự án. Ưu đãi tài chính của Việt Nam được cấp không gắn với kết quả đầu ra của hoạt động đầu tư, được xác định ngay khi cấp chứng nhận đầu tư theo dự án. Điều này khiến các doanh nghiệp ít quan tâm đến đầu ra và do đó hiệu quả của ưu đãi thấp, có lợi cho doanh nghiệp nhưng không đảm bảo lợi ích kinh tế - xã hội của nước chủ nhà. Trong khi đó, ở nhiều quốc gia khác, các doanh nghiệp FDI chỉ nhận được ưu đãi khi thỏa mãn một số yêu cầu hay tiêu chí đầu ra nhất định, thông thường bao gồm:
(i) Tăng giá trị gia tăng trên 1 đơn vị sản phẩm (ii) Giá trị xuất khẩu tăng thêm
(iii) Công nghệ sản xuất sử dụng (iv) Tạo dựng được liên kết sản xuất
(v) Đáp ứng chỉ số kỹ thuật, quản lý nhất định
(vi) Sử dụng đầu vào, nguyên liệu sẵn có và sản xuất trong nước (ví dụ Malaysia ưu đãi cho các dự án sử dụng dầu cọ sản xuất trong nước) Việc quy định yêu cầu kết quả đầu ra đối với ưu đãi là một công cụ thực sự quan trọng để thu hút được nguồn vốn FDI có chất lượng.