Tiếp tục thực hiện phân cấp nhưng phải đảm bảo tính tập trung thông

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chính sách thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hướng đến phát triển bền vững tại việt nam (Trang 84 - 86)

việc nâng cao hiệu năng quản lý của Nhà nước

Để bảo đảm lợi ích quốc gia trong thu hút dòng vốn FDI, Việt Nam cần tiến hành điều tra, nghiên cứu, xem xét lại, với thái độ khách quan, khoa học, những ưu và nhược điểm, những kết quả và những mặt tồn tại của chủ trương phân cấp triệt để, hay còn gọi là phân cấp "trắng” hiện hành; từ đó có phương án thiết kế, điều chỉnh hợp lý sao cho vừa phát huy được tính sáng tạo của địa phương, vừa duy trì tính thống nhất luật pháp cũng như tính liên kết vùng. Nguyên tắc là tiếp tục thực hiện phân cấp nhưng vẫn phải đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ trên toàn quốc. Nhất thiết phải có sự can thiệp của Nhà nước với vai trò là người tạo lập chính sách, nhằm khắc phục tình trạng nhiễu loạn thông tin hay chia cắt, phân tán, đùn đẩy trách nhiệm trong quản lý. Muốn vậy, cơ quan quản lý Trung ương cần đưa ra cơ chế rõ ràng về phối hợp trong thực hiện phân cấp đầu tư giữa Trung ương và địa phương cũng như giữa các ngành trong cùng một địa phương. Cần xây dựng bộ quy

định thủ tục hành chính, chủ trương xúc tiến đầu tư và công cụ ưu đãi thống nhất, có tính chất như một cuốn cẩm nang phân cấp quản lý FDI, để hướng dẫn và tham vấn cho các địa phương, đồng thời làm chỗ dựa cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng như toàn xã hội hiểu rõ cơ cấu, quy định về quản lý FDI. Cần nhấn mạnh lợi ích quốc gia và sức mạnh tổng hợp là trên hết để làm căn cứ cho các tỉnh thu hút dòng vốn FDI dựa vào những lợi thế riêng của mình.

Bên cạnh đó, cũng cần coi trọng việc tuân thủ pháp luật, có hình thức chế tài xử lý sai phạm nghiêm minh khi các địa phương hoặc các cấp quản lý được phân cấp có hành vi vi phạm các quy định của Nhà nước về các điều kiện ưu đãi, khuyến khích dành cho nhà đầu tư để sớm chấm dứt hiện tượng cạnh tranh quá mức giữa các địa phương, cung cấp các ưu đãi hào phóng vượt giới hạn cho phép. Thực hiện biên soạn, công bố trong khả năng có thể những trường hợp vi phạm gây ra thiệt hại không nhỏ về lợi ích quốc gia và địa phương, làm bài học tham chiếu đối với việc hoạch định chính sách đầu tư. Các khoản thiệt hại do vi phạm cần được quy về cơ quan hoặc cá nhân ra quyết định trực tiếp để nâng cao tinh thần trách nhiệm của từng cá nhân và tổ chức liên quan.

Cần đầu tư nhiều hơn nữa vào công tác đào tạo nguồn cán bộ thực hiện công tác quản lý FDI về những kiến thức và kỹ năng quản lý phù hợp với cấp độ và công việc quản lý mang tính chuyên nghiệp cao. Tăng cường sự kết hợp giữa các cơ quan quản lý các cấp với các cơ quan nghiên cứu, cơ sở đào tạo trong và ngoài nước để tận dụng nguồn lực chất lượng cao phục vụ xử lý các vấn đề phức tạp phát sinh trong hệ thống quản lý được phân cấp. Các địa phương và các ban quản lý khu công nghiệp cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, trước hết đối với các cán bộ hiện đang công tác trong lĩnh vực xây dựng quy hoạch, soạn thảo và công bố chính sách, quy định cũng như phương thức xử lý các vấn đề phát sinh. Các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương và các cơ quan khác cần tổ chức nhiều lớp tập huấn để thông báo và huấn luyện nghiệp vụ giải quyết các vấn đề được phân cấp về quản lý FDI.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) chính sách thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hướng đến phát triển bền vững tại việt nam (Trang 84 - 86)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(134 trang)