Xét trên khía cạnh bảo vệ môi trường

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chính sách thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hướng đến phát triển bền vững tại việt nam (Trang 69 - 74)

Hiện nay, về cơ bản, nhiều doanh nghiệp FDI đang dần có ý thức trong việc tuân thủ các quy định về môi trường ở Việt Nam. Thậm chí có những kết quả khảo sát cho thấy khối doanh nghiệp FDI thực hiện các tiêu chuẩn liên quan đến môi trường tốt hơn số đông các doanh nghiệp trong nước (Hà Văn Hội, 2013). Theo khảo sát tại Bắc Ninh, năm 2015 có khoảng 85 - 90% các công ty ĐTNN tại tỉnh có báo cáo thường xuyên và đúng hạn về theo dõi chất lượng môi trường và chỉ có 5 - 7% số doanh nghiệp FDI được khảo sát có những vi phạm về môi trường, mà chủ yếu là chưa tuân thủ các thủ tục hành chính về báo cáo những thay đổi trong hệ thống quản lý môi trường của họ (Đặng Hiếu, 2016). Đã có một số doanh nghiệp vận hành thành công công thức 5R trong hoạt động sản xuất hướng tới môi trường bền vững: Reduce - giảm thiểu việc tiêu phí nguyên vật liệu bằng cách tái chế, Reuse - tận dụng lại những sản phẩm và vật liệu đã qua sử dụng, Refuse - từ chối mua những sản phẩm không thân thiện với môi trường, Reform - thay đổi thói quen sử dụng vật liệu và cuối cùng là nguyên tắc Recycle - tái chế hơn là bỏ đi. Điển hình

có thể kể đến các công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam, Sumidenso Việt Nam, Uniden Việt Nam, Ford Việt Nam...

Mặc dù vậy, vẫn có không ít doanh nghiệp FDI thể hiện sự thiếu trách nhiệm trong vấn đề bảo vệ môi trường ở nước sở tại. Báo cáo của Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội tại hội thảo “Giảm thiểu các tác động môi trường của đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam” tháng 3/2016 cho thấy kết quả điều tra 150 doanh nghiệp FDI năm 2011: có 45% doanh nghiệp chưa áp dụng quy trình sản xuất ít phát thải, 69% doanh nghiệp cho rằng họ sẽ không thực hiện quy trình giảm phát thải nếu như đó không phải là yêu cầu bắt buộc, tương tự 57,7% lấy lý do chi phí cao… Trên thực tế, nhiều khu công nghiệp đi vào hoạt động nhưng chưa triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải cục bộ hoặc có nhưng không vận hành, hay vận hành không hiệu quả hoặc xuống cấp; hiện chỉ có khoảng 66% trong số 289 khu công nghiệp trên cả nước có trạm xử lý nước thải tập trung. Đặc biệt, tại Đồng bằng Sông Cửu Long có 75% khu và 85% cụm công nghiệp chưa có xử lý nước thải tập trung (Hoàng Thị Hạnh, Nguyễn Tuấn Dũng, 2016). Từ năm 1988 – 2013, các dự án FDI trong lĩnh vực cấp nước, xử lý nước thải chỉ dừng lại ở con số ảm đạm 28/16.000 dự án, bằng 0,2% và chiếm 0,36% tổng vốn đăng ký (710 triệu USD). Điều đáng lo ngại là, trong tương lai, những ngành công nghiệp hưởng lợi nhiều nhất từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết và tham gia đàm phán, bao gồm dệt may, da giày, gỗ, sản xuất linh kiện điện tử… lại chính là những ngành nằm trong danh sách tiêu thụ nhiều năng lượng, có khả năng phát thải cao, gây ô nhiễm môi trường do sử dụng nhiều hóa chất độc hại, khó xử lý.

