Phát triển bền vững về môi trường

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chính sách thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hướng đến phát triển bền vững tại việt nam (Trang 32 - 33)

Môi trường, với tư cách vừa là không gian diễn ra mọi hoạt động kinh tế - xã hội của con người, vừa là hệ thống cung cấp các nguồn lực đầu vào cho quá trình phát triển, đóng vai trò như một thành tố nòng cốt của PTBV. Mặc dù vậy, ngay từ những ngày đầu, với mục tiêu thâu tóm những khoản lợi nhuận khổng lồ trong thời gian ngắn nhất, chủ nghĩa tư bản đã ra sức khai thác triệt để những tài nguyên thiên nhiên sẵn có. Ngoài ra, sự gia tăng dân số, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển, cũng góp phần tiêu thụ một lượng lớn năng lượng chưa kịp tái tạo. Sự hữu hạn của nguồn tài nguyên đi liền với nhu cầu ngày càng tăng của con người đang tạo ra những sức ép khổng lồ cho môi trường, gây tổn thương nghiêm trọng hệ sinh thái.

Nguyên thủy, nhận thức về PTBV bắt nguồn từ mối quan ngại đối với một số quốc gia chọn cách tăng trưởng kinh tế vội vã, bằng mọi giá tăng nhanh thu nhập hiện tại mà không để ý đến những nguy hại dài lâu mà lối phát triển thiển cận, mang tính chất “ăn xổi ở thì” ấy để lại cho môi trường sinh thái (tàn phá rừng, sa mạc hóa...), cho trữ lượng hữu hạn của tài nguyên thiên nhiên (quặng mỏ, dầu hỏa, khí đốt…). Phát triển kinh tế mà chỉ dựa vào những loại tài nguyên có thể cạn kiệt, phát triển mà làm hủy hoại môi trường, gây ra những hậu quả khó khắc phục về lâu dài, thì đó là một sự phát triển không bền vững. Do đó, PTBV về môi trường là việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, duy trì một nền tảng nguồn lực ổn định, tránh khai thác quá mức các nguồn lực không thể tái sinh. PTBV đặt ra yêu cầu duy trì sự đa dạng sinh học, sự ổn định khí quyển và các hoạt động sinh thái khác, hạn chế vấn

đề ô nhiễm môi trường, quản lý và xử lý tốt chất thải rắn, chất thải nguy hại, ngăn ngừa và giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai. Ngoài ra, PTBV đòi hỏi các doanh nghiệp từng bước thay đổi mô hình sản xuất, hướng đến sử dụng có hiệu quả các công nghệ sản xuất sạch hơn, thân thiện với môi trường hơn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chính sách thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hướng đến phát triển bền vững tại việt nam (Trang 32 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(134 trang)