Theo một nghiên cứu mới đây của trường Đại học Kinh tế quốc dân về tình hình tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường của doanh nghiệp FDI, hiện có đến 80% khu công nghiệp vi phạm các quy định về môi trường; 70% doanh nghiệp FDI xả thải vượt quy chuẩn, 23% trong số đó xả chất thải vượt quy chuẩn cho phép 5 - 12 lần. Một điều tưởng như rất nghịch lý là gần 70% doanh nghiệp FDI cho biết đầu tư vào Việt Nam sẽ tiết kiệm chi phí về môi trường so với đầu tư ở nước họ. Bởi lẽ chi phí xử lý nước thải ngành dệt nhuộm, sắt thép rất lớn, việc quản lý, giám sát xả thải rất khó, đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao. Vì thế, khi đầu tư tại Việt Nam sẽ tiết kiệm

chi phí 10 - 15% so với đầu tư ở nước họ (Đinh Đức Trường, 2015). Hiện nay, công tác thẩm định, lựa chọn công nghệ của Việt Nam còn rất yếu kém, dẫn đến nguy cơ đón nhận làn sóng di chuyển công nghệ lạc hậu từ các nước phát triển hơn. Một trong các mục đích của ĐTNN là kéo dài vòng đời công nghệ sản xuất nên trên thực tế đã có hiện tượng một số nước lớn có ý đồ tận dụng những hạn chế trong lựa chọn cũng như giám sát hoạt động của phía Việt Nam để di dời sang nước ta các thiết bị, công nghệ lỗi thời, không thân thiện với môi trường và phát thải nhiều khí các bon; nếu không đủ cảnh giác thì “lợi bất cập hại”, khó lường trước hậu quả tiêu cực. Theo điều tra của Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, tính đến năm 2013, chỉ 5% doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam có công nghệ cao, 80% có công nghệ trung bình, còn lại 14% là sử dụng công nghệ thấp, thậm chí có dây chuyền công nghệ xuất hiện từ những năm 70, 80 của thế kỷ XX. Từ thập kỷ trước, giới học thuật thế giới đã có nhiều nghiên cứu về ảnh hưởng của dòng vốn FDI từ các quốc gia phát triển đối với môi trường tại các quốc gia đang phát triển, trong số đó có “Giả thuyết nơi ẩn giấu ô nhiễm - Pollution Haven Hypothesis”. Theo giả thuyết này, bên cạnh động cơ khai thác tài nguyên, nhiều dự án FDI còn nhằm mục đích tìm kiếm địa điểm để chôn cất những chất thải không xử lý được mà ở các quốc gia phát triển, doanh nghiệp không được phép thực hiện hay không thể thực hiện do những quy định rất nghiêm ngặt về môi trường, chi phí xử lý và thuế suất xả thải rất cao. Phần lớn các nước đang phát triển quy định các tiêu chuẩn về môi trường thấp hơn các nước phát triển. Điều này góp phần tạo nên sự dịch chuyển mạnh mẽ của các doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp nặng mà phát thải phần lớn có nguy cơ gây ô nhiễm như sản xuất sắt thép, dệt may, da giày, giấy, khai thác khoáng sản... từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển. Mặt khác, trong việc tìm kiếm và chọn lựa điểm đến cho nhà máy, ngoài mục tiêu mở rộng thị trường, cơ sở sản xuất, nguồn nguyên liệu, nguồn cung lao động giá rẻ, giờ đây không ít MNCs còn tìm và ưu tiên chọn quốc gia nào quản lý môi trường lỏng lẻo và có mức thuế môi trường có thể chấp nhận được. Gần đây, Trung Quốc đang nỗ lực thực hiện chủ trương “xanh hóa” nền kinh tế nhằm giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường trầm trọng trong nước bằng cách thắt chặt chất lượng thu hút dòng vốn

FDI, hạn chế những dự án công nghiệp nặng, hao tổn nhiên liệu và gây ô nhiễm môi trường; đồng thời chi phí nhân công của Trung Quốc đang bắt đầu tăng lên; điều này rất có thể sẽ khiến những doanh nghiệp từng đầu tư vào ngành thâm dụng lao động hoặc gây ô nhiễm nặng từ quốc gia này tìm đến sự thay thế tại một thị trường có nhiều điểm tương tự là Việt Nam.

Khi đề cập đến vấn đề trách nhiệm, các doanh nghiệp thì đổ lỗi cho sự phức tạp, chồng chéo và thay đổi nhanh của các quy định về môi trường đã cản trở nỗ lực muốn thực thi của họ. Chính quyền địa phương, cơ quan quản lý thì biện hộ nguyên nhân là do thiếu ngân sách, nhân lực cho hoạt động giám sát môi trường, thậm chí có trường hợp đã đầy đủ thiết bị nhưng không đủ kinh phí vận hành… Hệ quả là người dân Việt Nam đang đứng trước nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, sự xâm hại lớn đến đa dạng sinh thái và cảnh quan tự nhiên cũng như sự cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên. Nơi nào tập trung càng nhiều khu công nghiệp được đầu tư mạnh thì nơi đó môi trường càng bị ô nhiễm nặng. Người ta đã đề cập rất nhiều về dòng vốn FDI “chưa sạch” tại Việt Nam và các vấn đề liên quan như xử lý nước thải, các khu công nghiệp mở rộng đang làm diện tích rừng bị thu hẹp, cuộc sống và nơi cư trú của các động vật hoang dã, thực vật đã bị xáo trộn, phá hủy, ảnh hưởng xấu đến đa dạng sinh học, tài nguyên nước, thuỷ sản, biến đổi khí hậu và gia tăng ô nhiễm các lưu vực sông… Thậm chí một số doanh nghiệp FDI đã gây ra sự cố môi trường nghiêm trọng, làm biến đổi hệ sinh thái, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, an sinh xã hội trên địa bàn. Có thể kể đến nhiều trường hợp thiếu trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp gây bức xúc dư luận như vụ việc công ty Vedan xả thải xuống sông Thị Vải, trốn phí môi trường suốt 14 năm, nhà máy Miwon tại Phú Thọ mỗi ngày xả tới 900 m3 nước thải chưa xử lý hay gần đây nhất là sự cố môi trường gây thảm họa cá chết hàng loạt dọc ven biển miền Trung do công ty Formosa (Vũng Áng, Hà Tĩnh), thuộc Tập đoàn Formosa Đài Loan gây ra. Đường ống xả thải của Formosa với công suất xả thải 12.000m3/1 ngày đêm chứa độc tố phê-non, xy-a-nua,… kết hợp hy-đrô-xít sắt, tạo thành một dạng phức hỗn hợp (mixel) quá tiêu chuẩn cho phép đã làm khoảng 80 tấn hải sản chết hàng loạt dọc bờ biển 4 tỉnh Bắc miền Trung từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên –

Huế, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, thiệt hại to lớn về kinh tế – xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, đời sống, tinh thần của nhân dân. Điều nguy hiểm là không chỉ có Vedan, Miwon, Formosa… là những vụ việc đã được đưa ra ánh sáng, mà ngày càng có thêm nhiều doanh nghiệp FDI chưa bị phát giác đang ngấm ngầm phá hủy môi trường.

Nhìn chung, trong thời gian qua, việc thu hút dòng vốn FDI hướng tới PTBV tại Việt Nam đã đạt được một số thành quả nhất định, nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng, vẫn tồn tại một khoảng cách không nhỏ giữa chính sách và thực thi. Nguyên nhân là do khuôn khổ pháp lý chưa thật hoàn thiện, còn tồn tại nhiều kẽ hở, năng lực thể chế chưa đủ mạnh, cơ sở hạ tầng yếu kém, CNHT non trẻ, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao đồng thời vẫn tồn tại tư tưởng chú trọng về lượng hơn về chất của dòng vốn FDI; thu hút FDI “bằng mọi giá” dựa chủ yếu vào lợi thế điều kiện tự nhiên và nguồn lao động giá rẻ.

CHƯƠNG 3. MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH THU HÚT DÒNG VỐN ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP NƯỚC NGOÀI HƯỚNG ĐẾN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG TẠI VIỆT NAM

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chính sách thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hướng đến phát triển bền vững tại việt nam (Trang 69 - 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(134 trang)